Hi vọng rồi lại thất vọng
Một trong những cú hích lớn nhất mà các hệ thống rạp tại Việt Nam trông chờ, kể từ sau ngày mở cửa trở lại từ ngày 9.5, là bộ phim tài liệu âm nhạc Sky Tour The Movie của Sơn Tùng M-TP trình chiếu vào ngày 12.6. Cho dù đạt mức đỉnh nhất với hơn 10 tỉ đồng tiền vé vào mùa này, vẫn không thể phủ nhận được thực tế Sky Tour The Movie có một mức doanh thu cực kỳ thấp so với các phim Việt ăn khách trong thời gian gần đây. Và rõ ràng, bộ phim không gánh được trọng trách nặng, kéo khán giả quay trở lại rạp sau những ngày giãn cách, dù với một cái tên có sức hút thuộc hàng top trong showbiz Việt là Sơn Tùng M-TP.
Không dưới 10 bộ phim mới đang chiếu mỗi ngày ngoài rạp, nhưng đều là những bộ phim thuộc “hàng tồn kho”, những phim ngôn tình hoặc là những phim kinh dị có mức đầu tư thấp, dẫn đến chất lượng các phim đều chỉ trung bình khá. Rất nhiều ngày doanh thu của một số cụm rạp chỉ kiếm được 20-30 triệu đồng, hoàn toàn không đủ chi phí để trang trải mặt bằng lẫn cho nhân viên vận hành rạp. Điều mà chưa bao giờ có thể nằm trong sự tưởng tượng của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, những "bom tấn" như Black Widow, Mulan, Fast and Furious 9, Wonder Woman 2 và cả No Time To Die với nhân vật điệp viên James Bond… đều đã dời lịch chiếu đến cuối năm hoặc qua đến tận mùa hè 2021. Có thể nói, với tình hình hiện tại, các hệ thống rạp tại Việt Nam hoàn toàn không có bất kỳ một “quân bài” nào đủ mạnh để kéo khán giả ra rạp, bất chấp việc giảm giá vé lẫn đồ ăn thức uống…
Không có sự cạnh tranh của các bom tấn nước ngoài, nhiều nhà sản xuất Việt Nam đã từng hi vọng rằng khán giả sẽ ưu ái các phim Việt ra rạp vào thời điểm vừa qua như Truyền thuyết về Quán Tiên, Tôi là não cá vàng… hoặc là các phim đang chuẩn bị trình chiếu như Bằng chứng vô hình, Đỉnh mù sương, Ròm, Chồng người ta… Nhưng với những phim đã chiếu hoàn toàn thất bại về doanh thu, còn các phim sắp chiếu trong tháng 7 và các tháng tới đều là những ẩn số có yếu tố bất ngờ không cao.
|
Hành vi ra rạp của khán giả đã thay đổi?
Có một thức tế là những ngày giãn cách xã hội vừa qua và trong suốt 6 tháng xảy ra dịch Covid-19 đầu năm 2020, Netflix, dịch vụ xem phim trực tuyến của Mỹ, đã “bất chiến tự nhiên thành” tại thị trường Việt Nam. Chỉ với 260.000 đồng cho gói dịch vụ cao nhất cung cấp cho 4 “đầu ra” trình chiếu cùng một lúc, tức là hoàn toàn có việc 4 người cùng chia sẻ một account để xem 4 bộ phim khác nhau theo sở thích của họ. Như vậy, chi phí nếu chia ra trung bình mỗi người chỉ tốn 65.000 đồng/tháng, không bằng giá vé một lần ra rạp vào giờ vàng buổi tối.
Không có quảng cáo, có phim có phụ đề tiếng Việt có phim chỉ phụ đề tiếng Anh, kho phim phong phú và đa dạng thể loại, đặc biệt có những phim là “hàng độc” do chính Netflix sản xuất… khiến cho những ngày giãn cách xã hội của rất nhiều người “chìm đắm” trong dịch vụ xem phim trực tuyến này. Từ việc chỉ xem phim vào lúc rảnh rỗi, vì dịch, nhiều khán giả có thể xem phim thâu đêm suốt sáng dẫn đến tình huống chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, gần như ai ai cũng bội thực với “món ăn giải trí” có tên là phim.
Khán giả đã “no nê” với các phim trực tuyến đỉnh cao, sự khó khăn về tài chính do dịch xảy ra dẫn đến mọi người thắt chặt chi tiêu với những khoản chỉ mang tính chất giải trí tinh thần, nỗi âu lo về dịch vẫn còn đó khi chúng ta vẫn chưa có vắc-xin phòng chống, không có một phim bom tấn đủ hấp dẫn… đều là những nguyên nhân quan trọng, khiến cho khán giả không còn xem việc ra rạp xem phim là một nhu cầu thường xuyên như trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Rất khó để so sánh với thời điểm buổi premier đầu tiên mà công ty MegaStar Việt Nam (tiền thân của CGV Việt Nam) ra mắt giới truyền thông trong năm 2005 tại TP.HCM, và cũng là năm mà công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam là Galaxy Studio xây dựng cụm rạp tại quận 1 (TP.HCM) với thời điểm hiện tại này. Song, có một điểm chung trong khoảng cách 15 năm ấy chính là những nhà phát hành phim, những nhà đầu tư rạp phim… đều phải cùng nhau tạo dựng thói quen ra rạp xem phim trở lại với khán giả.
15 năm trước là mang đến cho khán giả những trải nghiệm giải trí tuyệt vời với màn ảnh rộng sắc nét, với những bộ phim mới toanh thậm chí là chiếu cùng thời điểm với các thị trường lớn trên thế giới.
15 năm sau là phải bằng mọi giá thiết lập lại một thói quen đã có trong suốt 15 năm trước đó, nhưng vì giãn cách xã hội nên mọi người bị lơ là hoặc vô tình đánh mất đi niềm vui ấy.
Trong số liệu gần nhất mà hệ thống rạp CGV công bố, doanh thu của các hệ thống rạp trên cả nước trong tháng 3.2020 là 76 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là 350 tỉ đồng. Tương ứng với tỷ lệ 1 triệu lượt khách với 5 triệu lượt khách ra rạp. Cùng với đó, theo một số liệu chưa chính thức, tổng doanh thu toàn thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam năm 2019 là hơn 4.100 tỉ đồng.
Năm 2020 đã đi qua một nửa chặng đầu với những tình huống cực kỳ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Và phần còn lại của năm nay được dự báo cũng không khả quan hơn là mấy. Phép màu lớn nhất mà các hệ thống rạp tại Việt Nam mong muốn vào lúc này là có một bộ phim đủ hay được trình chiếu, để khán giả không thể không ra rạp dù có gặp bất cứ một trở ngại gì về tài chính lẫn nhu cầu giải trí. Và phép màu ấy, nếu có, chỉ có thể xảy ra vào mùa phim cuối năm 2020, thời điểm các bom tấn Hollywood tự tin hơn ra mắt khán giả.
Bình luận (0)