Quảng Bình - mảnh đất được biết đến như là xứ sở của gió Lào, cát trắng - hiện đang phải gồng mình chịu đựng những trận nắng nóng rát mặt, ruộng đồng nứt nẻ chân chim, khô hạn đến độ sông Gianh cũng đang trơ đáy...
1. Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi đã có hành trình ngược lên “tọa độ lửa” Tuyên Hóa. Thành phố Đồng Hới lúc 6 giờ 30 sáng mà nắng rát mặt. Theo hướng bắc quốc lộ 1A ra huyện Bố Trạch, nhiều thửa ruộng hai bên đường đã khô cạn nước; những người nông dân đang đội nắng dùng cuốc vét những con mương nhỏ bòn chút nước còn sót từ mương lớn vào ruộng.
Chúng tôi tiếp tục ngược đường 12 từ ngã tư Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch. Ở đây, dòng người bịt kín mặt chờ đón xe khách ra bắc vào nam đang trốn cái nắng nóng chớm sáng trong các hàng quán.
Hạn hán hiện rõ nhất qua sông Gianh, con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua các huyện phía bắc tỉnh Quảng Bình rồi đổ ra biển. Bến phà Phú Trịch nối hai vùng bắc nam của huyện Quảng Trạch luôn đông nghẹt người và xe cộ; gặp lúc nước rút, dòng sông trở thành dòng nước chảy mạnh kết hợp với gió nên chiếc phà không thể sang sông theo chiều ngang mà phải chảy theo hình vòng cung. Lúc này, nước sông Gianh rặc (xuống) nhiều đoạn trơ bờ dài cả chục mét. Bác tài ca-nô đẩy phà than vãn: “Điều khiển ca-nô khó nhất là lúc này đây, nếu đứng bên kia bờ nhìn thì cứ tưởng phà chạy tuột ra biển, hay có lúc thấy không nhúc nhích tí nào. Nước rút mạnh quá, trong khi nước ở thượng nguồn không còn nhiều, tạo sự chênh lệch cao thấp rõ rệt”.
2.Gần trưa, chúng tôi đến địa phận huyện Tuyên Hóa, nơi được mệnh danh là “tọa độ lửa” của tỉnh Quảng Bình cũng như nhiều địa phương khác ở khu vực Bắc Trung bộ. Nắng đổ xuống đường loang loáng. Cây cối dọc đường ở xã Tiến Hóa bị bao trùm một lớp bụi vàng, lá rũ xuống như đã khuất phục nắng nóng. Con sông Gianh hùng dũng chảy qua địa phận huyện này cũng gần như muốn “đầu hàng”. Đứng trên cầu Minh Cầm thấy rõ cả một khúc sông Rào Trổ (một trong hai nhánh chính hợp thành sông Gianh) rộng lớn trơ đáy, chỉ còn một luồng nhỏ như con lạch lờ đờ nước. Rẽ xe xuống thôn Tân Hóa, xã Mai Hóa nằm ngay dưới chân cầu, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân chặt tre dựng lán che trước nhà chống nắng.
“Hết rét đến hạn. Lúa mới lên xanh thì giờ đã vàng khè, chỗ thì trắng bạc ra một màu như đất. Ruộng đồng giờ nứt nẻ chằng chịt, đất cô lại cứng ngắc thì làm sao lúa sống nổi
|
|
Một nông dân ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình |
Ông Nguyễn Văn Lập, một lão nông, ngừng nhát rựa trò chuyện với mấy người khách lạ: “Năm nào cũng như năm nào, cứ đến hè là nước sông lại cạn, năm nay nước cạn sớm. Giờ có thể lội bộ qua đoạn nước sông còn lại, nếu nắng thêm tuần lễ nữa là cạn trơ hết luôn. Người dân ở đây đa số dùng nước sông để sinh hoạt, tưới tắm nên gặp rất nhiều khó khăn, phải đi gánh xa hơn”. Chúng tôi xắn quần xuống, quả đúng như lời ông Lập nói, đoạn sông này giờ chỉ là một bãi cát sỏi mênh mông còn sót lại vài vũng nước. Trên bãi ấy có không ít chiếc thuyền nằm chỏng chơ, sông không nước nên giờ thuyền đành trơ trọi vậy. Các mỏ neo còn cắm xuống cát, chẳng ai buồn cất lên thuyền.
Vì địa hình trắc trở nên muốn đến xã Ngư Hóa chỉ có cách ngược dòng Rào Trổ từ vị trí xã Mai Hóa. Sông cạn nước, khổ nhất là cánh lái đò thuê. Cha con ông Hoàng Xuân Hiền vừa trở về sau một chuyến đò vất vả cho biết: “Từ đây đến Ngư Hóa khoảng 24 cây số, bình thường nước đầy có thể đi vài chuyến một ngày nhưng giờ đi một chuyến là khó khăn lắm rồi. Đường lên phải vượt 12 cái thác, nước đầy đi còn đỡ chứ nước cạn thế này thì gian nan lắm, nhiều chỗ phải lội kéo đò qua. Riêng từ đây thì không thể xuôi xuống được bởi nước quá cạn rồi. Coi như đoạn này là đích cuối cùng của đò giang, việc đi lại bằng đường sông bị chia cắt hẳn”.
Chưa thấy các xã báo cáo gì. Hiện lúa vẫn đang phát triển và cầm cự tốt
|
|
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tuyên Hóa - Nguyễn Tri Phương |
Trong khi đó, nhánh chính còn lại là dòng Rào Nậy tình hình cũng chẳng khá hơn. Đoạn đi qua xã Đức Hóa gần như cạn rặc. Lòng sông khu vực cầu Chợ Gát rộng ước gần cây số vậy mà mực nước chỉ còn chưa ngang đầu gối. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy ngay giữa sông có vài người đãi ngao hến đi lại rất bình thường, lúc thì họ ngồi xổm xuống như đang ngồi trên đất cạn. Đứng trên cầu nhìn xuống, những người này trở nên nhỏ bé bởi khoảng cách khá xa và giữa sự rộng lớn của con sông.
Đồng hồ chỉ đúng 12 giờ trưa, không chịu nổi cái nắng như lửa táp vào mặt, chúng tôi tấp vào quán nước ven đường ngồi nghỉ. Gió Lào quất mạnh vào lớp lá cọ che quán kêu ràn rạt. Một thoáng giật mình khi máy đo nhiệt độ mang theo đã hiển thị số 40. Nắng cũng hắt vào mấy mỏ đất đỏ đang khai thác dở dang dọc đường khiến mắt người đi càng thêm lóa.
Dưới sông trên bờ đều cùng chung cảnh ngộ, ruộng đồng nứt nẻ chân chim trải dài dọc hai bên đường từ xã Mai Hóa, Đức Hóa lên đến thị trấn Đồng Lê, hầu hết diện tích lúa ở vùng này lớn chưa đầy gang tay. Thấy có người đang đứng dưới đám ruộng, chúng tôi dừng xe. Ông tên là Thanh, làm nông mấy chục năm nay nhưng chưa lúc nào khó khăn dồn dập như thời gian qua. Ông thở dài: “Hết rét đến hạn, cứ thiên tai liên tục thế sao chịu nổi chứ. Mấy anh coi lúa mới lên xanh được thời gian thì giờ đã vàng khè thế này, chỗ thì trắng bạc ra một màu như đất. Ruộng đồng giờ nứt nẻ chằng chịt, đất cô lại cứng ngắc thì làm sao lúa sống nổi”. Vì địa hình vùng cao nên vấn đề thủy lợi ở đây đều phụ thuộc vào các hồ, đập. Tuy nhiên hiện tại ở huyện Tuyên Hóa chưa có hồ, đập nào lớn, mà có lớn nữa cũng chỉ tưới cho một diện tích nhỏ do địa hình chia cắt. Trong khi đó nguồn nước chảy vào các hồ, đập là khe, suối đều đã cạn kiệt, như các khe chảy qua cầu Khe Mét, Đá Bò không còn dòng nước nào, trơ đá hộc.
Sông cạn, những người lái đò chỉ biết kêu trời - Ảnh: T.Q.Nam |
Nước sản xuất đã thế, nước sinh hoạt cũng không khá hơn. Hơn 250 hộ dân 3 thôn trung tâm của xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa là Đồng Lào, Trung Lào và Hạ Lào phải gánh từng thùng nước đục từ sông Gianh khô cạn chắt chiu dùng. Ở hai huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa còn không ít trường hợp như thế vì đa số người dân sử dụng nguồn nước tự nhiên.
3.Trong khi người dân đang vật lộn với khó khăn thì giới chức địa phương dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tuyên Hóa Nguyễn Tri Phương bình thản: “Chưa thấy các xã báo cáo gì. Mới nắng nóng như thế chứ chưa thực sự hạn hán, nếu nắng thêm tuần nữa thì đúng là khô hạn thật. Khi nào ruộng đồng nứt nẻ chân chim thì đúng là hạn, hiện lúa vẫn đang phát triển và cầm cự tốt, nói thế chứ cây lúa có sức chịu đựng tốt lắm. Vì nguồn nước có hạn nên công tác thủy lợi chủ yếu dựa vào sự điều tiết nước ở các địa bàn xã”.
Tại xã Thuận Hóa, nhà máy cung cấp nước sạch đã chậm tiến độ gần 2 năm. Những lời hứa khi khởi công xây dựng như nước đổ đầu vịt, người dân thì cứ mòn mỏi chờ; những đường ống, đồng hồ, van nước mà họ lắp đặt chờ nhà máy hoàn thành giờ đã gỉ sét.
Rời khỏi vùng hạn, chúng tôi mãi day dứt bởi câu nói “chờ trời hết nắng” của người dân bản địa.
Trương Quang Nam
Bình luận (0)