Nghiên cứu cơ chế đặc biệt phát triển Vùng KTTĐ phía nam

Nguyễn Long
Nguyễn Long
31/05/2020 05:03 GMT+7

Ngày 30.5, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với 8 tỉnh, TP Vùng kinh tế trọng điểm phía nam để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị, lãnh đạo 8 tỉnh, TP Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía nam (gồm TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang) đề xuất cơ chế đặc biệt, tập trung kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên thực hiện quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng cấp bách mang tính liên kết vùng, đặc biệt là tuyến đường cao tốc, hệ thống đường vành đai TP.HCM, hệ thống cảng logistics... nhằm phát triển mạnh, bền vững Vùng KTTĐ phía nam.

Cần ưu tiên các huyết mạch giao thông

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị T.Ư bố trí 50% vốn (khoảng 2.439 tỉ đồng) cho Bà Rịa-Vũng Tàu để hoàn thành dự án cầu Phước An; hỗ trợ khoảng 4.723 tỉ đồng để xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; 2.432 tỉ đồng cho dự án đường 991B, xem xét sớm nghiên cứu dự án tuyến đường sắt kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải...

TP.HCM và 7 tỉnh còn lại sẽ là “bát giác kim cương” ở đây. Do đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ đạt mục tiêu, về đích sớm hơn ít nhất 10 năm trong mục tiêu VN hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai kiến nghị định hướng ưu tiên phát triển từng địa phương nhằm tránh tình trạng các địa phương tự làm, đầu tư dàn trải. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ dự án các cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 3, Vành đai 4... Tỉnh Đồng Nai còn kiến nghị hỗ trợ ngân sách T.Ư hơn 2.000 tỉ đồng để triển khai thực hiện giai đoạn 1 của dự án đường liên cảng tại H.Nhơn Trạch. Tỉnh Bình Dương kiến nghị sớm bố trí vốn thực hiện đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, mở rộng QL13 thuộc TP.HCM, ủng hộ tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thực hiện kéo dài 1,8 km tuyến metro số 1 từ TP.HCM bằng vốn vay ODA của Nhật Bản...
Tỉnh Long An kiến nghị sớm bố trí vốn giải phóng mặt bằng cho dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa để tiếp tục chi trả cho người dân vì công trình này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối giao thông trong vùng Đông Nam bộ. Tỉnh này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm triển khai đường Vành đai 3 và Vành đai 4 - TP.HCM, trục động lực TP.HCM - Long An - Tiền Giang. Long An cũng đề nghị sớm cho triển khai việc thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương để tạo nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông. Về vấn đề liên kết vùng, tỉnh Tây Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng vùng có thành viên của Chính phủ để tổ chức hoạt động được tốt hơn.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về chính sách đất đai khi triển khai dự án, các vấn đề về lãi suất ngân hàng, kết nối hạ tầng giao thông liên vùng...

Sẽ là vùng siêu đô thị

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong bối cảnh VN và thế giới đối mặt đại dịch Covid-19, kinh tế VN quý 1/2020 vẫn tăng trưởng khoảng 4% và tháng 5 tình hình có tốt hơn.
Đánh giá cao vai trò của Vùng KTTĐ phía nam với tỷ lệ chiếm 42% GDP cả nước, 42% thu ngân sách quốc gia, Thủ tướng khẳng định điều này có ý nghĩa quan trọng khi đây là vùng KTTĐ lớn nhất nước, đóng góp cho VN hùng cường, thịnh vượng. Trong tương lai gần, đây sẽ là vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á và cả Đông Á. Thủ tướng cho rằng, TP.HCM và 7 tỉnh còn lại sẽ là “bát giác kim cương” ở đây. Do đó, Vùng KTTĐ phía nam sẽ đạt mục tiêu, về đích sớm hơn ít nhất 10 năm trong mục tiêu VN hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Thủ tướng giao các bộ ngành T.Ư nghiên cứu đề án về cơ chế đặc thù cho vùng KTTĐ, trong đó đặc biệt có Vùng KTTĐ phía nam, bao gồm vấn đề ngân sách. Theo đó, Bộ KH-ĐT nghiên cứu một gói hỗ trợ đầu tư từ T.Ư để hỗ trợ các địa phương đầu tư sớm một số công trình hạ tầng, giao thông kết nối quan trọng, cấp bách. Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp để đề xuất Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội việc tham gia các tổ chức tín dụng đối với các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông và các dự án quan trọng, cấp bách khác...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.