Phim Việt trong giờ vàng: Ảo ảnh - mờ nhạt và nhiều "sạn"

18/08/2005 22:53 GMT+7

Khác với Vòng xoáy tình yêu đã "nổi đình nổi đám" ngay từ những tập đầu tiên, phim thứ hai của giờ vàng - Ảo ảnh (đạo diễn: Nguyễn Danh Dũng, kịch bản: Hồng Quang) dù đã gần kết thúc vẫn không làm cho không khí ở các diễn đàn "sôi" lên được...

 

Không hành động và bạo lực như những cảnh quay trước mỗi tập phim của Vòng xoáy tình yêu, phần giới thiệu phim và âm nhạc của Ảo ảnh đã ít nhiều tạo được xúc cảm cho người xem, nhất là ánh mắt ẩn chứa đầy tâm trạng của ông Tư Bi (Nguyễn Văn Tùng). Dù trước đó Vòng xoáy tình yêu chưa tạo được nhiều thiện cảm nơi khán giả, nhưng không vì vậy mà mọi người quay lưng với phim Việt. Trái lại, người xem tỏ ra quan tâm hơn đối với Ảo ảnh, để xem nó có hấp dẫn hơn, có xứng với thời gian vàng mà nhà đài đã dành cho hay không. Nên, họ đã xem Ảo ảnh với cái nhìn khắt khe hơn.

 

Nội dung của Ảo ảnh thật hơn Vòng xoáy tình yêu, phù hợp với tình hình xã hội hiện nay. Đó là cuộc đời của ông Tư Bi, một đại tá quân đội về hưu trước tuổi vì bản tính trung thực, thẳng thắn của ông không được lòng cấp trên; là cuộc sống hôn nhân khi người vợ làm ra tiền nhiều hơn chồng; là môi trường kinh doanh với sự đào thải khốc liệt; là đời sống âm nhạc sôi động trong giới trẻ... Trên nền nội dung đó, cách thể hiện của nó lại gây hiệu ứng... ngược. Nhược điểm thể hiện rõ trong việc thu tiếng trực tiếp và luôn có "sạn" trong mỗi tập phim. Chẳng hạn như bà mẹ của Thu bị mù mà tìm ra được địa chỉ bức thư, hoặc bây giờ ai lại bỏ tiền vào thư mà gửi như ông Tư Bi?  Nhà của một quan chức trong sạch như ông Tư Bi sao lại có chuồng gấu (sau này là chỗ ở của hàng chục con người) ?... Nhưng, chi tiết gây phản cảm nhất là vai Đạt (Hứa Vĩ Văn đóng), giả gái làm ca sĩ. Thiếu gì cách thể hiện để phản ánh sự "ồn ào" của sân khấu ca nhạc, nào là chuyện tình bầu sô - ca sĩ, cuộc đối đầu giữa fan của các sao..., đâu cần thiết phải bắt một diễn viên như Hứa Vĩ Văn phải "õng ẹo" trước ống kính? Giả gái nhưng giọng hát lại rặt đàn ông, lẽ nào người nghe khờ đến mức không nhận ra? Đúng là không hiểu nổi ý tưởng "sáng tạo" này. Về đài từ của diễn viên, đến những tập này, đã có phần tiến bộ. Những tập đầu, người xem thấy khó chịu  khi nghe ông Tư Bi la mắng cậu con trai mà y như đang kể chuyện, gây với vợ thì như tâm sự; hay những câu nói lẽ ra phải thể hiện tình cảm giữa hai vợ chồng thì cả ông Tư Bi và bà Kim Lợi giọng cứ đều đều, nhạt thếch. Giờ đây, diễn xuất và ngữ âm của mỗi người khi vào những pha gay cấn đã khá rõ nét.

 

Ảo ảnh mờ nhạt trong mắt người xem. Có thể họ bỏ cuộc nửa chừng, có thể họ vẫn xem nhưng không buồn tranh luận vì... hết chỗ chê! Thiếu kịch tính, thiếu cao trào, diễn biến chậm là nguyên nhân dễ gây nhàm chán đối với khán giả của một bộ phim; cũng là điều dễ nhận thấy trong Ảo ảnh. Cứ đà này, liệu khán giả có đủ kiên nhẫn để tiếp tục ủng hộ phim Việt?

N.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.