Quá nhiều nhà ở bỏ hoang, Nhật Bản tổn thất gần 25 tỉ USD

Trí Đỗ
Trí Đỗ
20/06/2024 18:32 GMT+7

Những ngôi nhà bị bỏ hoang ở Nhật Bản đã và đang làm giảm giá trị của các tài sản xung quanh, với mức thiệt hại lên tới 3,9 nghìn tỉ yên (24,7 tỉ USD) trong 5 năm tính đến năm 2023.

Số lượng nhà bỏ hoang không thể bán hoặc cho thuê được nhưng vẫn để trống trong một thời gian dài đã tăng từ 360.000 căn vào năm 2018 lên 3,85 triệu căn vào năm 2023. Hơn 70% trong số này là nhà ở dành cho hộ gia đình, theo Nikkei Asia ngày 18.6 dẫn lại dữ liệu tổng hợp từ Hiệp hội Akiya Nhật Bản, thống kê của chính phủ Nhật Bản năm 2023 và nghiên cứu của Trung tâm đổi mới bất động sản Đại học Tokyo.

Các dữ liệu cũng cho thấy hầu như giá đất trong phạm vi bán kính 50 m quanh những ngôi nhà bỏ hoang đang có xu hướng giảm.

Quá nhiều nhà ở bỏ hoang, Nhật Bản tổn thất gần 25 tỉ USD- Ảnh 1.

Một ngôi nhà bỏ hoang, bị dỡ bỏ ở tỉnh Hiroshima, miền tây Nhật Bản

CÔNG TY CRASSONE

Ước tính 80% số ngôi nhà dành cho một hộ gia đình bị bỏ hoang trong giai đoạn 2018 - 2023 tại Nhật Bản đã làm giảm giá trị các bất động sản xung quanh tới 24,7 tỉ USD. Tính đến năm 2024, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết giá đất thổ cư tại quốc gia này đã tăng trong 3 năm liên tiếp, nhưng những ngôi nhà bỏ hoang trên khắp cả nước có thể sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng.

Ông Teppei Kawaguchi, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ xây dựng và phá dỡ Crassone, cho biết: "Ước tính của chúng tôi chỉ giới hạn ở tác động của những ngôi nhà bỏ hoang dành cho hộ gia đình lên giá đất. Thực tế, tác động tiêu cực thậm chí có thể còn lớn hơn nhiều".

Đồng quan điểm, chuyên gia Takeshi Ide tại Công ty Nghiên cứu bất động sản Tokyo Kantei cũng lo ngại mức độ tổn thất sẽ tiếp tục tăng lên theo cấp số nhân trong tương lai. Những khu vực nhà bỏ hoang là nơi sinh sống của những người cao tuổi tại Nhật Bản, một trong những nguyên nhân tăng số lượng nhà bỏ hoang trong tương lai. "Những ngôi nhà đó cũng sẽ bị bỏ hoang sau khi chủ sở hữu qua đời và không có ai thừa kế, kéo theo giá đất giảm một cách nhanh chóng", ông Takeshi Ide giải thích.

Theo ước tính của Viện nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia, dân số Nhật Bản hiện giảm mạnh, nhưng số hộ gia đình tiếp tục tăng do ngày càng có nhiều người sống một mình và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2030. Sau thời gian này, tổng nhu cầu sẽ bắt đầu giảm nghiêm trọng, điều này có thể đẩy nhanh sự gia tăng số lượng nhà bỏ hoang. Để giảm thiểu hậu quả, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp pháp lý như bắt buộc phải đăng ký thừa kế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.