Quan hệ hình mẫu Việt Nam - Hàn Quốc

Mai Hà
Mai Hà
(từ Seoul)
04/07/2024 06:00 GMT+7

Tối 3.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn công tác đã về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội), kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30.6 - 3.7.

Trước khi về nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành hơn 1 tiếng chia sẻ những thông điệp chính sách quan trọng với các giáo sư và sinh viên tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc).

Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Hàn Quốc

Mở đầu bài phát biểu chính sách, Thủ tướng "xin chào" bằng tiếng Hàn và nhận được tràng pháo tay vang dội từ khán phòng.

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, với sự vươn lên mạnh mẽ và những thành tựu đạt được từ giữa thế kỷ trước đến nay, Hàn Quốc đã tiếp tục lập nên những kỳ tích mới, viết tiếp "kỳ tích sông Hàn", xác lập vị trí vững chắc và là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế toàn cầu. "Thế giới ngày nay và tương lai sẽ gắn với những doanh nghiệp Hàn Quốc giàu tính sáng tạo và thành công được cả thế giới biết đến như Samsung, LG, Lotte, SK, Hyundai...", Thủ tướng nói.

Quan hệ hình mẫu Việt Nam - Hàn Quốc- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách và trao đổi tại Đại học Quốc gia Seoul vào hôm qua (3.7)

Nhật Bắc

Nhắc đến những thành tựu chủ yếu trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, Thủ tướng cho biết trong hơn 3 thập kỷ qua, vượt lên những khác biệt, rào cản đã từng ngăn trở quan hệ hai nước trong quá khứ, quan hệ song phương đã không ngừng phát triển, trở thành hình mẫu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Đông Á với mức độ hợp tác thành công chưa từng có.

"Hai nước chúng ta vừa là bạn, là đối tác gần gũi, tin cậy, vừa có nhiều điểm tương đồng về truyền thống văn hóa, dân tộc, đặc biệt là tình cảm "thông gia" bền chặt qua nhiều thế hệ. Nhìn từ lịch sử, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã có mối quan hệ thân tình từ nhiều thế kỷ trước. Hai dòng họ Lý của Việt Nam từ thế kỷ 12, 13 đã sang Cao Ly định cư và đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước Cao Ly", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh 5 tương đồng lớn giữa hai nước về lịch sử, khát vọng phát triển đất nước, tương đồng về suy nghĩ, quan hệ "thông gia", khát vọng đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển. Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển của quan hệ hai nước với 8 ưu tiên, vai trò của thế hệ trẻ và sinh viên hai nước rất quan trọng.

"Sinh ra và học tập trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, các bạn trẻ có điều kiện và lợi thế vô cùng to lớn, bởi tuổi trẻ là đồng nghĩa với năng lượng và sáng tạo. Với tầm nhìn, tư duy và kỹ năng được đào tạo từ những cơ sở giáo dục đào tạo uy tín như Đại học Quốc gia Seoul, tôi tin tưởng chính các em sẽ là những người góp phần tạo nên thế kỷ 21 của hòa bình, hợp tác và thịnh vượng", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp gửi gắm Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Hàn Quốc, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đơm hoa kết trái, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. "Chúng ta chưa có công trình biểu tượng nào. Lần này chúng tôi qua đặt vấn đề với Hàn Quốc để chúng ta nghiên cứu có công trình biểu tượng. Ví dụ, đường sắt cao tốc chẳng hạn, hoặc công trình gì đó mang tính biểu tượng cho hai đất nước, hai dân tộc chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh.

Biến giấc mơ Việt Nam, giấc mơ Hàn Quốc thành hiện thực

Dù thời gian hạn chế, song người đứng đầu Chính phủ Việt Nam vẫn sẵn sàng trao đổi và giải đáp câu hỏi từ các giáo sư, nghiên cứu sinh của Đại học Quốc gia Seoul.

Theo chị Bùi Thị Mỹ Hằng, vừa lấy bằng tiến sĩ và hiện công tác tại Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nêu câu hỏi về tầm nhìn của Thủ tướng với mối quan hệ 30 năm tới giữa Việt Nam - Hàn Quốc. "Chính phủ có giải pháp nào để cân bằng hơn về mối quan hệ giữa hai quốc gia, không chỉ một chiều là dòng chảy đầu tư từ Hàn Quốc, mà còn thúc đẩy hàng hóa Việt Nam sang Hàn Quốc cũng như tiến tới miễn visa cho công dân Việt Nam?", chị Mỹ Hằng hỏi.

Đánh giá "câu hỏi hay nhưng cũng rất khó", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết mối quan hệ giữa hai nước trong 30 năm tới được xây dựng trên cơ sở tin cậy về chính trị cao hơn, hòa nhập của hai nền kinh tế đã sâu rộng phải sâu rộng và tích cực chủ động hơn nữa. Khai thác hiệu quả hơn sự tương đồng về văn hóa cho sự phát triển của hai nước; gắn kết con người giữa hai dân tộc tốt đẹp hơn, từ 80.000 gia đình đa văn hóa thì có thể nhiều hơn. "Hai nước có cùng chung một khát vọng để phát triển đất nước, hùng cường thịnh vượng thì cùng nhau hợp tác để biến khát vọng này thành của chung, để nhân dân hai nước được hạnh phúc ấm no", Thủ tướng khẳng định.

Về việc cân bằng mối quan hệ, nguyên tắc chung là hài hòa về lợi ích, rủi ro chia sẻ. Việt Nam đang nhập siêu của Hàn Quốc, nhưng ngược lại cũng sản xuất chế biến, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Cho biết vấn đề thị thực, theo Thủ tướng, Việt Nam đã miễn thị thực cho Hàn Quốc từ năm 2004. Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc, Thủ tướng cũng đã đề nghị Hàn Quốc miễn thị thực cho công dân Việt Nam, bước đầu ở một số trường hợp. Nguyên tắc chung là lắng nghe và thấu hiểu, chia sẻ tầm nhìn và chia sẻ hành động, gắn kết hơn nữa về con người. Cùng nhau hợp tác để biến khát vọng, "giấc mơ Việt Nam, giấc mơ Hàn Quốc thành hiện thực" để mỗi nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc và ấm no.

Chuyến công du với 34 hoạt động

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhìn nhận, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có "ý nghĩa quan trọng, chương trình phong phú, nội dung sâu rộng, kết quả thực chất".

Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, đạt các mục tiêu đề ra, là bước triển khai thiết thực đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc. Chuyến thăm là dấu ấn quan trọng, thể hiện mối quan hệ phát triển tốt đẹp ở mức độ cao giữa hai nước.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc, phong phú, đa dạng với 34 hoạt động với chính giới, giới kinh tế, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức hữu nghị, tổ chức phi chính phủ.

Đặc biệt, chuyến thăm đã đạt nhiều kết quả thực chất, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là đối tác chiến lược về hợp tác phát triển (ODA); sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi ổn định nhằm bảo đảm an ninh kinh tế cho cả hai nước. Đã có 23 văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương hai nước về hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục, bán dẫn, năng lượng và tăng cường hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Trong ngày làm việc cuối tại Hàn Quốc, Thủ tướng đã tiếp 6 lãnh đạo tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang có những dự án quy mô hàng tỉ USD tại Việt Nam. Thủ tướng cũng đã đến thăm tổ hợp bán dẫn của Samsung và gia đình đa văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc trước khi lên máy bay về nước.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.