Như Thanh Niên đã đưa tin, từ năm 2014, tại TP.Hải Phòng lan truyền thông tin tại vườn nhà bà Bùi Thị Hiền, ở xã thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng phát lộ một ngôi mộ cổ, khi đào lên thì tìm được một “quách” gỗ sơn son, bên trong có hài cốt và được nhiều người thêu dệt đây là mộ phần của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thông tin này được lan truyền từ trang web nguyendinhminh.net của ông Nguyễn Đình Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (huyện Vĩnh Bảo). Chiếc quách gỗ sau đó được mang về Hà Nội và một số tổ chức, cá nhân đã tổ chức hội thảo, nghiên cứu và khẳng định nguồn gốc như tin đồn kể trên.
Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên ngày 9.3, ông Lương Hải Âu, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.Hải Phòng cho biết, cơ quan này sẽ yêu cầu đóng ngay trang thông tin điện tử nguyendinhminh.net vì đưa tin thất thiệt. Sở TT-TT Hải Phòng cũng sẽ kiểm tra các trang tin, tài khoản trên mạng xã hội, nếu đăng tải những thông tin xuyên tạc, sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận sẽ bị xử lý.
“Không thể nói bừa trên mạng xã hội. Mỗi phát ngôn trên mạng đều có ảnh hưởng đến cộng đồng. Chúng tôi đã nắm được một số tài khoản trên mạng xã hội có những bình luận thiếu nghiêm túc, xúc phạm các tổ chức, cá nhân và sẽ có biện pháp xử lý”, ông Âu cho biết.
tin liên quan
Chưa đủ cơ sở khoa học để xác định mộ Trạng TrìnhĐó là khẳng định của Bộ VH-TT-DL sau khi có thông tin cho rằng đã phát hiện mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại vườn một hộ dân ở H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng.
Trước đó, chiều 8.3, tại UBND huyện Vĩnh Bảo đã diễn ra cuộc họp liên ngành giữa các sở, ngành về những diễn biến liên quan đến việc “tìm thấy mộ Trạng Trình”. Tại cuộc họp, tất cả các ý kiến đều khẳng định không có căn cứ gì để cho rằng ngôi mộ tìm thấy tại vườn nhà bà Bùi Thị Hiền kể trên là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Giang, Phó chủ tịch UBND xã Cộng Hiền, ở cạnh nhà bà Hiền cho biết: “Từ năm 1955 trở về trước, khu vực nhà bà Hiền là nghĩa trang. Năm 1945 cũng có 75 người chết đói được an táng tại đây. Đáng chú ý, có nhiều người gốc Trung Quốc từng được chôn cất tại đây. Chính quyền xã cũng từng di chuyển 38 ngôi “mộ Tàu” khỏi vườn nhà bà Hiền”. Theo ông Giang, người dân ở thôn Hạ Đồng không ai tin có chuyện mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được phát hiện ở vườn nhà bà Hiền và rất bức xúc với các hoạt động mê tín của bà Hiền, do người này từ nhiều năm nay đã hành nghề bói toán, mê tín tại nhà, thậm chí tuyên bố có khả năng ngoại cảm, tìm mộ liệt sĩ.
Tại cuộc họp, ông Đỗ Xuân Trung, Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng cho biết: “Tôi cho rằng có người lợi dụng việc tìm mộ cụ Trạng để lấy danh tiếng tìm mộ liệt sĩ”. Tại cuộc họp, đại tá Phạm Quang Thiện, Phó trưởng Công an huyện Vĩnh Bảo cho rằng: “Bà Hiền có dấu hiệu không bình thường về thần kinh, có thể có người đứng sau để làm những việc này”. Theo đó, Công an huyện Vĩnh Bảo đang điều tra, làm rõ đồng thời yêu cầu bà Hiền chấm dứt các hoạt động mê tín, nếu không sẽ xử lý hình sự.
Sau cuộc họp, UBND huyện Vĩnh Bảo đã gửi báo cáo lên UBND TP.Hải Phòng nêu rõ sự việc và đề nghị Sở VH-TT có kết luận, khẳng định chiếc hộp gỗ và thanh tre đính kèm trong hộp gỗ (được Bảo tàng Hải Phòng tạm lưu giữ để nghiên cứu- NV) không phải là hiện vật hợp pháp, không có giá trị khoa học và vì vậy không cần giám định, công bố thông tin này một cách rộng rãi. UBND huyện Vĩnh Bảo cũng đề nghị Công an TP.Hải Phòng cùng các ngành nghiệp vụ xác định hành vi, mức độ vi phạm, xử lý việc hành nghề mê tín, dị đoan cũng như tội danh xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt của gia đình bà Bùi Thị Hiền để giải quyết dứt điểm vụ việc và ổn định tình hình an ninh trật tự của địa phương.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, Viện nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội VN đã khẳng định thẻ tre không có chữ. Bộ VH-TT-DL trong công văn gửi UBND TP.HP cũng cho biết, chưa đủ căn cứ nói ngôi mộ tìm thấy ở nhà bà Hiền là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bình luận (0)