Quán cà phê Việt Nam thời bao cấp (1954 - 1986)

14/11/2012 17:20 GMT+7

Cùng với cuộc kháng chiến chống Pháp và chấm dứt trên thực tế với chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5.1954, và trên công pháp quốc tế với Hiệp định đình chiến là ngày 4.7.1954 - cà phê đã theo chân các thanh niên, sinh viên tự vệ thành sau hai tháng chiến đấu để bảo vệ Hà Nội, rút ra nông thôn và Việt Bắc để tiếp tục cuộc kháng chiến.

Chúng ta không lạ là ca khúc đầu tiên về cà phê là của nhạc sĩ Canh Thân (sinh năm 1920), và sáng tác tuy không khí kháng chiến thuở ban đầu của những năm 1947 - 1948 với tinh thần lãng mạn cách mạng của những chàng trai Hà Nội hào hoa như Phạm Duy, Đoàn Chuẩn… Nhưng cuộc kháng chiến trường kỳ càng kéo dài càng gian khổ. Cà phê trở thành một thứ xa xỉ phẩm phải lặn lội từ vùng tề đưa về, trong khi còn những nhu cầu thiết yếu hơn như đá lửa, thuốc men, giấy bút, đường muối, và hàng ngàn thứ khác.

Để bù lại với việc thiếu cà phê, người ta chuyển sang việc uống nước trà (ngay cả trà cũng thiếu, phải độn thế bằng đủ các loại lá khác như ổi, vối, nhân trần, mướp, gấc…) pha thật đậm đặc, được gọi đùa là UTQ, hoặc U tì quốc tức là uống trà quạu!

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, tại Hà Nội là từ tháng 10.1954, và ở Hải Phòng từ tháng 5.1955, mọi cửa hàng buôn bán thực phẩm đều được đưa vào quốc doanh.

Cà phê không được trồng ở miền Bắc nên thứ thức uống này trở nên xa xỉ vì phải nhập từ nước ngoài. Hơn nữa, người Việt quen uống cà phê có thêm đường, mà đường cũng được cung cấp theo tem phiếu nên dù cà phê có bán ở cửa hàng quốc doanh nhưng giá cả tốn kém gấp hàng chục lần so với nước trà tươi. Vì vậy đối với học sinh, sinh viên vốn không có thu nhập, thức uống quen thuộc chỉ là nước trà tươi, thuốc lào, và có sang nữa thì thêm chút kẹo lạc hay lạc rang.

Cà phê hầu như vắng bóng chỉ còn là kỷ niệm với những lớp người thế hệ trước và bấy giờ đành chiều cho những thói quen của mình bằng những cửa hàng chui lủi, và cũng chỉ được tiếp đón nếu là thân quen hay có giới thiệu.

Sau 30.4.1975 với những đồn điền cà phê còn lại ít nhiều bị bỏ phế hay tan hoang vì cuộc chiến, cà phê với diện tích khoảng 25.000 hecta không đủ nhu cầu cung ứng cho cả nước.

Những đô thị và thành phố ở miền Nam trước đây trong giai đoạn 1960 - 1975 của cuộc chiến, các quán cà phê đã mọc lên như nấm. Đó là nơi an trú tương đối êm ả cho thanh niên, thiếu nữ, học sinh cấp 3 và sinh viên, công chức, lính tráng vừa thưởng thức cà phê vừa lắng nghe những ca khúc trữ tình lãng mạn, xoáy vào tâm tình lứa đôi với những đam mê và sầu tủi, nhưng trên hết là than thân trách phận, hoang mang về nỗi cô đơn trước những lựa chọn nghiệt ngã của xã hội.

Sau ngày thống nhất đất nước, có sự giao lưu và hòa hợp tự nhiên giữa nếp sống hai miền: các quán cà phê kiểu Sài Gòn lan ra Hà Nội, Hải Phòng, và khắp thành thị miền Bắc cùng với thứ âm nhạc lãng mạn gọi là nhạc vàng vì đề cao tình cảm cá nhân chứ không phải hừng hực khí thế chiến đấu và những giá trị tập thể như trong thời chiến ở miền Bắc.

Trong khoảng 1975 - 1985, sự thiếu hụt cà phê trong cả nước đã khiến các nhà buôn phải chế biến độn bằng bắp rang, bo bo rang, đậu rang… đến gần như không còn hương vị cà phê, nhưng người ta vẫn phải dùng vì không bỏ được thói quen đã thành nếp này.

Tại những đô thị như Sài Gòn, đây là thời vàng son của những quán cà phê tự phát của những gia đình nhà cao cửa rộng có sân vườn trong biệt thự với gia đình chủ nhân tự khai thác hoặc cho thuê mướn mặt bằng. Đồng thời với số lượng đông đảo quân sĩ và công nhân viên chế độ cũ, sinh viên những trường bị giải thể và nói chung những người chưa thích ứng được với cuộc sống mới, tiền bạc thì eo hẹp vì chỉ buôn bán chợ trời, nhưng thời gian thì giàu có như tỉ phú nên cũng là thời mà mọi người đều khốn khó nhưng có thể gặp nhau luôn bên cốc cà phê. (Còn tiếp)

Bình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.