Đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo thích làm phim học trò

16/12/2009 10:14 GMT+7

(TNTT>) Bộ phim …Thứ ba học trò đang phát sóng, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo đã bắt tay làm phim mới “Thụy khúc” và đôn đáo chạy khắp nơi để tìm bối cảnh cho phim.

Dù bận rộn nhưng anh nói: “Trông thế thôi chứ không cực bằng làm phim tuổi teen như …Thứ ba học trò. Từ hiện trường, tính cách nhân vật, lời thoại, trang phục…phải đúng chất học trò hồn nhiên, tinh nghịch. Cũng nhờ làm phim học trò mà tôi tìm được cảm giác của mình ngày xa xưa…”. Câu chuyện bắt đầu khi nghe anh kể về những ngày đầu bước vào nghề đạo diễn… 

Thích người tình trẻ

Năm 1977, tốt nghiệp lớp diễn viên trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội sau 10 năm đóng đủ các loại vai như bộ đội, công an, công nhân…nhưng rồi Đặng Lưu Việt Bảo lại chuyển hướng đi học đạo diễn. Anh nhớ lại: “Hồi ấy, đạo diễn Trần Vũ biết tôi cũng hay phụ giúp các đạo diễn của đoàn phim ở hiện trường nên khuyên tôi đi học đạo diễn để thỏa ước mong”.

Rồi cơ hội đến khi anh là một trong hai người được chọn đi học lớp đạo diễn ở Liên Xô với học bổng toàn phần. Năm 1996, trở về nước, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo thực hiện ba bộ phim đầu tay “Em không thể xa anh”, “Cuộc tình định mệnh”, “Em lại về với biển”. Rồi đến những phim về đề tài nông dân, cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên… của anh được khán giả rất yêu thích. Mỗi bộ phim của anh đều có mang tính thời sự và gửi gắm vào đó những thông điệp cuộc sống.

Đạo diễn các phim: Ảo ảnh trắng, Hình bóng cuộc đời, Ghen, Cỏ đuôi gà, Gió nghịch mùa, Ký ức mong manh…

Bộ phim “...Thứ ba học trò” đang phát sóng vào lúc 22g30 trên kênh HTV9 từ thứ năm đến Chủ nhật. Dù mới chiếu được 1/3 nhưng bộ phim nhận được nhiều lời khen của khán giả truyền hình. Bạn Hạnh Chi, Q.Phú Nhuận nhận xét: “Ca sĩ Đan Trường vào vai thầy giáo Nghiêm Tuấn rất đạt. Không chỉ thể hiện một thầy giáo trẻ nhiệt tình, đầy tâm huyết và còn là người bạn thân thiết với các học trò của mình”. Còn nick hoangtuphieudu đồng tình: “Dù là diễn viên nghiệp dư nhưng Đông Nhi, Baggio, Hoàng Long… diễn xuất rất ngọt trong vai đám học trò quậy phá của lớp 12A1 và kéo lại hồi ức học trò của mỗi người...”

Chuyển công tác vào Sài Gòn, anh cho biết cũng phải mất một thời gian dài để quen với cách làm phim và "khẩu vị" của người miền Nam. Tiết tấu phim cũng nhanh hơn phù hợp với cuộc sống công nghiệp của thành phố trẻ này… Giải thích về việc “Nam tiến”, anh chỉ cười: “Hà Nội được ví như người tình già, còn Sài Gòn lại là người tình trẻ. Ai trong chúng ta mà không thích được sống với tình trẻ phải không…”. 

Sống được nhiều cuộc sống 

Với Việt Bảo, nghề đạo điễn giống như chất gây nghiện, nếu đã bắt đầu thử rồi thì chẳng biết khi nào sẽ dừng lại. Anh gắn bó với nghề bởi “sống được nhiều cuộc sống khác nhau” qua từng số phận nhân vật, vốn sống dày lên từng ngày và biết thêm nhiều điều thú vị… Đối với anh, mỗi bộ phim giống như một quả đồi, đạo diễn phải cố gắng trèo qua nó và tiếp tục chinh phục hành trình mới…

Hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng diễn viên nên mọi người ít thấy đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo khó tính hay to tiếng trên phim trường bởi anh có những “bí kíp” riêng để giúp diễn viên nhập tâm. Ca sĩ Đan Trường kể, lúc quay phân đoạn trong phim …Thứ ba học trò, cảnh thầy giáo Nghiêm Tuấn bước vào lớp để chia tay học trò trước khi nghỉ dạy, cảnh quay này đã làm lại tới hai lần bởi đám học sinh toàn cười. Thế rồi máy quay yêu cầu được tắt, đạo diễn nói: “Các em hãy nghĩ rằng thầy giáo là người mà các em yêu thương nhất và đây là lần cuối cùng được gặp mặt họ trong cuộc đời…”. Sau vài phút im lặng, cảnh quay bắt đầu, khi Đan Trường vừa bước vào, cả lớp khóc òa lên và ngay cả Trường cũng xúc động không thể thoại được...

Những ngày không quay phim, anh vẫn đều đặn đến trường Cao đẳng sân khấu TP.HCM dạy lớp đạo diễn. Đến một lúc nào đó, công việc đạo diễn không còn hấp dẫn với anh nữa? “Tôi sẽ dành thời gian đi dạy và viết sách”, Việt Bảo chia sẻ.

Kim Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.