Họa sĩ Rừng qua 50 năm cầm cọ

19/09/2010 01:21 GMT+7

Họa sĩ Rừng (tên thật Nguyễn Tuấn Khanh), sinh năm 1941 tại Phnom Penh, Campuchia. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1963, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (sau 1975). Từ 1960, khi đang học mỹ thuật ở Huế, Rừng đã tham gia “Triển lãm mùa xuân” ở Sài Gòn.

Từ đó cho đến khi đi định cư ở Mỹ năm 1994, Rừng đã có thêm 8 cuộc triển lãm cá nhân ở Sài Gòn, Hà Nội và hơn chục triển lãm chung ở  trong và ngoài nước.

Đặc biệt trong khoảng 3 năm Rừng sống ở Buôn Ma Thuột (1973-1975), anh làm việc với một sự đam mê điên dại. Những giấc mơ của Rừng ngày càng bay bổng, có lẽ thời kỳ này Rừng bị “ám” bởi Chagall, một họa sĩ phiêu bồng người Pháp gốc Nga. Hầu hết là tranh phụ nữ khỏa thân, lúc ẩn, lúc hiện trong đá núi, hoang mạc, lúc bay lửng lơ trên đồng lúa, rừng xanh, khi nằm chơi vơi trên những tàu lá chuối. Những bức Khỏa thân xanh, Khỏa thân đỏ, Khỏa thân đảnh lễ, Đàn bà miền núi... mang đầy chất bản năng, nhục dục, nhưng ngược lại vẫn có gì đấy thiêng liêng, cao quý, bí ẩn! Hơn 10 năm sau 1975, cùng với những biến chuyển của đất nước, Rừng vẽ rất ít, vẽ chỉ để đỡ nhớ. Đến thời kỳ đổi mới, mở cửa, Rừng lao vào vẽ như điên. Và cuộc triển lãm cá nhân mang tên Bình minh mới tại Hội Mỹ thuật TP.HCM với 63 bức mà đến hai phần ba là tranh khỏa thân - một đề tài gần như bị cấm kỵ trước đó. Bức tranh có tên Bình minh mới - được lấy làm chủ đề của phòng tranh - vẽ một thiếu nữ khỏa thân bay trong một không gian bao la với một tư thế rướn tới, hết sức thoải mái, hai bầu ngực căng phồng trên một thân thể tràn đầy sinh lực vươn lên đón những tia nắng bình minh rực rỡ. Phòng tranh Bình minh mới của Rừng năm 1987 là một sự kiện quan trọng của sinh hoạt mỹ thuật bấy giờ.

 

"Trên tầng thanh khí" - Sơn dầu - 100x140cm

Trong mấy năm đầu ở Mỹ, Rừng chỉ vẽ và vẽ, đến hơn 300 bức, cũng có vài cuộc triển lãm ở Mỹ và Canada nhưng chẳng gây được tiếng vang gì và tranh cũng không bán được. Giữa năm 1997, Rừng mang về Việt Nam 70 bức tranh cắt dán mở triển lãm tại gallery Không Gian Xanh (TP.HCM), vẫn với tên gọi Phiêu du mộng tưởng - Ánh sáng và bóng tối. Thế nhưng cuộc phiêu du lần này không còn ở trong cõi hồng hoang hỗn mang của kỳ triển lãm trước (1993 - 1994), mà lại mang nặng dấu ấn của một xã hội công nghiệp mà Rừng vừa chân ướt chân ráo đến đã bị choáng ngợp và không thể nào hòa nhập được. Vẫn những màu vàng, nâu, đỏ, đen và một chút trắng ấy, nhưng là những hình thể tượng trưng, những máy móc bị biến dạng, vừa có vẻ hiện thực vừa như huyền tưởng. Có vẻ như Rừng đã cố thoát ra khỏi cái thế giới công nghiệp choáng ngợp, ông cho các đồ vật bay lơ lửng như tâm cảnh của ông đang bay cùng chúng. (Rừng là một nghệ sĩ luôn luôn đi tìm cái mới, không lặp lại chính mình,  mau chán cái hiện tại, cái đã thủ đắc).

Năm 1999, Rừng háo hức mang về triển lãm loạt tranh mang tên Trên tầng thanh khí. Thật ra loạt tranh này là mở rộng ra cái thế giới phiêu du mộng tưởng của ông trước đó, nhưng màu sắc tươi tắn hơn, rực rỡ hơn, trong trẻo hơn, như ở một cõi ngoài, bình yên và hạnh phúc. Có vẻ như Rừng đã vượt thoát qua khỏi cái thế giới mộng tưởng để chạm tới một tầng không mênh mông khác.

Năm nay, bước sang tuổi 70, Rừng về Việt Nam thu thập tranh gửi ở nhiều nơi, chọn lựa, tổ chức triển lãm kỷ niệm 50 năm cầm cọ. Đó là một ước nguyện từ lâu của ông, như trong bài trả lời phỏng vấn ở Mỹ trước đây, Rừng đã nói: “Tôi linh cảm rằng nghệ thuật của tôi chỉ có thể lớn lên từ Việt Nam và cũng từ Việt Nam thế giới biết đến nghệ thuật của tôi: một họa sĩ Việt Nam” (Tạp chí Văn -1998). Ngoài những tranh cũ, Rừng còn cho trình làng thêm một số tác phẩm ông vừa hoàn tất trong thời gian qua - những tác phẩm tiếp tục đi sâu vào “thế giới mộng tưởng ở trên tầng thanh khí”. Đặc biệt gần đây, Rừng lại bị ám ảnh về những hiện tượng trên trái đất, khơi gợi lại đề tài chiến tranh và tôn giáo trong một số tranh siêu thực của ông. Những người yêu hội họa và yêu quý tranh của Rừng sẽ có dịp xem đợt triễn lãm tổng kết này tại phòng tranh Tự Do, 53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM  từ ngày 23.9 đến 6.10.2010.

Phạm Chu Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.