'Lời thì thầm' của 3 người con gái quan thượng thư triều Nguyễn

Ngọc An
Ngọc An
15/07/2019 06:10 GMT+7

Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa (NXB Hội Nhà văn) gồm truyện và ký của ba ái nữ quan thượng thư và tổng đốc cuối cùng của triều Nguyễn là ông Võ Chuẩn và bà Tôn Nữ Thị Lịch vừa được ra mắt độc giả.

Tuyển tập mở đầu với tiểu thuyết Hai gốc cây của Minh Đức Hoài Trinh mang nhiều chất tự truyện về cuộc đời, gia đình Tổng đốc Võ Chuẩn từ khi ông là tham tá Tòa khâm sứ đến khi trở thành Tổng đốc Quảng Nam rồi về hưu sớm đi tản cư…
Tiểu thuyết Những đêm mưa của Linh Bảo kể về mối tình sóng gió của nhân vật Tham Hải mà nguyên mẫu chính là Tổng đốc Võ Chuẩn. Tuyển tập cũng giới thiệu một phần nhật ký của Băng Thanh ghi lại những câu chuyện trong đời sống cũng như tình cảm của bà với các thành viên trong gia đình.
Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa giúp người đọc hiểu hơn về cuộc sống của một gia đình quan lại triều Nguyễn. Ông bà tham tá, tổng đốc ngoài việc lo cho dân, mở mang tri thức, nâng cao dân trí, lo canh nông kỹ thương, dẫn thủy nhập điền, còn phải lo nuôi lợn, làm vườn, dạy dỗ con cái, giữ gìn nền nếp gia phong. Bên cạnh đó, cảnh “chồng chúa vợ tôi”, cảnh cam chịu của những người phụ nữ phải vui lòng cưới thiếp cho chồng, và cảnh những người hầu, người thiếp thời bấy giờ cũng được kể qua những trang viết. Ba người con gái viết về cha mẹ, gia đình mình ở những khía cạnh khác nhau. Những câu chuyện về gia đình Tổng đốc Võ Chuẩn còn cho thấy một giai đoạn lịch sử, giai đoạn chuyển mình từ thời kỳ phong kiến sang thời kỳ hiện đại, với sự tiếp nhận, giao lưu với văn hóa phương Tây.
“Lời thì thầm” của 3 người con gái quan thượng thư triều Nguyễn

Bìa sách

Minh Đức Hoài Trinh (Võ Thị Hoài Trinh) từng là nữ sinh Đồng Khánh (Huế), theo anh trai Võ Sum tham gia kháng chiến. Bà đi du học Pháp từ năm 1964 và trở thành nữ phóng viên chiến trường, từng có mặt tại cuộc Tổng tấn công Mậu Thân (1968), theo dõi Hiệp định Paris 1972. Minh Đức Hoài Trinh và Linh Bảo (Võ Thị Diệu Viên) là nhà văn, nhà thơ tại miền Nam VN những năm 1970. Còn Băng Thanh (Võ Tá Băng Thanh) là nhà giáo, dịch giả. Bà ở Liên khu 4 rồi sau ra Hà Nội sống đến cuối đời.
Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa được xuất bản khi hai trong số ba người chị em gái không còn nữa. Những người cháu, người con của họ đã cùng nhau thực hiện cuốn sách. Theo nhà báo Phan Thanh Hảo - con gái của bà Băng Thanh, những trang viết mang nhiều giá trị thông tin về một giai đoạn lịch sử của đất nước cho người đọc. Còn theo nhà phê bình Ngô Thảo, việc xuất bản cuốn sách không chỉ cho thấy sự hòa hợp của nền văn học nghệ thuật mà còn cả sự hòa hợp trong một gia đình, sau những thăng trầm lịch sử.
Bà Phan Thanh Hảo cũng cho hay, tại Mỹ, gia đình vừa tìm được khoảng 140 phút phim tư liệu do Tổng đốc Võ Chuẩn nhờ người quay những năm 1934 - 1940 ghi lại hình ảnh của vua Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, Tổng đốc Võ Chuẩn cùng gia đình, cũng như hình ảnh đời sống sinh hoạt của người dân, những khu chợ, lăng mộ, lễ hội... tại Huế, Kon Tum (thời kỳ ông Võ Chuẩn làm quản đạo). Đây là những hình ảnh quý hiếm do chính người VN quay. Tuy nhiên, do chỉ có hình mà không có tiếng, cũng như không có thông tin kèm theo, nên những thước phim này đang được chuyển sang Pháp để chắp nối cùng những tư liệu lịch sử. Dự kiến, một phần trong những thước phim này sẽ được dựng lại có tựa đề Viên quan trong bóng tối, lần đầu tiên được công bố vào tháng 9 tới tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.