Hình ảnh những ông bố bà mẹ tảo tần sớm hôm gồng gánh ước mơ đi học của con trẻ trước nay vẫn không hề xa lạ.
Nhưng có lẽ, ở thời đại mà công nghệ đã len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống hiện đại, có những điều hết sức đơn giản lại có thể mở ra hy vọng mới cho những bước chân đến trường.
Trăn trở hơn tất cả là nỗi khát khao con chữ của lũ trẻ
Nhìn nụ cười tít mắt của cậu bé 7 tuổi trong bộ đồng phục trắng tinh tươm, không ngừng hít hà khi ngồi trước tô cháo nóng hổi của mẹ, ít ai có thể hình dung được rằng ở tuổi chơi tuổi học ấy, bé G. Hoàng đã phải mang một nỗi sợ thường trực lớn lao hơn lứa tuổi của bé rất nhiều: nỗi sợ dang dở việc học. Hàng cháo nhỏ ở con hẻm Đỗ Tấn Phong, quận Phú Nhuận là nơi mà mẹ bé, chị Đỗ.T.T.Thảo, đặt vào toàn bộ hy vọng trang trải cuộc sống cho một gia đình 4 người. Tình hình buôn bán của mẹ bấp bênh, ngày đầy ngày vơi, khiến bé Hoàng không khỏi thấp thỏm, sợ có ngày mình bị buộc phải xa trường, xa lớp. Vậy nên chị Thảo vẫn ngày ngày bất chấp nắng gió, không quản ngại lam lũ, mệt nhọc, quyết tâm bằng mọi giá không làm cho con trai phải sống những tháng ngày phấp phỏng, bất an. Mỗi tô cháo bán ra là một sự kỳ vọng về tương lai, để con không thiếu con chữ, không thiếu tri thức.
|
Ở một góc khác của Sài Thành - nơi mà cách đây 30 năm, chị Dương T. N. Phương đã cùng gia đình và hai con di cư từ miền Trung vào Nam kiếm sống, có một hàng bún bò được không ít khách hàng hết lời khen ngợi, với vị ruốc Huế đậm đà đặc trưng, cùng với chén ớt sa tế thơm lừng. Con hẻm bị giải tỏa, gia đình chị đã phải chuyển từ hẻm lớn sang cái lề tạm mượn từ người quen để dựng hàng quán. Rồi đợt dịch bệnh Covid-19 oái oăm cùng với những đợt mưa liên hồi gần đây đã khiến tình hình doanh thu giảm đi một nửa, khiến chị Phương đứng ngồi không yên. Chị không sợ gì, chỉ lo nhất là lỡ dở chuyện học của con…
Tại một căn chòi tạm ở ấp Đông Lân, huyện Hóc Môn, bé K. Thi ở tuổi 13 cũng vừa đau buồn gác lại ước mơ lớn lên trở thành giáo viên môn Toán. Hàng hủ tiếu thô sơ của cha mẹ em với thu nhập chỉ 150.000 - 200.000 đồng/ngày không thể nào trang trải hết cho chi phí sinh hoạt của cả gia đình. Dẫu biết cha mẹ chưa từng thôi cố gắng vì mình, Thi vẫn đành rời xa mái trường, để nhường lại cơ hội cho các em được lần lượt học chữ. Xót xa lắm nhưng anh Trần V. Lợi chủ quán hủ tiếu cũng không còn lựa chọn nào khác vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Phép màu nào để không ai bị bỏ lại phía sau?
Những hàng quán nhỏ bé ấy là những đối tượng mong manh, dễ chịu tổn thương nhất, dẫu gánh trên mình cuộc sống và sự mưu sinh của cả gia đình. Bởi những niềm hy vọng nhỏ nhoi đang phụ thuộc rất nhiều vào sự ủng hộ của thực khách, sự thất thường của thời tiết, và cả những ngoại cảnh khắc nghiệt mà trước nay chưa ai từng nghĩ tới, như dịch bệnh Covid-19. Nếu những hàng quán này có được cơ hội bán trực tuyến để tiếp cận được nhiều thực khách hơn, không phải loay hoay trong khu hẻm nhỏ, câu chuyện hẳn đã khác hơn rất nhiều…
Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát vào những tháng đầu năm 2020, chương trình CafeTek của HTV9 đã phối hợp cùng Gojek thực hiện chiến dịch “Để không ai bị bỏ lại phía sau”, trao cơ hội tiếp cận công nghệ cho những hàng quán nhỏ đang gặp khó khăn, đưa các món ăn ngon của họ lên nền tảng đặt món GoFood để các hàng quán này có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Trong khuôn khổ chiến dịch, những nhà hàng được lựa chọn đã được tặng điện thoại thông minh, hướng dẫn cách đăng thông tin nhà hàng lên GoFood, cách nhận đơn hàng, cách giao hàng cho tài xế Gojek,... Tuy những người cha, người mẹ vốn dĩ không có cơ hội tiếp xúc với công nghệ còn nhiều bỡ ngỡ trong thao tác, nhưng gian hàng online mới mở trên GoFood đã lác đác mang lại cho họ những đơn hàng mới, những thực khách mới, tạo cơ hội chủ động cải thiện doanh thu hằng ngày.
|
Những ngày này, chị Thảo, chị Phương bắt đầu tất bật hơn với các đơn hàng từ GoFood khấp khởi niềm vui mới và nhen nhóm hy vọng tình hình buôn bán sẽ ổn định hơn. Lượng đơn hàng đặt online qua ứng dụng góp phần tăng đáng kể thu nhập của các cửa hàng so với trước đây. Vừa thoăn thoắt múc cháo vào tô, chị Thảo vừa vui mừng chia sẻ: “Từ ngày bán trên GoFood chị bán được nhiều hơn, nhờ vậy mà thu nhập cũng ổn định hơn trước, mừng lắm”.
Những nỗ lực nhân văn như của Cafetek và Gojek là vô cùng đáng quý để tiếp sức cho những người cha, người mẹ nuôi lớn ước mơ tri thức của con trẻ. Những câu chuyện cổ tích diệu kỳ có thể không hiện hữu ngoài đời thực, nhưng những sáng kiến công nghệ phục vụ cộng đồng là phép màu có thể hỗ trợ những người yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, để tình người sẽ không ngừng lan tỏa.
Bình luận (0)