Quản lý công dân bằng mã số - Bao giờ?

14/04/2012 09:16 GMT+7

Với mục tiêu quản lý xã hội theo hướng hiện đại, nhiều tỉnh thành, trong đó có TPHCM đang kiến nghị nhà nước sớm quản lý công dân bằng mã số cá nhân. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ chúng ta mới có thể xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thống nhất cách quản lý con người và xã hội hiệu quả?

Với mục tiêu quản lý xã hội theo hướng hiện đại, nhiều tỉnh thành, trong đó có TPHCM đang kiến nghị nhà nước sớm quản lý công dân bằng mã số cá nhân. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ chúng ta mới có thể xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thống nhất cách quản lý con người và xã hội hiệu quả?

Từ mô hình quản lý dân cư bằng vân tay

Trên thực tế xảy ra nhiều câu chuyện khó tin, khó chấp nhận nhưng vẫn tồn tại trong việc đăng ký, quản lý hộ tịch, dân cư ở nhiều địa phương. Do quản lý không chặt, thiếu cơ sở dữ liệu gốc nên nhiều công dân có đến 2 giấy khai sinh, mang nhiều tên họ khác nhau, thậm chí có đến 2-3 giấy chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu, hộ chiếu… Tình trạng làm giả giấy tờ tùy thân, che giấu nhân thân, cư ngụ bất hợp pháp cũng khó phát hiện.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bất cập trong quản lý dân cư là do các văn bản pháp luật hiện hành về đăng ký hộ tịch, cư trú, quản lý con người chưa khoa học, tản mạn, chồng chéo và chưa kết nối liên thông giữa các cấp chính quyền lẫn cơ quan chức năng.

Để khắc phục những bất cập nêu trên và cải tiến việc quản lý dân cư theo kiểu thủ công (lưu trữ theo sổ bộ viết tay), một số địa phương đã áp dụng công nghệ thông tin, lập cơ sở dữ liệu, lưu giữ thông tin cá nhân một cách khoa học. Đặc biệt phường Bến Thành quận 1 TPHCM đã áp dụng phần mềm quản lý dân cư, trong đó có nhiều phân hệ liên quan đến công tác quản lý con người - nhân hộ khẩu, y tế, giáo dục, lao động việc làm, hộ nghèo, nhà đất, xây dựng…

Chẳng hạn, trong phân hệ sao y chứng thực, phường tạo một dữ liệu cá nhân (file cá nhân), lưu giữ vân tay của người dân lần đầu đến làm thủ tục kèm các thông tin cá nhân. Từ dữ liệu này, khi cần những giấy tờ cần thiết người dân có thể tự thao tác trên máy tính để tìm thông tin cá nhân liên quan và được sao y, chứng thực một cách nhanh chóng. Những ai không biết vi tính sẽ được nhân viên của phường hướng dẫn. Hầu hết người dân đến làm thủ tục, hồ sơ ở phường đều hài lòng với cách làm đột phá này.

Sau hơn 4 tháng chạy thử phần mềm quản lý dân cư, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch UBND phường Bến Thành, cho biết: “Mong muốn lớn nhất của người dân là khi đến cơ quan công quyền được làm thủ tục nhanh nhất, nhận hồ sơ trả lại sớm nhất. Vì thế những cải cách trong thủ tục hành chính, quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin của chúng tôi được người dân ủng hộ và hài lòng”.

Hiện nay phường Bến Thành đã cập nhật dữ liệu cá nhân cho khoảng 9.000 nhân khẩu (chiếm một nửa tổng nhân khẩu toàn phường). Việc quản lý dân cư theo hướng hiện đại này không chỉ giúp chính quyền địa phương đỡ tốn nhân lực, vật lực mà còn hỗ trợ hữu hiệu cho công tác lập thống kê, cập nhật biến động dân số và các chương trình xã hội liên quan đến y tế, giáo dục, an sinh xã hội…

Đến cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân

Tuy mới dừng ở mức độ quản lý cục bộ (cấp phường) nhưng cách làm của phường Bến Thành đã gợi mở phương thức quản lý dân cư – xã hội theo hướng hiện đại. Mô hình này nếu được mở rộng, liên thông đến các cấp chính quyền, các ngành liên quan thì việc quản lý dân cư sẽ tốt hơn.

Hiện nay việc xây dựng cơ sở dữ liệu công dân đầy đủ và thống nhất theo hệ thống quản lý xuyên suốt từ cơ sở đến trung ương là một yêu cầu cấp thiết. Chuyện thống kê, cập nhật về nhân hộ khẩu, lao động việc làm - thất nghiệp, trình độ dân trí, tay nghề, tình trạng nghèo - cận nghèo… sẽ dễ dàng hơn.

Trong lĩnh vực giáo dục cũng tránh được việc vào đầu năm học mới, nhiều nơi chính quyền phải huy động nhân lực đi điều tra về nhóm trẻ trong độ tuổi đến trường… Trong quản lý lao động, những con số có việc làm hay mất việc làm… sẽ thôi “đánh đố” chính quyền, cơ quan chức năng. Hiện nay do các quy định còn nhiều kẽ hở nên khi có chỗ làm mới là người lao động làm sổ lao động, sổ bảo hiểm xã hội mới khiến cho công tác quản lý lao động rất khó.

Để trám kẽ hở này, trong dự thảo Luật Việc làm, Bộ LĐTB-XH đưa ra ý tưởng quản lý lao động bằng cách cấp mã số lao động cho công dân đủ 15 tuổi trở lên. Việc quản lý lao động theo cục, bộ, ngành như lâu nay không phát huy được tác dụng liên kết về quản lý con người - xã hội một cách thống nhất. Theo một số chuyên gia tư pháp, nếu mỗi công dân từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, phát triển và chết đều được quản lý, cập nhật thông tin cá nhân thường xuyên thì công tác quản lý con người, quản lý xã hội sẽ đảm bảo tính hệ thống, tránh được những bất cập.

Mới đây, Sở Tư pháp TPHCM đã kiến nghị cùng với việc ban hành Luật Hộ tịch phải tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia (song song với hệ thống dữ liệu hộ tịch được lưu giữ thủ công bằng các sổ bộ). Vấn đề cấp mã số cá nhân riêng biệt cho tất cả công dân từ khi sinh ra để sử dụng thống nhất trong việc quản lý cư trú (CMND), quản lý xuất nhập cảnh (hộ chiếu), quản lý thuế (mã số thuế)… là giải pháp đột phá và cấp thiết.

Tuy nhiên, góp ý cho dự án Luật Hộ tịch gần đây nhiều ý kiến còn băn khoăn: Liệu mã số cá nhân có thể thay thế CMND, mã số thuế…? Làm thế nào “giải mã” ý tưởng đột phá này và cơ quan nào sẽ quản lý mã số này?... Theo nhiều ý kiến, để thực hiện Chính phủ cần có đề án thí điểm xây dựng dữ liệu công dân ở các thành phố lớn hoặc địa phương có điều kiện thực hiện, rút kinh nghiệm sau đó có bước chuyển tiếp để kết nối, triển khai đại trà…

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.