Quá nhiều tác động xấu từ thủy điện: Hậu quả từ đánh giá sơ sài

07/05/2013 03:00 GMT+7

Việc đánh giá sơ sài đang dẫn đến tình trạng những dự án thủy điện gây ra nhiều tác động nghiêm trọng cho môi trường và người dân.

Nước ô nhiễm, cá mất tích

Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu - phát triển xã hội (CSRD) và Trung tâm nghiên cứu - tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM) với thủy điện Bình Điền đã cho thấy ngay từ Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã tồn tại nhiều thiếu sót. Cụ thể, phần đánh giá những tác động đến môi trường khi dự án đi vào hoạt động hầu như không có số liệu dự đoán chi tiết mức độ ảnh hưởng. Một số giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đến môi trường chỉ được đề xuất một cách chung chung, thiếu cụ thể. Giải pháp xây dựng âu tàu để duy trì đường di chuyển cho các loài cá đã được đề xuất, nhưng không có thiết kế kỹ thuật. ĐTM cũng không đưa ra kế hoạch, biện pháp phòng chống tai biến địa chất, trong khi việc xây dựng thủy điện Bình Điền có thể làm xuất hiện các hiện tượng địa chấn động; hay hiện tượng động đất kích thích; tác động gây xói lở bờ hồ; nằm trong khu vực động đất cấp 7...

Trên thực tế, sau khi thủy điện Bình Điền hoạt động, theo người dân sinh sống bên hai ven bờ sông Hương, về mùa hè nước sông có mùi hôi thối rất nặng do xác thực vật bị phân hủy. Còn theo Công ty cấp thoát nước Thừa Thiên-Huế, chất lượng nước cũng bị thay đổi đáng kể, các thông số về Mn, Fe, pH, độ đục, COD đều tăng. Đáng nói hơn, môi trường nước bị ô nhiễm làm cho nhiều loài cá tự nhiên biến mất, nghề nuôi trồng thủy sản bị tác động đến nghiêm trọng. Sản lượng cá đánh bắt tự nhiên đã giảm từ 50 - 70% so với thời điểm trước 2009. Trong đó có một số loài có giá trị kinh tế cao sản lượng sụt giảm đến 90%, có loại gần như biến mất như cá mõm, cá bọp, cá láu vảy, cá xanh, cá lấu, cá chình...

Nguồn khai thác cát trên sông Hương cũng bị ảnh hưởng. Khảo sát 30 hộ gia đình khai thác cát, sạn trên sông Hương (xã Hương Hồ và Hương Thọ) cho thấy hiện nay lượng cát sạn đã giảm đến 50% so với thời điểm trước năm 2009. Theo tính toán tổng dung tích bùn cát bị giữ lại lên đến 95% tương đương 194.000 m3/năm. Ước tính thời gian hoạt động của đập thủy điện là 50 năm thì tổng lượng phù sa bị tồn lại là 11,36 triệu tấn và dung tích bùn cát là 8,74 triệu tấn.

Với tổng lượng phù sa, bùn cát này, theo lý thuyết, sau khi đập kết thúc hoạt động cũng chính là lúc nhánh sông Hữu Trạch có thể bị cắt đứt. Nguy hiểm hơn, khối đất đá này “treo lơ lửng” trên đầu TP.Huế nơi có đông dân cư, và rất dễ xảy ra hiện tượng lũ quét.

Quá nhiều tác động xấu từ thủy điện: Hậu quả từ đánh giá sơ sài
Sản lượng cá đánh bắt tự nhiên sau khi có thủy điện Bình Điền đã giảm từ 50 - 70% -  Ảnh: Do CSRD cung cấp

Cần những tư vấn độc lập

Đây không phải là lần đầu tiên mà ĐTM cho một dự án thủy điện không đánh giá đầy đủ tác động xấu tới môi trường cũng như đời sống người dân khu vực chịu tác động. GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nhận định: “Đánh giá kỹ ĐTM sẽ phơi bày mặt nhược điểm của dự án và sẽ không được thông qua”.

Trước đây, khi xảy ra động đất ở thủy điện Sông Tranh 2, phần trả lời chất vấn của một lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường tại Ủy ban Khoa học-công nghệ-môi trường Quốc hội về ĐTM của dự án, chỉ có một câu duy nhất là trong ĐTM của nhà nước không có mục này. Nhận định về vấn đề này, TS Hồng cho rằng: Chi phí thẩm định ĐTM theo quy định của nhà nước thì quá ít, nên phải nhờ chủ đầu tư chi thêm, nghịch lý này dẫn đến sự thông đồng giữa cơ quan chức năng với tư nhân. Bài học Sông Tranh 2, Đồng Nai 3, 4, thủy điện Bình Điền cho thấy chính các cơ quan nhà nước, các cấp có thẩm quyền đã không tuân thủ luật pháp, dẫn đến hậu quả xấu cho xã hội. Do vậy cần những tư vấn độc lập thẩm định lại thẩm định của cơ quan chức năng, khi có vấn đề được nêu ở công luận, điều nay phải bổ sung vào luật Xây dựng.

Mai Hà - Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.