Vì sao quán không nghỉ tết?
Những ngày giáp tết ở TP.HCM, tiết trời lành lạnh. Sập tối, tôi ghé hàng bánh canh quen thuộc nằm dưới chân cầu Bông (Q.Bình Thạnh) của vợ chồng chị Tống Thị Thúy Hằng (44 tuổi) làm một tô cho ấm bụng.
Dù là giữa tuần, nhưng khách ùn ùn kéo đến quán. Ăn ở đây nhiều năm nay, tôi cũng đã quen với cảnh này. Nếu muốn không phải đợi lâu, khách nên “né” khung giờ 18 - 20 giờ tối, bởi đây là lúc cao điểm đón khách.
Tối tối, nhân viên quán bánh canh ghẹ của chị Hằng tất bật |
cao an biên |
Dù là giữa tuần, đông đúc khách tới ăn. |
cao an biên |
Cận tết, quán có ít nhiều thay đổi. Nhưng điểm nổi bật nhất chính là bảng thông báo màu đỏ rực rỡ được dán phía trước quán: “Chúc mừng năm mới! Chúng tôi phục vụ xuyên tết. Chúc quý khách năm mới “An Khang Thịnh Vượng” - “Vạn sự như ý”.
Tâm sự với tôi, chị Hằng nói rằng đây là năm đầu tiên trong suốt hơn 18 năm qua kể từ ngày mở quán, chị bán xuyên tết để phục vụ khách. Theo lời chị chủ, thường, những năm trước chị sẽ cho nhân viên (chủ yếu là người thân, bà con trong nhà) nghỉ tết. Tuy nhiên năm nay, đa phần mọi người đều muốn ở lại bán xuyên tết để kiếm thêm thu nhập, phục vụ cho nhu cầu ăn uống đầu năm của người dân TP.HCM.
Nhân viên tất bật làm việc để khách không phải chờ lâu. |
cao an biên |
Phần bánh canh ghẹ giá 200.000 đồng, ghẹ được để ở một tô riêng. |
cao an biên |
“Chắc chắn, chúng tôi sẽ hết mình để phục vụ những tô bánh canh chất lượng nhất tới thực khách. Mong năm mới việc kinh doanh buôn bán của cửa hàng vẫn nhận được sự ủng hộ của mọi người như suốt những năm qua", chị chủ bày tỏ.
Nói về lý do mở hàng bánh canh này, chị Hằng nhớ lại thuở mới lấy nhau, cuộc sống của anh chị hết sức khó khăn. Trong một buổi họp mặt, được bạn bè gợi ý nên buôn bán đồ ăn đồ uống, anh chị quyết định mở một hàng ăn nhỏ bán món này. Lúc đó, con đường này món bánh canh ghẹ vẫn chưa được nhiều người bán.
Nhờ kinh nghiệm trong suốt nhiều năm trời làm tạp vụ cho quán ăn, cũng như người quen chỉ bảo, chị cũng bắt đầu bán được những tô bánh canh đầu tiên. Thời gian trôi qua, “nghề dạy nghề", lắng nghe những góp ý của khách, chị không ngừng cải tiến, thay đổi công thức nấu để có được hương vị như ngày nay.
Chị Hường (em chị Hạnh) nhanh tay làm món. |
cao an biên |
Chất lượng của ghẹ là điều chị chủ hết sức tự hào. |
cao an biên |
“Tôi nấu cũng bình thường như người ta thôi chứ không có gì đặc biệt, chỉ là phần ghẹ là loại ngon, tươi sống, hàng tuyển được lựa chọn kỹ. Tôi nghĩ đó cũng là bí quyết để khách ủng hộ mình suốt nhiều năm qua. Nhờ hàng bánh này mà cuộc sống của gia đình tôi cũng không còn khó khăn như trước", chị chủ trần tình.
Giá “chát”, khách vẫn mê
“Cho tô bánh canh 100.000 đồng!”, “Lấy tô 200.000 đồng!”, “Tô 150.000 chị ơi!”... là cách gọi món quen thuộc của khách khi đến đây ăn, bởi tô rẻ nhất giá đã 100.000 đồng, tô đắt nhất giá 350.000 đồng.
Theo chị Hằng, tiền nào của nấy. Mỗi tô bánh canh đều có bánh, chả như nhau. Điều làm nên khác biệt trong phần giá cả chính là con ghẹ. Giá càng cao, ghẹ càng to, chất lượng.
Nồi nước dùng bắt mắt được thêm liên tục. |
cao an biên |
Phần bánh canh giá 100.000 đồng, rẻ nhất ở quán. |
cao an biên |
“Tôi nghĩ giá ở quán mình không cao, vì chất lượng mỗi tô bánh canh xứng đáng với đồng tiền mà khách bỏ ra. Trước khi khách ghé ăn mình cũng có menu, báo giá để khách lựa. Rõ ràng nếu khách thấy không đáng thì đã không ủng hộ suốt những năm qua", chị Hằng tự hào.
Tối tối, ông Phát (72 tuổi) dẫn vợ, bà Bình (68 tuổi, cùng ngụ Q.Bình Thạnh) ghé quán bánh canh ghẹ này để ăn. Hai vợ chồng cho biết họ là khách “ruột" ở đây gần 4 năm qua, từ hồi quán còn chưa được khang trang như bây giờ.
Thưởng thức xong tô bánh canh giá 100.000 đồng, ông Phát tâm sự vợ chồng ông thường ghé đây ăn vì thích ăn hải sản, đặc biệt là ghẹ. Vì ghẹ ở đây chất lượng “không bàn cãi", thêm cách nấu đậm đà nên mê.
Năm nay, quán bán tết là vì nhân viên không muốn về quê. |
cao an biên |
Vợ chồng ông Phát là khách quen của quán. |
cao an biên |
“Bỏ mấy trăm ra ăn tô bánh thì đắt thật, nhưng tôi thấy xứng đáng. Năm nay quán bán xuyên tết nên chắc chắn vợ chồng tôi sẽ ghé qua ăn nếu tiện. Nhà cũng gần đây mà!”, bà Bình nói thêm.
Càng về tối, khách đều đặn ghé quán ăn. Gần chục nhân viên mỗi người một việc, tất bật làm tô bánh canh nóng hôi hổi, thơm phức cho thực khách sao cho nhanh nhất giữa tiết trời se lạnh về đêm của Sài Gòn…
Bình luận (0)