Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, gia đình 7 người ở TP.Vũng Tàu nhiễm Covid-19 nghi do tiếp xúc người quen từ Bình Dương. Ngày 20.10, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đang tiếp tục truy vết những người liên quan đến gia đình 7 người nhiễm Covid-19 ở P.Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu. Theo thông tin ban đầu, chiều 16.10, gia đình ông T.M.K. (ngụ Bình Dương) gồm 5 người từ Bình Dương đi ô tô riêng xuống nhà ông K.H.Q. (ngụ P.Rạch Dừa) chơi.
Chiều 17.10, gia đình ông K. quay về lại Bình Dương. Trên chuyến xe về lại Bình Dương có tổng cộng 7 người. Sau đó, 7 người này đi xét nghiệm phát hiện dương tính Covid-19. Nhận thông tin gia đình ông K. dương tính Covid-19, UBND P.Rạch Dừa đã chỉ đạo lực lượng chức năng truy vết và qua kiểm tra nhanh phát hiện 7 người trong gia đình ông Q. ở TP.Vũng Tàu đều dương tính Covid-19. Lực lượng chức năng xác định nguyên nhân ban đầu nghi do ông K. từ Bình Dương về lây nhiễm.
Ngày 20.10: Cả nước 3.646 ca Covid-19, 1.737 ca khỏi | TP.HCM 1.347 ca |
Người dân dạo chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ khi TP.HCM trở lại "bình thường mới" |
lê thanh |
TP.HCM tính toán dỡ toàn bộ chốt kiểm soát tại các cửa ngõ. Bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa kết thúc trưa 20.10, tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM đã trao đổi với báo chí về việc các chốt kiểm soát khu vực cửa ngõ hiện vẫn yêu cầu người từ các tỉnh vào thành phố phải có giấy xét nghiệm âm tính.
Trước đó, tại cuộc họp chiều qua (19.10), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết thành phố đang tính toán phương án để không còn chốt kiểm soát ở các địa bàn giáp ranh, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và cung ứng lao động. Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết việc này đang được cân nhắc trên tinh thần "kiểm soát được dịch nhưng không gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”. Từ ngày 1.10, TP.HCM đã gỡ tất cả chốt kiểm soát trong nội thành nhưng vẫn duy trì 51 chốt kiểm soát giáp ranh các tỉnh để kiểm soát người và phương tiện ra vào.
Ngày 20.10: Thông báo 72 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành |
Toàn tỉnh an toàn về Covid-19, Bình Dương đóng cửa bệnh viện dã chiến lớn nhất tỉnh. Chiều 20.10, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương đã ký văn bản đánh giá nguy cơ, cấp độ dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong tổng số 91 xã, phường, thị trấn, Bình Dương có 42 xã, phường thuộc cấp độ 1 (vùng xanh), 27 xã, phường cấp độ 2 (vùng vàng) và 22 xã, phường cấp độ 3 (vùng cam), không có xã phường cấp độ 4 (vùng đỏ). Toàn tỉnh đã an toàn với Covid-19.
Cùng ngày 20.10, Bình Dương tiếp tục cho di chuyển các F0 đang điều trị ở Bệnh viện dã chiến cơ sở Thới Hòa (TX.Bến Cát) đến các cơ sở điều trị khác để đóng cửa bệnh viện dã chiến lớn nhất tỉnh. Các y bác sĩ ở đây cũng đã nhận được thông báo ngày 20.10 sẽ là ngày trực cuối cùng tại bệnh viện này trước khi đóng cửa.
TP.HCM giao Sở Y tế đánh giá cấp độ dịch Covid-19. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa giao Sở Y tế đánh giá xác định cấp độ dịch của thành phố để làm căn cứ, đề ra các biện pháp kiểm soát dịch, đảm bảo tính “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thực hiện xong trong ngày 21.10.
UBND TP.HCM cũng đề nghị TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện căn cứ hướng dẫn của Sở Y tế để đánh giá cấp độ dịch, và báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM thông qua Sở Y tế trong ngày mai (21.10). Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ, Chỉ thị số 18 và chức năng, nhiệm vụ của ngành mình để tham mưu xây dựng kế hoạch của thành phố về triển khai, thực hiện Nghị quyết 128, trình UBND TP.HCM thông qua trong ngày 22.10.
Xã đảo ở TP.HCM rộn rã ngày đầu học sinh đến trường sau 4 tháng ở nhà |
Đắk Lắk đánh giá nguy cơ cấp độ dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128. Ngày 20.10, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, xác nhận Sở đã thực hiện đánh giá nguy cơ cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Theo đó, nguy cơ dịch Covid-19 đối với tỉnh Đắk Lắk đang ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Các huyện Krông Búk và Krông Năng đang ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp); 12 huyện thuộc cấp độ 2 và 1 huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), tạm thời chưa có huyện nào ở cấp độ 4.
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, việc đánh giá cấp độ dịch Covid-19 dựa trên các tiêu chí: tỷ lệ ca mắc mới trong cộng đồng, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 đối với người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, thể hiện tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn tỉnh còn thấp. Tính đến ngày 19.10, tỉnh đã tiêm được 315.700 liều trên tổng số 1,3 triệu đối tượng đích (trên 18 tuổi). Trong đó, tiêm 1 mũi là 218.634 liều (đạt tỷ lệ 16,05%) và tiêm đủ 2 mũi là 97.066 liều (đạt tỷ lệ 7,13%).
Bạc Liêu khẩn cấp truy vết, khống chế ổ dịch liên quan Công ty Tấn Khởi. Trưa 20.10, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu, chủ trì cuộc họp khẩn với ban chỉ đạo để bàn giải pháp, sớm khống chế ổ dịch xảy ra tại Công ty TNHH thủy sản Tấn Khởi (Công ty Tấn Khởi, khóm 2, P.1, TX.Giá Rai).
Theo ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, ngày 19.10, một nữ công nhân của Công ty Tấn Khởi chở người nhà đến Trung tâm Y tế TX.Giá Rai khám bệnh. Qua xét nghiệm, nữ công nhân này dương tính Covid-19. Khi phát hiện công nhân dương tính Covid-19, tỉnh đã huy động lực lượng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tất cả những người có liên quan. Qua đó, xác định có 50 ca dương tính Covid-19 đều liên quan Công ty Tấn Khởi; trong đó 33 ca ở TX.Giá Rai, 17 ca ở H.Đông Hải.
Người từ vùng cấp độ 1 và 2 về Hà Tĩnh chỉ cần khai báo y tế. Ngày 20.10, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quy định tạm thời biện pháp kiểm soát dịch “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, thực hiện dựa trên tinh thần Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh đánh giá và xác định cấp độ dịch trên địa bàn hiện nay là ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình - vùng vàng) và quy định áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát dịch trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 20.10 cho đến khi có quy định mới.
Tỉnh Hà Tĩnh quy định, đối với người từ khu vực có đánh giá cấp độ 1 (vùng xanh) và cấp độ 2 (vùng vàng) đến, về Hà Tĩnh chỉ thực hiện khai báo y tế và hạn chế tiếp xúc. Với người từ khu vực cấp độ 3 (nguy cơ cao) và cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) nếu đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày. Người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin phải cách ly tập trung 14 ngày và tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày.
Hướng dẫn đăng ký tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 |
Nam Định khẩn trương xét nghiệm Covid-19 cho 90.000 người dân. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nam Định, từ ngày 1.10 đến chiều 19.10, Nam Định đã ghi nhận 64 ca mắc Covid-19. Trong đó, ổ dịch ở thôn Đằng Động (xã Yên Hồng, H.Ý Yên) được đánh giá là phức tạp vì chưa rõ nguồn lây. Về cấp độ dịch, xã Yên Hồng đang ở cấp 4, còn H.Ý Yên ở cấp 2.
UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo H.Ý Yên khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch; tập trung tiến hành truy vết, điều tra, xác định yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca bệnh và áp dụng các biện pháp cách ly, điều trị phù hợp. H.Ý Yên đang triển khai xét nghiệm diện rộng đối với 9 xã, thị trấn với khoảng 90.000 dân để sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Đồng Nai lại thiếu kim tiêm vắc xin Covid-19. Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai vào sáng 20.10, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết đến nay, toàn tỉnh đã tiêm mũi 1 cho 2.549.407 người (tỷ lệ 101,65%), mũi 2 được 982.387 người (tỷ lệ 39,17%). Sắp tới Đồng Nai tiếp nhận thêm 500.000 liều vắc xin AstraZeneca để tiêm mũi 2. Tuy nhiên, kim tiêm thì Bộ Y tế lại không cung cấp đủ dẫn đến tình trạng thiếu hụt. Do đó bác sĩ Vũ đề nghị các địa phương chủ động tính toán số lượng kim tiêm theo kế hoạch phân bổ vắc xin để kịp thời tiêm cho người dân theo đúng tiến độ. Trước đó, vào đầu tháng 10, Đồng Nai cũng xảy ra tình trạng thiếu kim tiêm vắc xin Covid-19 do Bộ Y tế không cấp kịp thời.
Bình luận (0)