Dìu nhau trên sàn diễn, dìu nhau trên đường đời

22/12/2003 21:26 GMT+7

NSND Việt Cường – NSƯT Kim Quy là những cánh chim đầu đàn của ngành múa Việt Nam và thực sự là “những cánh chim không mỏi”. Suốt 40 năm ròng rã, họ lao động nghệ thuật không mệt mỏi: là diễn viên rồi biên đạo múa, vừa huấn luyện lại vừa làm công tác quản lý. Qua bao thăng trầm của chuyện nghề, chuyện đời - họ vẫn luôn kề vai sát cánh, tựa nương lẫn nhau với một tình yêu nồng ấm: yêu nghề và... yêu nhau!

Gặp được cả anh lẫn chị không phải dễ bởi công việc cứ cuốn lấy họ (chị là Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ múa TP Hồ Chí Minh, anh là Phó Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TP Hồ Chí Minh), hết dựng chương trình (múa) cho “Lễ hội 110 năm Đà Lạt” lại đến chương trình phục vụ các đoàn tham dự SEA Games 22, những cái hẹn cứ bị khất lần. Cuối cùng, tôi đánh liều kéo chị ra khỏi sàn tập của Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch để vào... văn phòng, nơi làm việc của ông “Phó Giám đốc - chồng” để thực hiện cuộc phỏng vấn chớp nhoáng đôi uyên ương nổi tiếng này...

- Con đường nào đưa anh chị đến với nghệ thuật?

- NSND Việt Cường: Thuở còn là học sinh ở thành phố Nam Định tôi rất mê bóng đá và chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ gắn bó với nghề múa. Một hôm tôi đang đá bóng thì có đoàn về tuyển học sinh múa. Tôi... nhảy đại vào chỗ đó vì tò mò là chính, nào ngờ đó là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời tôi. Tôi được chọn vào học ở Trường múa Việt Nam khóa đầu tiên (1959). Và thật may mắn là được học ngay một cách bài bản theo phong cách cổ điển châu u - do các chuyên gia người Nga lần đầu tiên sang Việt Nam trực tiếp giảng dạy, đó là bà Irina Brunak và ông Mustaiev.

- NSƯT Kim Quy: Tôi rất thích múa hát từ hồi còn học cấp I. Trong thời gian gia đình tôi từ Nam Định sơ tán về thị xã Thanh Hóa, năm 1960 Trường múa về đây tuyển sinh. Tôi đánh liều lén bố mẹ vào dự thi qua cả 3 vòng, chỉ đến lúc có giấy báo trúng tuyển gia đình tôi mới biết và... cho ra Hà Nội học múa luôn. Tôi học sau anh Cường 1 khóa, người thầy đầu tiên của tôi là NSND Thái Ly, sang đến năm thứ 2 tôi mới được học với các chuyên gia Nga. Chúng tôi được học song song 2 loại hình: múa cổ điển châu u và múa dân gian các dân tộc Việt Nam. Sau đó còn được học thêm về múa truyền thống.

- Cùng là “đồng hương” (Nam Định), cùng vào học những khóa đầu tiên của Trường múa Việt Nam, vậy trước khi trở thành... người yêu rồi thành vợ chồng hẳn anh chị đã từng biết nhau?

- NSND Việt Cường: Chỉ biết nhau lúc học chung trường, nhưng thú thật lúc ấy tình cảm giữa chúng tôi chưa hề nảy sinh...

- NSƯT Kim Quy: Anh ấy chỉ quý tôi, bởi tôi là một con nhóc đồng hương học khá giỏi. Riêng tôi thì lại rất “ấn tượng” về anh Cường: cao lớn, đẹp trai lại là học sinh xuất sắc thường được chọn thể hiện những vai múa chính (năm 1963 anh được chọn vào vai Bả Khó (chàng nghèo) trong vở kịch múa cùng tên. Đây là một trong 3 vở kịch múa lớn của lịch sử múa Việt Nam). Hồi ấy anh Cường là “thần tượng” của nhiều cô gái (trong đó có tôi, nhưng chỉ... đứng xa mà nhìn. Thế thôi!). Tốt nghiệp xong tôi được cử đi Liên Xô học huấn luyện còn anh Cường khoác ba lô vào chiến trường miền Nam...

- NSND Việt Cường: Dạo ấy tôi mới tròn 20 tuổi với bao ước mơ chắp cánh bay vào vùng trời nghệ thuật nhưng rồi chú Lưu Hữu Phước bảo tôi: “Cháu còn trẻ, còn nhiều cơ hội học tiếp. Bây giờ đất nước đang cần các cháu”. Vậy là tôi lên đường vào Nam. Chuyến đi ấy có 22 văn nghệ sĩ, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Hoàng Việt, họa sĩ Lê Lam, họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ... cùng cánh múa chúng tôi: NSND Thái Ly, Minh Nguyệt, Hồng Vân, Bích Thủy... được đưa về R (Lộc Ninh) thành lập Đoàn múa hát Giải phóng. Năm 1968 sau một trận càn khốc liệt, 8 giờ tối anh Thái Ly mở đài Matxcơva và rất tình cờ, chúng tôi được nghe lời chúc Tết của một cô gái đại diện lưu học sinh Việt Nam ở Liên Xô gởi đến các chiến sĩ ở chiến trường qua sóng phát thanh. Cô gái đó chính là... Kim Quy! Năm 1974 tôi trở ra miền Bắc và tình cờ gặp lại Kim Quy, lúc này cô ấy đã là “ngôi sao” của Nhà hát Vũ kịch Việt Nam với các vai chính trong các tác phẩm: Spartac, Giselle, Hồ Thiên nga, Vợ chồng A Phủ... Tôi nhất quyết “cưa” và... từ lúc tỏ tình cho đến lúc cưới chỉ vỏn vẹn 3 tháng!

- Không phải người Việt Nam nào cũng dễ dàng cảm thụ được múa cổ

“Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực múa, điều làm tôi trăn trở là sự hụt hẫng về đội ngũ kế thừa của múa chuyên nghiệp (biên đạo, huấn luyện...) của TP HCM. Đơn cử: Tôi tốt nghiệp biên đạo năm 1985 (học ở Nga) nhưng cũng từ năm 1985 đến nay chưa có thêm một biên đạo nào khác được đào tạo chính quy...” 

NSND Việt Cường  

điển châu u, anh chị làm cách nào để loại hình này tiếp cận được với công chúng?

- NSND Việt Cường: Hồi ở Đoàn múa hát Giải phóng (R) anh Thái Ly đã dàn dựng những vở ballet và ca cảnh Chiếc áo nàng Sa Rết, Tiếng cồng vượt thác... là những vở kết hợp giữa múa cổ điển châu u và múa các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là vở Người mẹ cầm súng (do nghệ sĩ Minh Nguyệt solo, hiện chị là hiệu trưởng Trường múa TP Hồ Chí Minh), vở này đã diễn rất thành công ở Phnompenh nhân dịp diễn cho ông hoàng Sihanouk xem, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 2 nền nghệ thuật phương Tây và phương Đông và có thể coi đấy là tác phẩm múa “kinh điển” của Việt Nam. Năm 1969 tôi được điều về ĐBSCL mở Trường ca múa nhạc miền Tây để đào tạo các học viên nòng cốt về sáng tác và dạy ca múa nhạc dân tộc... Những tác phẩm của tôi: Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên, Ánh sáng và con đường (3 vở này đều đã đoạt HCV, HCB và bằng khen trong Liên hoan các tác phẩm kịch múa Việt Nam lần I – Hà Nội 2001), Sự ân hận muộn màng... là sự tiếp nối con đường của các bậc đàn anh đi trước...

- NSƯT Kim Quy: Môn chính của tôi học ở Nga là Huấn luyện múa cổ điển châu u, thế nhưng trong quá trình học rồi ra làm diễn viên tôi được làm việc với nhiều biên đạo rất tâm đắc với sự kết hợp 2 nền nghệ thuật Đông - Tây như NSND Đoàn Long, NSND Công Nhạc và kể cả anh Việt Cường. Nên khi không còn là diễn viên mà chỉ chú tâm vào đào tạo và biên đạo, tôi vẫn đi theo con đường mà các đàn anh đi trước đã chọn. Người thầy trực tiếp và nghiêm khắc nhất vẫn là anh Việt Cường! Có một điều vui vui là tôi được học về huấn luyện, giảng dạy nhưng lại được phong tặng NSƯT về... diễn viên!

- Anh chị là người trực tiếp huấn luyện, dàn dựng và cũng là những người giữ trọng trách của ngành múa TP HCM, vậy xin hỏi: cái được, cái chưa và những điều anh chị trăn trở?

- NSƯT Kim Quy: Tôi chỉ nói trong diện hẹp thôi, thật ra Nhà nước cũng như thành phố, Sở VHTT và cả Ban Giám đốc Nhà hát đã rất ưu ái và quan tâm đến các diễn viên múa của Nhà hát nhưng do cơ chế nên các em chưa có được chế độ thù lao xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Các em tập luyện hết sức vất vả, mỗi ngày từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa (kể cả thứ bảy, chủ nhật) bởi buộc phải “văn ôn, võ luyện” thế nhưng lương hợp đồng chỉ từ 500.000 đến 700.000 đồng/tháng nên các em không thể an tâm về điều kiện sống để rồi cứ phải “chạy sô” nhà hàng, đám cưới hoặc đi giảng dạy, dàn dựng ở các Trung tâm Văn hóa, các Nhà Thiếu nhi. Ước gì...

- Dự định của anh chị trong thời gian tới?

- NSƯT Kim Quy: Chúng tôi cũng đang ấp ủ một vài tác phẩm chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng miền Nam, hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp nhưng... chưa thể nói trước được.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.