Quản lý game online vẫn còn chưa ổn

23/02/2009 23:30 GMT+7

Thông tư liên tịch số 60 Liên bộ Văn hóa - Thông tin, Bưu chính - Viễn thông, Công an, ban hành ngày 1.6.2006, về quản lý trò chơi trực tuyến sau hơn 30 tháng triển khai cho thấy vẫn còn những điều chưa ổn.

Hội thảo "Sự phát triển của dịch vụ trò chơi trực tuyến tại VN: Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý", với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, vừa diễn ra tại TP.HCM. Cùng tham dự hội thảo có đại diện các ban ngành là thành viên Ban soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý trò chơi trực tuyến, đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm VN...

Tài sản ảo chưa được quy định

Thông tư 60 có nhắc đến "tài sản có giá trị trong trò chơi" để chỉ các vật phẩm tồn tại trong trò chơi, được khởi tạo bởi nhà sản xuất và người chơi sẽ có thể nhận được trong quá trình chơi. Các vật phẩm này hiện vẫn được người chơi sử dụng hoặc trao đổi, buôn bán bằng tiền thật, có khi giá lên đến cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên chưa có quy định nào của pháp luật định nghĩa thế nào là tài sản ảo và những vật phẩm được sản sinh trong game có được xem là một dạng tài sản hay không?

TS Nguyễn Thị Thu Vân (Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp) đưa ra ý kiến: "Khái niệm tài sản trong thuật ngữ tài sản ảo không cùng nội hàm với khái niệm tài sản theo nghĩa pháp lý truyền thống trong Bộ luật Dân sự. Nếu coi đó là tài sản hay quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự thì việc bảo hộ nó sẽ luôn gắn với việc bảo hộ quyền sở hữu.

Khi đó người chơi game hoàn toàn có quyền đề nghị Viện Kiểm sát điều tra để bảo vệ họ khi có tranh chấp, có quyền kiện người chơi khác trước tòa án để đòi lại quyền sở hữu đối với tài sản ảo của mình, và sau khi tòa tuyên án, cơ quan thi hành án phải vào cuộc để buộc người thua kiện phải trả lại tài sản này cho người thắng kiện. Thế nhưng, ngay cả khi sửa đổi pháp luật, thì cũng rất khó để bảo hộ quyền sở hữu tài sản ảo nếu giả như nhà cung cấp tuyên bố đóng cửa trò chơi, máy chủ nhà cung cấp bị hack...".

Nghiên cứu của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương đưa ra tại hội thảo cho thấy pháp luật ở một số nước và vùng lãnh thổ đã đề cập đến vấn đề tài sản ảo. Ví dụ như Văn bản ngày 23.11.2003 của Bộ Tư pháp Đài Loan quy định sản phẩm ảo trong trò chơi trực tuyến là tài sản, có thể chuyển giao, ăn cắp sản phẩm ảo là ăn cắp tài sản và bị xét xử theo Luật Hình sự... Ở Hàn Quốc cũng có luật Phát triển và bảo vệ viễn thông, quy định về hành vi ăn cắp tài sản ảo...

Quản lý giờ chơi không chống được nghiện game

Thông tư 60 hiện nay sử dụng yếu tố điểm thưởng để hạn chế người chơi game quá nhiều với quy định sau 5 giờ chơi không được nhận điểm thưởng trong game. Tuy nhiên biện pháp này khi triển khai cho thấy đã không đạt được mục đích là hạn chế người chơi nghiện game. Bởi lẽ một người chơi có thể chơi nhiều nhân vật hoặc nhiều game khác nhau. Biện pháp này cũng đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp vì việc hạn chế điểm thưởng thường gây lỗi trong trò chơi và cũng ảnh hưởng đến quyền tự do của người chơi trên 18 tuổi (có đầy đủ quyền công dân và chịu trách nhiệm về hành vi của mình).

Giải pháp khả thi hơn là nên quản lý chặt chẽ các cửa hàng dịch vụ internet như quy định và kiểm soát giờ đóng cửa kinh doanh. Đối với những người sử dụng máy tính tại nhà thì trách nhiệm kiểm tra, quản lý thuộc về những thành viên trong gia đình. Còn đối với những người trên 18 tuổi thì họ có trách nhiệm tự ý thức và chịu trách nhiệm cá nhân trước hành vi của mình.

Cần khuyến khích ngành công nghiệp game VN

VN được đánh giá là thị trường tiềm năng với tháp dân số trẻ, tỷ lệ người sử dụng internet cao (xếp thứ 18/20 nước có người sử dụng internet nhiều nhất, khảo sát của Internetworldstars.com công bố), nguồn nhân lực về CNTT dồi dào. Trong tương lai, VN có đủ điều kiện phát triển ngành công nghiệp game tương tự như Hàn Quốc, Trung Quốc. Sản xuất game trong nước đã có bước khởi đầu với game online thuần Việt đầu tiên do VinaGame sản xuất là Thuận Thiên Kiếm, dự định sẽ phát hành vào hè năm nay.

 Nếu được khuyến khích và tạo hành lang pháp lý tốt hỗ trợ, ngành công nghiệp nội dung số nói chung và lĩnh vực trò chơi trực tuyến nói riêng chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Các chính sách quản lý lĩnh vực này cần nghiên cứu kỹ để vừa có thể hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực phát sinh trong xã hội, vừa không làm ảnh hưởng đến chính sách thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp game đầy tiềm năng.      

Thống kê của Trung tâm Internet VN, hiện tỷ lệ người ở VN sử dụng internet cho nhu cầu giải trí, trong đó bao gồm người chơi game trực tuyến, là hơn 3,6 triệu người. Tính đến tháng 2.2009 đã có 15 doanh nghiệp phát hành 45 trò chơi. Ước tính tổng doanh thu thị trường dịch vụ game online của VN năm 2008 khoảng 80 triệu USD với tổng số lao động khoảng 3.700, nộp thuế 287 tỉ đồng.

Tố Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.