Qatar là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới. Khách hàng lớn nhất của Qatar bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng nằm trong danh sách này. Tuy nhiên, mặc cho Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Bahrain và UAE cắt đứt quan hệ ngoại giao, ra lệnh cấm di chuyển qua lãnh thổ của họ vì những cáo buộc xung quanh đến vấn đề an ninh khu vực, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào đặc biệt cho thấy Qatar sẽ cắt đứt nguồn năng lượng quan trọng này. Tuyến đường ống Dolphin dưới biển, dài 364 km từ Ras Laffan ở Qatar để đến Abu Dhabi (UAE) và Oman vẫn vận chuyển khoảng gần 57.000 mét khối khí đốt mỗi ngày, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu năng lượng của UAE.
“Chúng tôi không thể đưa ra quyết định chỉ dựa trên động cơ và cảm tính của chúng tôi. Có những luật lệ, quy tắc đã được đặt ra nên chúng tôi tuân theo tất cả các luật lệ và quy tắc ấy. Một khi những điều này thay đổi, chúng tôi sẽ xem xét đến các lựa chọn khác. Hơn nữa, việc cung cấp khí đốt là cam kết thương mại có khuôn khổ pháp lý phù hợp, nên tôi không nghĩ sẽ dùng đến nguồn lực này để trả đũa”, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, Ngoại trưởng Qatar, nói với CNN hôm 6.6.
Được biết, sự phong phú về khí đốt được phát hiện ở Qatar vào những năm 1970. Cho đến nay, quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé nắm giữ khoảng 14% trữ lượng khí đốt toàn cầu, chỉ đứng sau Nga và Iran. Lượng khí đốt khổng lồ đã cho phép Qatar tách ra khỏi các nước láng giềng nhiều dầu mỏ để trở thành một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới.
Qatar cũng đã đầu tư hàng tỉ USD vào các danh mục bất động sản toàn cầu cũng như các tài sản khác. Tập đoàn khí LNG quốc gia Qatar Gas được thành lập vào năm 1984 đã đánh dấu sự bùng nổ của nền kinh tế nước này khi vận chuyển chuyến khí đốt đầu tiên sang Nhật vào năm 1996. Các công ty năng lượng quốc tế như ExxonMobil, Total và Shell đều có những bước đi quan trọng trong việc chuyển đổi ngành năng lượng Qatar. Vào tháng 4.2017, Qatar cho biết họ đang bắt đầu một dự án phát triển mới tại mỏ khí đốt nằm ở phía bắc đất nước để nâng sản lượng hiện tại lên thêm 10%.
Song, các nhà phân tích nói rằng sự thịnh vượng của nền kinh tế Qatar sẽ không đủ để chống lại lệnh cấm vận kéo dài. “Tuy chi phí 150 tỉ USD để duy trì phát triển kinh tế bền vững là con số đáng kể, nhưng Qatar vẫn buộc phải tìm kiếm các giải pháp ngoại giao nhanh chóng”, Amy McAlister tại Oxford Economics, nhận định.
tin liên quan
Qatar sẽ dùng 'vũ khí' nào để mặc cả trong cuộc khủng hoảng ngoại giao?Bất kỳ nỗ lực nào để ngăn chặn xuất khẩu năng lượng, đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đều có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng từ các khách hàng của Qatar trên toàn cầu.
Bình luận (0)