Quá tải vì bệnh thành tích

23/02/2014 02:05 GMT+7

Lãnh đạo Liên đoàn Cầu lông VN cho rằng việc tay vợt 18 tuổi Phạm Cao Cường phải thi đấu 4 trận đấu trong 7 giờ đồng hồ tại giải cầu lông vô địch U.19 châu Á là bình thường, không thể gọi là quá tải.

Lãnh đạo Liên đoàn Cầu lông VN cho rằng việc tay vợt 18 tuổi Phạm Cao Cường phải thi đấu 4 trận đấu trong 7 giờ đồng hồ tại giải cầu lông vô địch U.19 châu Á là bình thường, không thể gọi là quá tải.

>> Bước tiến mới của Phạm Cao Cường
>> Cao Cường thua vì quá tải
>> Cao Cường phải thi đấu 4 trận trong 7 giờ

 Quá tải vì bệnh thành tích
Phạm Cao Cường - Ảnh: Ngô Nguyễn

Như Thanh Niên đã đưa tin, tay vợt xuất sắc của TP.HCM này cách đây ít ngày đã lọt vào tứ kết đơn nam nhưng vì phải thi đấu liên tiếp thêm cả nội dung đôi nên Cường đã bị rơi vào tình trạng quá tải. Hôm qua, ông Lê Thanh Sang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông (LĐCL) VN đã có những giải thích gây ngạc nhiên.

Ông Sang nói: “Tôi biết việc BHL yêu cầu Cường đánh cả nội dung đôi nam, bên cạnh đơn nam. Với một VĐV trẻ mới 18 tuổi, chưa chuyên sâu nội dung gì thì cần phải cho đánh nhiều nội dung khác nhau mới biết nội dung sở trường của VĐV đó, tiến tới việc đào tạo và đầu tư sâu hơn. Đi dự giải ở nước ngoài, một VĐV chuyên nghiệp vừa thi đấu đơn, nghỉ một tiếng lại thi đấu tiếp đôi, nghỉ một tiếng lại thi đấu đơn là bình thường. Cường thi đấu 4 trận trong 7 tiếng chưa ăn thua gì, rất bình thường. Cường thua ở tứ kết đơn nam thì đổ lỗi là do quá tải. Không thể quá tải được. Nếu VĐV đỉnh cao mà không chịu được mật độ dày đặc như thế thì khó có thể tồn tại được”.

Giải thích của ông Sang chỉ đúng ở khía cạnh, nếu một VĐV trẻ chưa xác định được nội dung chính của mình thì cần phải được tạo điều kiện thi đấu hay tập luyện thêm nội dung khác để chọn ra nội dung sở trường; nhưng lại chưa đúng với trường hợp của chính Phạm Cao Cường. Từ một năm nay, Sở VH-TT-DL TP.HCM cùng gia đình Cường đã bỏ ra rất nhiều tiền để đưa anh sang Indonesia tập huấn và Cường chỉ được đào tạo nội dung đơn nam. Trong màu áo TP.HCM, Cường đánh chủ yếu đơn nam, rất ít khi được bố trí đôi nam vì đây hoàn toàn không phải thế mạnh của anh. Hoặc trong trường hợp bất đắc dĩ, đơn vị chủ quản yêu cầu đánh đôi nhưng với đồng đội đã tập luyện, quen biết nhau từ lâu.

Bà Huỳnh Ngọc Liên, Phó chủ tịch LĐCL TP.HCM nhận xét: “Các tay vợt cầu lông chuyên nghiệp đều xác định nội dung sở trường là đánh đơn hoặc đánh đôi. Khi chọn rồi họ hiếm khi chơi cùng lúc 2 nội dung vì theo cách sắp xếp lịch thi đấu cầu lông hiện nay, rất khó để một tay vợt kịp phục hồi thể lực để tranh tài cả nội dung đơn lẫn đôi. Khi không đảm bảo thể lực sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường mà đáng sợ nhất với các VĐV đó là chấn thương”.

Như vậy, việc tại giải U.19 châu Á Cường đã bị “dí” đánh đôi nam lại còn phải cùng đứng với VĐV Hà Nội (tay vợt Tiến Đức cũng chỉ có sở trường đơn nam) mà Cường chưa từng tập luyện cùng bao giờ đã khiến thể lực suy giảm do thi đấu dày đặc, vì vậy thất bại của Cường ở tứ kết là điều dễ hiểu. Trên thực tế, rất hiếm khi BHL bắt VĐV đánh cả đôi lẫn đơn (nếu có đánh thêm thì chỉ ở nội dung đôi, ví dụ đã đánh đôi nam thì thêm đôi nam nữ) vì chiến thuật của hai nội dung này hoàn toàn khác nhau. Hôm qua, bản thân Cường cũng cho biết anh chỉ chuyên về nội dung đơn nam, nhưng do yêu cầu của BHL nên anh buộc phải đánh đôi nên “lợi bất cập hại”. Rõ ràng việc chạy theo thành tích của BHL và xa hơn là LĐCL VN đã tác động tiêu cực đến tâm lý VĐV và kết quả thi đấu khó mà đòi hỏi cao được.

Về việc đầu tư sắp tới cho Cao Cường, bà Liên cho biết ngành TDTT TP.HCM sẽ cùng với gia đình tiếp tục tạo điều kiện cho anh theo đuổi con đường cũng như vinh quang mà đàn anh Nguyễn Tiến Minh đã giành được ở nội dung đơn. Trước mắt là tạo điều kiện thi đấu quốc tế thật nhiều để Cường được cọ xát và nâng tầm trình độ trong khu vực. 

 Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.