Phải sau rất nhiều năm, Ai Cập mới lại triệu hồi đại sứ ở Israel về nước và đòi láng giềng xin lỗi. Khi ông Hosni Mubarak còn cầm quyền ở Ai Cập thì đâu có lần nào hai nước găng nhau đến thế. Vì tình hình mới ở Ai Cập và khu vực nên vụ việc nói trên có tính chất mới và được xử lý theo cách mới.
Cái thời quan hệ giữa Israel và Ai Cập gắn bó và tin cậy trên nền tảng Hiệp ước Camp David ký năm 1979 đã qua rồi. Trong hơn ba thập niên cầm quyền trước khi bị lật đổ hồi đầu năm, ông Mubarak luôn hậu thuẫn chính sách của Israel đối với Dải Gaza của Palestine.
Chính quyền quân sự hiện tại ở Ai Cập tuy không thù địch với Israel và cam kết tuân thủ hiệp ước nhưng không còn đứng bên láng giềng trong vấn đề này nữa. Tiểu sự ở thời trước trở thành đại sự ở thời nay chính vì thế. Chính quyền mới cứng rắn với Israel để lấy lòng dân, thể hiện khác biệt với chính quyền cũ và tạo ưu thế mới trong quan hệ song phương.
Chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông, đặc biệt là thay đổi ở Ai Cập và hòa giải giữa Fatah và Hamas ở Palestine, đang rất bất lợi cho Israel. Nước này vẫn phải tiếp tục tranh thủ nhưng không thể tỏ ra yếu thế trong quan hệ với Ai Cập. Vì thế, Tel Aviv mới cam kết điều tra chứ đâu đã xin lỗi Cairo. Quan hệ giữa hai bên không còn như xưa nhưng sẽ quá vội vàng nếu cho rằng vì thế mà tiến trình hòa bình Trung Đông tiến triển thuận lợi hơn.
La Phù
Bình luận (0)