Alfred Nobel: Hành trình từ “kẻ kinh doanh cái chết” đến quán quân hòa bình

04/10/2010 16:25 GMT+7

(TNO) Một mẩu quảng cáo bé tẹo và một bài viết ngắn ngủn - chỉ hai điều này thôi đã đủ thay đổi vận mệnh của nhà tư bản công nghiệp giàu sụ Alfred Nobel, người đã chế tạo ra thuốc nổ, đồng thời là cha đẻ của giải Nobel, trong đó có giải Nobel Hòa bình danh giá.

Bóng hồng đằng sau Nobel

Là một nhà khoa học đại tài, một nhà tư bản giàu sụ, Alfred Nobel có trong tay tất cả mọi thứ, trừ… hạnh phúc riêng tư. Những nghiên cứu khoa học hóc búa và công việc kinh doanh vũ khí nay đây mai đó đã lấy hết quỹ thời gian mà những người đàn ông khác dành cho phụ nữ, cho con cái.

Ngoài ra, Nobel cũng là người rất mặc cảm về bề ngoài của mình, bên cạnh nỗi day dứt vì phát minh của ông có thể được sử dụng cho mục đích sát thương. Cũng cần phải nói thêm rằng ông là người sở hữu tổng cộng 355 bằng sáng chế, trong đó quan trọng nhất là phát minh ra thuốc nổ dynamite.

 
Alfred Nobel luôn mặc cảm về bề ngoài của mình. Trong ảnh là bức tượng của Nobel tại quê hương Thụy Điển của ông - Ảnh: AFP

Hãng thông tấn AFP dẫn nhận xét của Scott London, một nhà báo Mỹ và cũng là một chuyên gia về giải Nobel: “Ông ấy là người căm ghét bản thân đến cùng cực. Ông cho rằng mình không xứng đáng để có một phụ nữ trong đời và cũng mặc cảm rằng mình xấu kinh khủng”.

Đến tuổi 43, Nobel bỗng giật mình, cảm thấy cuộc đời mình cần có một phụ nữ, chí ít là để trông nom nhà cửa và phụ giúp công việc. Và ông đã chọn cách mà những người không thiếu tiền nhưng thiếu thời gian vẫn làm: đăng quảng cáo trên báo. Mẩu quảng cáo có nội dung như sau: “Một người đàn ông tử tế rất giàu có, học vấn cao, đã lớn tuổi cần tìm một phụ nữ giỏi nhiều ngôn ngữ, đã trưởng thành để làm thư ký hoặc quản gia”.

Đó là vào năm 1876, tức 20 năm trước khi Nobel lập ra những giải thưởng thuộc loại danh giá nhất trong thế giới ngày nay.

Người được Nobel tuyển dụng có tên Bertha von Suttner, một phụ nữ Áo rất yêu chuộng hòa bình trẻ hơn “ông chủ” Nobel 10 tuổi.

Nhưng Bertha chỉ làm việc cho Nobel được vỏn vẹn một tuần trước khi đột ngột quay về Áo để kết hôn.

Chỉ một tuần quen biết, nhưng quan hệ giữa Bertha và Nobel thuộc loại bền chặt hơn bất kỳ mối quan hệ nào khác. Họ chỉ chấm dứt liên lạc với nhau khi Nobel qua đời vào năm 1896.

Và chính người phụ nữ của một tuần này đã khơi mào ý tưởng để Nobel lập ra giải thưởng Nobel hòa bình danh giá, dùng gia sản khổng lồ của mình để tài trợ cho nó.

Cái tên Bertha von Suttner, người Áo được cả thế giới biết đến thông qua quyển sách best selling mang tên Lay Down Your Arms! (Hãy hạ vũ khí!), được xuất bản năm 1889. Đó là một thiên anh hùng ca về một cô gái trẻ mất chồng trong chiến tranh. Năm 1891, Bertha thành lập hội Những người bạn hòa bình, có nhiều hoạt động đóng góp cho nền hòa bình thế giới. Năm 1905, bà chính là người phụ nữ đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình.
Chuyên gia về giải Nobel, nhà báo London phân tích tiếp: “Nhiều người vẫn cứ tự hỏi rằng có phải Nobel đã yêu người phụ nữ ấy và chính tình yêu đó đã khơi nguồn cho ý tưởng giải thưởng Nobel Hòa bình hay không. Nhưng cuối cùng, đó là kết quả của một mối quan hệ ly kỳ: giữa một nhà tài phiệt về vũ khí với một người yêu chuộng hòa bình”.

Trong khi một số chuyên gia nhận định Nobel lập ra giải thưởng hòa bình là vì Berrtha, nhà báo London cho rằng nói như vậy là hơi quá, nhưng “cô ấy quả thật là người có ảnh hưởng lớn nhất” với Nobel về đề tài hòa bình.

Đổi tên

Một buổi sáng năm 1888. Alfred Nobel thức dậy, thất kinh khi đọc bài báo mang tên Kẻ kinh doanh cái chết đã chết trên một tờ nhật báo của Pháp. Bài báo viết: “Tiến sĩ Alfred Nobel, người đã tạo lập gia sản đồ sộ nhờ tìm ra cách giết chết càng nhiều người càng tốt trong một khoảng thời gian ngắn nhất, đã chết vào hôm qua”.

Thì ra tờ báo này nhầm, người qua đời thật sự không phải là Alfred Nobel mà là anh trai của ông.

 
Trong số các giải Nobel, giải Hòa bình là được chú ý nhiều nhất và người được trao giải thường rất có ảnh hưởng sau khi được vinh danh. Trong ảnh là bà Rigoberta Menchu, từng được giải Nobel Hòa bình và Tổng thống Mexico Felipe Calderon - Ảnh: Reuters

Nobel không nổi giận, thay vào đó là hoảng sợ và bị ám ảnh không ngơi bởi những lời lẽ kể trên.

Chuyên gia về giải Nobel, nhà báo London giải thích bài báo đã tác động sâu sắc tới Nobel, khiến ông quyết định thay đổi vận mệnh của mình, để sau khi ông chết đi, người ta sẽ không nguyền rủa ông là cha đẻ của những cái chết hàng loạt, mà là người hướng tới hòa bình và sự tiến bộ của nhân loại.

Tám năm sau đó, Nobel qua đời. Lần này là chết thật! Di chúc của ông được công bố và nó lập tức được cả thế giới biết đến nó vì nó đặt nền tảng cho những giải thưởng danh giá vào loại bậc nhất trong thế giới ngày nay: Giải thưởng Nobel, bao gồm các lĩnh vực Y học, Vật lý, Hóa học, Văn chương, Hòa bình và Kinh tế.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.