Không phản đối việc tặng quà cho thầy cô nhân ngày Nhà giáo VN nhưng thực tế vẫn có không ít thầy cô trả lại những phong bì từ phụ huynh và cũng còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện đền đáp thế nào trong ngày 20.11.
Không nhận quà bất kỳ hình thức nào !
|
Đại diện một trường phổ thông liên cấp ở Hà Nội cho hay trong suốt 5 năm qua, trường đã xây dựng thành công “văn hóa không phong bì” trong trường học. Điều này nhằm xây dựng một môi trường thực sự minh bạch, nơi GV lấy sự tiến bộ và thành công của học sinh (HS) là phần thưởng và món quà đáng giá nhất.
Trước đây, trong nội quy dành cho cán bộ, GV cũng như trong cẩm nang phụ huynh trường này ghi rõ vào các dịp lễ tết, cán bộ, GV của trường được yêu cầu không nhận phong bì, quà tặng từ các phụ huynh dưới bất cứ hình thức nào, ngoại trừ các món quà lưu niệm có giá trị dưới 500.000 đồng và quà tặng từ ban đại diện phụ huynh HS.
Tuy nhiên, sau vài năm áp dụng, để giải tỏa hoàn toàn được tâm lý lo lắng con cái không được quan tâm nếu phụ huynh không tặng quà thầy cô giáo, nhà trường quyết định chỉ nhận hoa do ban đại diện phụ huynh tặng và các thiệp, quà do HS tự làm. Quy định khắt khe này nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh nhưng cũng có người tâm tư vì họ thực sự biết ơn GV của con và mong muốn được tặng quà cảm ơn GV từ chính tấm lòng của mình.
Nhiều món quà giá trị hơn phong bì
|
Trường phổ thông Tuệ Đức (Hà Nội) sẽ không tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm truyền thống mà dành đúng ngày 20.11 để thực hiện “Ngày đồng cảm”.
Khi đăng ký tham gia hoạt động này, phụ huynh có cơ hội trải nghiệm với vai trò GV của con trong 1 tiết học. Các bậc cha mẹ có thể đăng ký dạy con về các lĩnh vực học tập, kỹ năng, nghệ thuật, thể chất. Lãnh đạo nhà trường chia sẻ, qua buổi đứng lớp, các phụ huynh, các thầy cô cũng có thời gian để chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu việc dạy học và mục đích cuối cùng là giúp cho con em mình học tốt hơn, phát triển hơn.
“Của cho không bằng cách cho”
Với hầu hết các trường thì không có quy định nào về việc nhận quà tặng từ phụ huynh đối với cán bộ, GV của mình. Trên thực tế, tri ân với nhà giáo qua việc tặng quà nếu không vì mục đích vụ lợi và bị lạm dụng sẽ là một nét văn hóa.
Một GV từng dạy tiểu học ở Trường Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ: Rất nhiều phụ huynh lúc nào cũng tất bật, cả năm không dành thời gian để đi họp phụ huynh cho con một buổi, có việc đặc biệt liên quan đến giáo dục con, GV mời đến cũng rất khó khăn. Ngày lễ 20.11 không ít lần cô đã phải đến tận nhà gặp phụ huynh để trả lại phong bì vì phụ huynh đưa cho con (mới học lớp 2, lớp 3) phong bì và bảo con “đưa cho” cô giáo. Có cháu thì biết nói bố mẹ con gửi tặng cô nhưng có cháu thì không biết phong bì đó là cái gì chỉ đưa để lên bàn cô nói “mẹ con gửi cô này”.
"Khi tôi kiên quyết trả về và nhắn cho phụ huynh rằng tôi cảm ơn nhưng đề nghị phụ huynh nhận lại thì có người đã nhắn tin cho tôi là “cô kỹ tính quá” vì gia đình bận nên nhờ con thay mặt chúc mừng cô. Những lúc ấy tôi rớt nước mắt vì nghĩ về cái nghề được xã hội tôn vinh là nghề cao quý”, GV này chia sẻ.
|
Chung tay lan tỏa điều tốt đẹp
Cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội), chia sẻ: "Nếu bây giờ, các bạn hỏi: giữa thành tích học tập của các con với phong bì của phụ huynh, tôi chắc chắn 100% các thầy cô sẽ chọn món quà là sự trưởng thành, ngoan ngoãn, học tập tiến bộ của các con. Tôi rất thích một bó hoa tự bó đem đến tặng cô bằng cả tấm lòng sẽ được trân trọng và quý hơn nhiều so với phong bì nhiều tiền kia mà không chứa đựng tình cảm". Theo cô Liên, đâu đó có ý kiến cho rằng một bộ phận GV có thái độ “lạnh nhạt” với HS nếu phụ huynh không quan tâm. "Về vấn đề này, tôi cho rằng: Nếu thầy cô nào có hành động như vậy thì không xứng đáng đứng trên bục giảng”, cô Liên nói.
Có rất nhiều cách để phụ huynh và HS bày tỏ sự tri ân với thầy cô, trong đó cùng chung tay để lan tỏa những điều tốt đẹp hơn ngày càng được các trường áp dụng. Cô Liên cho hay, năm trước, trường cô có một HS lớp 1 bị ung thư máu, trường đã tổ chức ngày hội nhân ái và nhận được nhiều sự đồng lòng ủng hộ của cha mẹ HS. Theo cô Liên, điều đó ý nghĩa hơn rất nhiều việc phụ huynh phải đắn đo tặng quà cho thầy cô bao nhiêu là đủ.
“Cảm ơn cô đã giúp hiểu rõ vai trò của thầy cô giáo”
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khai Minh (Q.1, TP.HCM), chia sẻ cách đây đã 10 năm, khi đang là chủ nhiệm lớp 5, trong lớp có một cậu học trò rất thông minh nhưng thời gian sau đột ngột thay đổi theo hướng tiêu cực. Để tìm ra nguyên nhân nhằm điều chỉnh hành vi kịp thời, cô Hạnh đã mời phụ huynh đến trao đổi. Khi cuộc gặp gỡ kết thúc, lúc chuẩn bị ra về thì người mẹ lấy từ trong giỏ ra chiếc phong bì đưa cho cô và nói: "Xin lỗi cô vì ngày 8.3 vừa qua, tôi lu bu quá chưa đến thăm cô được". Cô chua chát nghĩ rằng có khi phụ huynh cho rằng việc mời trao đổi là nhằm "nhắc khéo".
“Tôi cảm ơn người mẹ và đẩy chiếc phong bì về phía chị. Tôi nói với chị, hãy để tôi làm nghĩa vụ của một GV chủ nhiệm. Hôm nay chúng ta đang cùng hợp tác để giáo dục, hỗ trợ cho con", cô Hạnh ngân ngấn nước mắt rồi bật khóc khi kể lại tình huống này.
Sau đó cậu học trò thay đổi theo hướng tích cực hơn. Vào ngày học cuối cùng ở bậc tiểu học của con, phụ huynh đã đến gặp tặng cô một món quà với thái độ rất vui vẻ và nói: "Cảm ơn cô, cô đã giúp tôi hiểu hơn về vai trò của thầy cô giáo".
Bích Thanh (ghi)
|
Ý KIẾN
Phụ huynh cần thể hiện sự chân thành
Những món quà tri ân là đúng nhưng đừng thành gánh nặng cho phụ huynh. Cũng như phụ huynh cần thể hiện sự chân thành ở đó để người nhận quà thấy thực sự vui và ý nghĩa. Đừng biến những ngày lễ trọng trở thành vấn nạn phong bì, từ cả hai phía, GV và phụ huynh.
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội)
Quà có giá trị lớn khiến thầy cô khó xử
Quà tặng thầy cô nên thật có ý nghĩa. Ngày xưa các món quà từ học sinh và phụ huynh chỉ là cân gạo nếp, con gà, buồng chuối... nhưng tất cả như để tri ân và chia sẻ khó khăn với các thầy cô. Sau này kinh tế khá giả hơn đôi khi món quà có giá trị lớn làm khó xử với thầy cô. Có thể điều kiện kinh tế của phần lớn GV vẫn chưa khá giả nhưng cũng đã tốt hơn xưa nhiều, một món quà mang ý nghĩa tình cảm sẽ là một sự động viên để thầy cô có thêm động lực. Món quà giá trị lớn hay phong bì sẽ là một cái gì đó rất nặng nề với phần lớn GV.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)
Chỉ nên tặng món quà để thể hiện tình cảm
Ngày xưa chúng tôi tặng cô một cuốn sổ, cây bút, hoặc những bông hoa ngắt bên đường, hoặc những món đồ dùng đơn sơ, nhưng chứa đựng biết bao tình cảm thầy - trò. Cả cô và trò đều vui, cảm động. Nhưng thời buổi kinh tế thị trường, phụ huynh nghĩ tặng tiền để tiện cho GV. Tuy nhiên, ngày này cha mẹ và trò chỉ nên tặng một món quà để thể hiện tình cảm, sự trân trọng của mình dành cho thầy cô là được. Như thế ngày 20.11 mới không bị mất đi sự thiêng liêng và những giá trị tinh thần của nó.
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (GV Trường THCS Phước Thiền, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai)
Đồng tiền giống như sự “mua chuộc”
Nhiều phụ huynh tặng GV tiền là vì nghĩ mua quà không hợp với cô, cô không xài thì rất phí, chi bằng tặng cô tiền để cô tự chọn một món quà phù hợp. Tuy nhiên, tôi cảm giác khi đồng tiền xuất hiện, nó giống như là một sự “mua chuộc” chứ không còn có ý nghĩa trân trọng thầy cô trong ngày lễ thiêng liêng này nữa”.
Dương Thúy Thảo (Phụ huynh Trường THCS Thoại Ngọc Hầu, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Quan trọng là cái tâm trong sáng
Việc tặng phong bì cho cô nhân các ngày lễ cũng không có gì là tiêu cực nếu người tặng và người được tặng có cái tâm trong sáng. Tôi ví dụ như ngày 20.11, nếu cả 40 phụ huynh đều mỗi người mua 1 bó hoa tặng cô thì thực sự quá lãng phí, mỗi bó hoa rẻ cũng phải 100.000 đồng. Chi bằng đưa tiền mặt cho cô, vừa thiết thực, lại thể hiện được tấm lòng.
Nguyễn Thị Bích Ngọc (Phụ huynh học sinh tiểu học tại Q.5, TP.HCM)
Không nên để vật chất xen vào tình cảm
Tình cảm thì không nên để vật chất xen vào. Với GV, quan trọng là sự nỗ lực, cố gắng của học trò. Đôi khi chỉ cần một tấm thiệp, một mẩu giấy ghi những lời yêu thương cũng tạo nên những ký ức đẹp đối với GV.
Đỗ Đức Anh (Tổ phó Tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM)
Mỹ Quyên - Bích Thanh - Hà Ánh - Tuệ Nguyễn
|
Bình luận (0)