Hãng Reuters ngày 7.3 dẫn lời một chuyên gia vận động hành lang do quân đội Myanmar thuê khẳng định rằng giới tướng lĩnh nước này muốn rời chính trường, cải thiện quan hệ với Mỹ và rời xa Trung Quốc.
Chuyên gia này là ông Ari Ben-Menashe, cựu quan chức tình báo quân đội Israel hiện sống tại Canada và từng đại diện cho cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và giới tướng lĩnh cầm quyền tại Sudan.
Được quân đội Myanmar thuê để vận động hành lang, ông cho biết các tướng lĩnh Myanmar còn muốn hồi hương người Rohingya theo đạo Hồi đang ở Bangladesh.
Liên Hiệp Quốc cho rằng hơn 50 người biểu tình đã thiệt mạng tại Myanmar, kể từ khi quân đội nước này tiến hành chính biến hôm 1.2 để kiểm soát chính phủ và bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, sau khi phản đối kết quả bầu cử năm ngoái.
Trả lời phỏng vấn, chuyên gia Ben-Menashe cho hay ông và công ty Dickens & Madson Canada của ông đã được các tướng lĩnh Myanmar thuê để liên lạc với Mỹ và các nước khác vì “đã hiểu lầm” họ.
Ông cho rằng bà Suu Kyi nhậm chức từ năm 2016 đã phát triển quan hệ quá gần gũi với Trung Quốc.
“Thực sự có sự thúc đẩy về hướng phương Tây và Mỹ, trái với việc cố gần gũi với Trung Quốc. Họ không muốn trở thành con rối của Trung Quốc”, theo ông Ben-Menashe.
Chuyên gia này cho hay ông đang trao đổi với Hàn Quốc sau chuyến thăm thủ đô Naypyidaw của Myanmar, nơi ông đã ký thỏa thuận với tướng Mya Tun Oo được quân đội phân công phụ trách về quốc phòng sau chính biến.
Hồi hương người Rohingya, rút khỏi chính trường?
Theo đó, ông sẽ được trả một khoản phí chưa được tiết lộ nếu các lệnh cấm vận đối với quân đội Myanmar được dỡ bỏ. Phía quân đội Myanmar chưa đưa ra bình luận liên quan đến ông Ben-Menashe cũng như những phát biểu của ông.
Ông Ben-Menashe cho hay ông còn được giao nhiệm vụ tiếp xúc với Ả Rập Xê Út và UAE để vận động hỗ trợ kế hoạch hồi hương người Rohingya về Myanmar.
Chuyên gia này khẳng định chính quyền quân sự có thể chứng minh rằng cuộc bầu cử năm ngoái có gian lận và những người thiểu số không được bỏ phiếu, nhưng không đưa ra chứng cứ. Các nhà quan sát bầu cử cho rằng không có bất thường lớn.
Ông cho hay cảnh sát chứ không phải quân đội đang đối phó các cuộc biểu tình ở Myanmar, dù những hình ảnh cho thấy các binh sĩ xuất hiện. Ông còn cho rằng quân đội thích hợp để giám sát việc quay lại nền dân chủ sau chính biến: “Họ muốn rời khỏi chính trị hoàn toàn, nhưng đó là một quá trình”.
Bình luận (0)