Kênh mới cho thị trường carbon

19/08/2013 03:00 GMT+7

Sự sụt giảm của thị trường tín dụng carbon trên thế giới đã làm cho các dự án được triển khai thực hiện theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) không còn hấp dẫn nữa. Một cơ chế từ Nhật Bản có thể thay thế CDM, được xem là kênh mới cho đầu tư cắt giảm khí thải.

Đó là Cơ chế bù đắp tín dụng song phương - BOCM, nay là Cơ chế tín chỉ chung - JCM được Nhật Bản triển khai ở nhiều nước và đang thí điểm tại Việt Nam. Nhận xét về lợi ích của cơ chế mới này đối với Việt Nam, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC-HCMC), cho rằng phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ một phần tài chính cho doanh nghiệp (DN) và người dân tham gia các dự án đầu tư thiết bị công nghệ có mức thải carbon thấp. Với phương pháp tính toán và có cơ chế kiểm toán tương tự như CDM, nhưng cơ chế JCM dễ thực hiện và quy trình đơn giản hơn nhiều.

 
Dự án xe máy điện sản xuất tại Việt Nam theo Cơ chế JCM, được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ - Ảnh: ECC-HCMC

Cụ thể, với JCM, các DN và người dân tham gia sẽ được hỗ trợ tài chính từ 20 - 30%, thậm chí đến 50% giá trị thiết bị công nghệ, nếu chứng minh rằng công nghệ đầu tư đó cắt giảm được khí thải. Để chứng minh được điều này, hai nước phải thống nhất với nhau về phương pháp luận đối với các lĩnh vực có thể cắt giảm khí thải. "Cái hay của Nhật Bản là vừa làm vừa chạy, nghĩa là họ vừa triển khai các dự án thí điểm theo cơ chế JCM tại Việt Nam, vừa xây dựng phương pháp luận để đề xuất áp dụng. Khi hai nước đồng ý với phương pháp luận, sẽ lấy đó làm cơ sở để phía Nhật Bản hỗ trợ khoản tín dụng cho dự án đầu tư”, ông Tước nói.

Ông Huỳnh Kim Tước cũng cho biết, từ năm 2010, được sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản và Tập đoàn Mitsubishi, ECC-HCMC đã phối hợp với các đối tác Nhật Bản thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khả thi làm tiền đề cho dự án theo cơ chế BOCM trước đây tại Việt Nam, như: máy điều hòa không khí hiệu suất cao (100 hộ dân ở Hà Nội, 300 hộ ở TP.HCM và 50 hộ ở Đà Nẵng được hỗ trợ đến 50% tiền mua thiết bị); máy biến áp vô định hình (đã thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố); vòi sen tiết kiệm nước TOTO (tại TP.HCM và Đà Nẵng), dự án ESCO tại khách sạn Legend, dự án xe máy điện tại TP.HCM. Cụ thể ở dự án ESCO tại khách sạn Legend TP.HCM, việc đầu tư các công nghệ bơm nhiệt, lò hơi, vòi hoa sen tiết kiệm nước, dây đai quạt đã giúp khách sạn này tiết kiệm được 30% năng lượng dầu tiêu thụ.

Hay như ở dự án xe máy điện, ECC-HCMC phối hợp cùng Công ty Terra Motors (Nhật Bản) triển khai dự án nghiên cứu khả thi, được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, kết quả cho thấy sử dụng xe máy điện có thể giúp tiết kiệm đến 90% chi phí năng lượng so với sử dụng xe máy chạy xăng. Nếu như xe máy chạy xăng tiêu thụ trung bình 40 km/lít, chi phí cho mỗi km tốn khoảng 544,7 đồng và thải ra môi trường 2,297 kg CO2/lít xăng thì xe máy điện chỉ tốn 43,1 đồng, với hiệu quả năng lượng trung bình là 29 km/kWh và thải ra 0,5764 kg CO2 (tính theo lượng điện dùng sạc pin). Nhà sản xuất xe máy điện được hỗ trợ một phần chi phí từ dự án, nhờ đó giá xe khi đến tay người tiêu dùng sẽ giảm. Ngoài ECC-HCMC với các dự án thí điểm ở những lĩnh vực nêu trên, còn nhiều lĩnh vực khác cũng được thí điểm theo cơ chế JCM đã được báo cáo tại hội nghị giữa hai nước vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Tước, Việt Nam vẫn chậm chân hơn một số nước như: Mông Cổ, Bangladesh, Indonesia... trong việc triển khai thực hiện cơ chế này. "Đã 2 năm trôi qua mà Việt Nam mới ký bản ghi nhớ với Nhật Bản về triển khai thực hiện cơ chế JCM là chậm chân, nên chưa tận dụng được cơ hội trong việc giành lấy các gói dự án và ký hợp đồng với chính phủ Nhật Bản mà hằng năm chính phủ nước này công bố", ông Tước nói.

Mai Vọng

>> Trình đề án xe điện ở trung tâm TP.HCM
>> Xe điện mà tiện như xe hơi
>> Đột phá trong nạp pin xe điện
>> Tìm thấy vali đầy "vàng" trên xe điện  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.