Quá nhiều chuyện bất ổn trong ngành giáo dục

30/08/2006 00:06 GMT+7

>> Đường dây "chạy trường" nghiêm trọng ở TP.HCM: Các nhân chứng lên tiếng >> Chuyện 32 TS đã "đỗ" lại "trượt" tại Học Viện Quan hệ quốc tế >> Kiểu tuyển sinh kỳ lạ: Chưa trúng tuyển đã thu học phí >> 4 tháng chưa cấp bằng vì trường chưa có kinh phí cho người ra Hà Nội đem vào!


Đường dây "chạy trường" nghiêm trọng ở TP.HCM: Các nhân chứng lên tiếng


Những diễn biến của vụ bể đường dây "chạy trường" xảy ra tại Phòng Giáo dục Q.5, TP.HCM trong đêm 28/6/2004 không chỉ được một mình thầy giáo Phan Văn Hướng chứng kiến và làm chứng. Cho đến giờ phút này, chúng tôi đã có một số bản tường trình của những người đã chứng kiến những hiện tượng như anh Hướng đã kể, thậm chí có người còn là một trong những nhân vật tình cờ trở thành người trong cuộc của vụ việc này vì thương bạn, muốn giúp đỡ...

Các nhân chứng nói gì?

Người đầu tiên chứng kiến sự việc ngay từ lúc bắt đầu là anh bảo vệ Trường Hồng Bàng (hiện là bảo vệ Trường Trần Hữu Trang, cũng ở Q.5) tên Huỳnh Thanh Minh. Anh Minh cho biết: "Năm 2004, tôi làm bảo vệ Trường Hồng Bàng, có một số phụ huynh nhờ anh em bảo vệ lo cho con người ta vào học tại trường, trong đó có các anh N.V.K, L.T.H, V.V.T là bảo vệ của trường. Những anh này đã nhận tiền của phụ huynh để lo giùm, tôi không biết là bao nhiêu...

Sau đó, mấy anh bảo vệ mới nhờ lại anh Dũng là con của ông Trưởng phòng Giáo dục Q.5. Gần đến ngày khai giảng năm học, một số phụ huynh không thấy tên con em mình, đòi thưa mấy anh bảo vệ, buộc lòng mấy ảnh phải dẫn phụ huynh đến nhà thầy Trực để gặp anh Dũng. Thầy Trực không tiếp ở nhà mà hẹn phụ huynh sáng mai lên Phòng Giáo dục để giải quyết...".

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hoàng, quản lý thư viện Trường Hồng Bàng tường thuật như sau: "Vào ngày tựu trường năm 2004, lúc đó khoảng 20h tối, tôi đang ở nhà thì chú Tám bảo vệ của trường có điện thoại đến nói với tôi rằng: Chị ơi, đường dây tuyển sinh của ông Trực bị bể, phụ huynh đang vây nhà ông Trực đông lắm, họ la lối dữ lắm, họ đang chờ ổng về để giải quyết. Lúc sau, chú Tám tiếp tục điện cho tôi báo là mọi người đã được dẫn vào nhà ông Trực và được ông hứa mọi vấn đề sáng mai đến Phòng Giáo dục để giải quyết. Tôi có điện thoại báo cho cô hiệu trưởng biết vì sợ sự việc có dính đến trường nhưng cô hiệu trưởng nói rằng, ai làm nấy chịu, cô không dính đến trường hợp nào nên khỏi lo...".

Cô Trần Thị Hai - giáo viên Trường THCS Hồng Bàng, thường trú tại 94/13 An Bình, P.5, Q.5, ở cạnh nhà ông Trực kể: "Ngày 26/8/2004, khoảng chập tối tôi có đi ra ngoài mua thức ăn thì thấy có nhiều phụ huynh lố nhố trước nhà ông Trưởng phòng Giáo dục Q.5 và nghe họ nói với nhau là: rồi con mình học ở đâu khi mình nhận lại tiền? Tôi mới biết là đường dây tuyển sinh của ông trưởng phòng bị bể, vì trường tôi đã nhập học từ 25/8 cho nên phụ huynh rất lo lắng... Mấy ngày sau, liên tục từ sáng đến chiều, đều thấy có phụ huynh thường xuyên đến nhà thầy trưởng phòng...".

Tất cả những lời chứng trên đây có thể được xem là đủ sức thuyết phục để khẳng định một hiện tượng. Tuy nhiên, nếu xét về mặt bản chất của vấn đề thì cần phải có những chứng cứ mạnh hơn...

Bản tường trình của một thầy giáo

Kính gởi ông Lê Văn Kiêm, phó ban Kiểm tra Đảng quận 5

Tôi tên: H.T.H, giáo viên...

Hôm nay ngày 31/5/2006, tôi được đồng chí Kiêm ở quận ủy Q.5 mời đến văn phòng hợp tác Trường Hồng Bàng để trao đổi một số khiếu nại tố cáo Trưởng phòng giáo dục Q.5 có tiêu cực trong tuyển sinh năm học 2004 -2005.

Tôi xin trình bày một số việc mà tôi được biết như sau: Đầu hè năm 2004, tôi học lớp tại chức ngữ văn do Trường Bồi dưỡng Q.5 tổ chức. Tại đây tôi học chung với anh Giang Văn Tư là nhân viên Trung tâm hướng nghiệp Q.5 (anh rể ông Trực), và anh Nguyễn Tiến Dũng (con trai ông Trực). Anh Tư và anh Dũng giới thiệu rằng ông Trực sẽ nhận và đưa học sinh vào các trường trong Q.5, các trường chuyên trong thành phố, thậm chí là giáo viên từ các quận khác chuyển về.

Với lời giới thiệu ấy, rất nhiều giáo viên trong lớp ngữ văn đã đưa hồ sơ và tiền bạc cho hai người này. Điển hình như thầy N. trường T.B.C, cô L.A trường N.H, mà đặc biệt là đội bảo vệ Trường Hồng Bàng như anh M., anh K., anh T., anh H... Qua sự gởi gắm của bạn bè, tôi có gởi một số hồ sơ và tiền cho hai anh này như: Em N.Q.H gởi vào trường Thực nghiệm sư phạm - 21 triệu đồng; Em Đ.Q.V vào Hồng Bàng - 12 triệu đồng; Em T.C.N.Q vào Collet - 20 triệu đồng.

Khoảng 22h tối ngày 28/8/2004, tôi được anh H. bảo vệ gọi điện thoại thông báo là đường dây tuyển sinh của ông Trực bị bể, phụ huynh đang quậy ở nhà ông Trực rất đông. Được biết trong tối hôm đó người nhà của ông Trực đã trả lại tiền và hồ sơ cho một số phụ huynh.

Sáng 29/8/2004, tôi lên Phòng Giáo dục và chứng kiến cảnh phụ huynh rất đông. Tôi vào gặp và hỏi ông Trực hướng giải quyết một số trường hợp tôi gởi, ông Trực không có hướng giải quyết. Khoảng 21h tối ngày 29/8/2004, tôi dẫn phụ huynh đến nhà ông Trực và thấy nhiều phụ huynh khác vẫn chờ rất đông. Ông Trực bảo tôi: "Đưa phụ huynh về đi, 8h sáng mai lên Phòng Giáo dục, anh giải quyết hết, để nhà báo đến thì phiền phức lắm".

Hướng giải quyết của ông Trực là để người nhà trả tiền cho phụ huynh tại các quán cà phê trước cổng UBND Q.5, gần Trường Minh Đạo, trên đường Trần Hưng Đạo... Sau khi trả hồ sơ và tiền xong, tôi thấy có trường hợp em N.Q.H xin vào TNSP không được đã vào Trường Hồng Bàng do ông N.C.P bảo lãnh và ông Trực ký chuyển...

Qua sự việc trên, tôi rất hối hận vì đã dễ dãi trong các mối quan hệ nên vô tình trở thành một trung gian trong đường dây tuyển sinh của ông Trực. Có lẽ do biết một số việc trong đường dây này nên tôi liên tục nhận sự trù dập, đòi cho thuyên chuyển công tác sang trường khác từ phía Phòng Giáo dục. Dù đau lòng nhưng tôi vẫn cố hết sức hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng lương tâm và trách nhiệm không cho phép tôi yên lặng mãi nên tôi viết bản tường trình này vừa để các đồng chí hiểu được sự việc, vừa như một lời nhận lỗi chân thành trước sự việc đã xảy ra.

Bản tường trình được ký ngày 1/6/2006, trình bày cặn kẽ từ đầu đến cuối hoàn cảnh của anh H.T.H khi tình cờ trở thành "người trong cuộc" trong vụ việc này. Cùng với những bản tường trình đã nêu ở trên, một đường dây "chạy trường" bị bể với sự mô tả đầy đủ từ hiện tượng đến nội dung. Thế nhưng, sự việc nghiêm trọng này - xét từ cả phía người tố cáo lẫn người bị tố cáo - vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng Q.5, TP.HCM.

Nếu những người tố cáo sai thì đâu là động cơ của hành vi vu cáo này? Còn nếu như họ đúng, cần phải phanh phui đường dây "chạy trường" và trừng trị những người vi phạm. Dù làm rõ dưới góc độ nào đi nữa thì đây cũng là một động thái cần thiết để triệt bỏ tận gốc những dư luận không tốt trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo ở Q.5. Mong rằng các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để trả lại sự công bằng cho tất cả các bên, cũng như cho ngành giáo dục Q.5.

Hữu Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.