Quan chức nhận tiền ‘không trong sáng’: Vì sao người bị tội nhận hối lộ, người không?

07/01/2023 16:59 GMT+7

Cùng thực hiện hành vi nhận tiền từ doanh nghiệp , có quan chức bị xử lý tội nhận hối lộ, nhưng cũng có người bị xử tội nhẹ hơn.

“Đại án” AIC khép lại giai đoạn sơ thẩm bằng bản án TAND TP.Hà Nội đã tuyên đối với 36 bị cáo, nhưng có một vấn đề đang được nhiều người quan tâm, liên quan đến các tội danh.

Từ trái qua: ông Trần Đình Thành, ông Đinh Quốc Thái, ông Phan Huy Anh Vũ, bà Bồ Ngọc Thu và bà Bùi Thị Lệ Phi

T.A

Vụ án này, 4 cựu quan chức của Đồng Nai bị cáo buộc nhận tiền từ lãnh đạo Công ty AIC, gồm Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy) nhận 14,5 tỉ đồng, Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch tỉnh) nhận 14,5 tỉ đồng, Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh) nhận 14,8 tỉ đồng và Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở KH-ĐT) nhận 1 tỉ đồng. Các ông Thành, Thái và Vũ bị xử tội nhận hối lộ, còn bà Thu tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Tương tự, trong vụ án xảy ra tại Cần Thơ, cựu Giám đốc Sở Y tế Bùi Thị Lệ Phi bị cáo buộc nhận từ lãnh đạo Công ty NSJ 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, bà Phi bị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao 5 cựu quan chức đều có hành vi nhận tiền từ doanh nghiệp nhưng lại bị truy cứu về các tội danh khác nhau?

Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cho biết để xác định bị can, bị cáo phạm tội gì cần phải căn cứ vào hành vi tội phạm mà họ thực hiện.

Xét về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, cả 2 đều thuộc nhóm tội tham nhũng. Trong đó, nhận hối lộ có khung hình phạt cao nhất đến tử hình, lợi dụng chức vụ quyền hạn có khung hình phạt cao nhất 15 năm tù.

2022 nhìn lại: Các vụ án chấn động dư luận

Hai tội này có nhiều điểm giống nhau: đều có chủ thể đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn, đều có thể nhận lợi ích để thực hiện một công việc không phù hợp hoặc không được làm so với vị trí mình đảm nhiệm…

Về khác nhau, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp giải quyết công việc nhưng đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích vụ lợi, gây thiệt hại cho nhà nước, xã hội hoặc công dân.

Còn hành vi nhận hối lộ là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền hoặc lợi ích khác để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ.

Đối chiếu vụ án AIC, bà Bồ Ngọc Thu giữ chức Giám đốc Sở KH-ĐT, thành viên Ban chỉ đạo dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Vì sức ép cấp trên và đã nhận tiền từ lãnh đạo AIC vào các dịp lễ tết, bà Thu làm trái nhiệm vụ được giao: bỏ qua các bước thẩm định để ký tờ trình phê duyệt lại và tăng vốn đầu tư dự án, không lập hồ sơ thuyết minh tăng vốn, không đưa ra cơ sở để xác định danh mục thiết bị…

Chuỗi hành vi trên giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại hơn 148 tỉ đồng. Vì thế, bà bị xử lý tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Trong khi đó, các ông Thành, Thái và Vũ bị xác định là người có chức vụ, nhận tiền do lợi dụng quyền hạn mà mình có, trái quy định pháp luật, hành vi cấu thành tội nhận hối lộ.

Ví dụ, khi đưa tiền cho ông Thành và ông Thái, lãnh đạo Công ty AIC đều đề cập đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp này tham gia và trúng thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Các bị cáo biết rõ việc nhận tiền là để thực hiện các hành vi có lợi cho Công ty AIC. Minh chứng là ông Thành tác động đến cấp dưới, còn ông Thái ký quyết định phê duyệt lại dự án khi không có thẩm định, không thông qua HĐND tỉnh…, qua đó giúp doanh nghiệp trúng 16 gói thầu.

Với tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đây là hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong hoạt động đấu thầu, gây ra các thiệt hại về tài sản cho người khác.

Nhận hối lộ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành lãnh 11 năm tù

Nhận tiền nhưng không bị truy tố tội nhận hối lộ

Đối chiếu vụ án tại Cần Thơ, cựu Giám đốc Sở Y tế Bùi Thị Lệ Phi bị xác định có hành vi bàn bạc, thống nhất với lãnh đạo Công ty NSJ để công ty trúng thầu với giá đưa ra trước đó. Bà Phi còn chỉ đạo cấp dưới tạo mọi điều kiện để Công ty NSJ trúng thầu.

Những việc làm nêu trên thể hiện sự can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu - một trong những dấu hiệu đặc trưng của tội vi phạm đấu thầu, từ đó gây thiệt hại ngân sách hơn 32 tỉ đồng.

Mặc dù bà Phi có nhận 3 tỉ đồng từ lãnh đạo Công ty NSJ, tuy nhiên giữa hai bên không có hứa hẹn hay thỏa thuận từ trước, nên cơ quan tố tụng không truy tố tội nhận hối lộ là có căn cứ.

Vẫn theo luật sư Lực, cách phân chia theo lĩnh vực, đối tượng như trên giúp cá thể hóa tội phạm, phân biệt rõ ràng các tội danh; đồng thời xác định trách nhiệm hình sự tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn lãnh án 30 năm tù dù đang bỏ trốn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.