Quản lý tài sản Nhà nước tại các tập đoàn còn nhiều bất cập

30/09/2010 09:50 GMT+7

(TNO) Thông tin trên được nêu trong báo cáo của Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 30.9.

Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2010, có 20 bộ, ngành và 7 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư mua mới 112 xe ô tô, tổng giá trị 26,7 tỉ đồng. Trong đó có 19 xe phục vụ công tác chung với giá trị 9,6 tỉ đồng và 93 xe chuyên dùng với giá trị 17,1 tỉ đồng.

Ông Ninh khẳng định: “Việc mua sắm xe ô tô thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ”. Bộ Tài chính đã thống nhất với các bộ, ngành xử lý 20 chiếc ô tô của các dự án kết thúc, trong đó điều chuyển 14 chiếc cho các bộ, ngành, địa phương tiếp tục sử dụng và bán đấu giá nộp ngân sách Nhà nước 6 chiếc.

Trong báo cáo, Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà thuộc sở hữu Nhà nước đã dần đi vào nề nếp, việc sử dụng sai mục đích, lãng phí từng bước được chấn chỉnh, khắc phục. Bộ Tài chính đã phối hợp với các địa phương tiến hành thu hồi do sử dụng không hiệu quả hơn 1 triệu m2 đất và hơn 356.000m2 nhà.

Về quản lý đất đai, tài nguyên, ông Ninh cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại một số địa phương, qua đó phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm 21.746 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi 904 ha.

“Những sai phạm trong đất đai chủ yếu là quản lý chưa chặt chẽ, quy hoạch sử dụng đất còn dàn trải, chưa phù hợp; giao đất, cho thuê đất sai đối tượng, vượt hạn mức, không đúng thẩm quyền…”, ông Ninh nói thêm.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù chịu ảnh hưởng của hậu quả suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận; tiếp tục bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước kinh doanh thua lỗ, tình hình tài chính không lành mạnh.

“Các cơ chế, chính sách quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế bộc lộ nhiều bất cập. Việc thực hiện chức năng quản lý và giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp có nơi, có lúc bị buông lỏng, vi phạm nghiêm trọng các quy định Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản Nhà nước…, điển hình là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam”, báo cáo chỉ rõ.

Để tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, Chính phủ cho biết đã tập trung chỉ đạo tăng cường thực hiện chức năng giám sát của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước; phát hiện xử lý và cảnh báo về việc chấp hành chính sách pháp luật về tài chính và khả năng mất cân đối tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư vốn của các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước giữ quyền chi phối, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản.

Trong ngày hôm nay, Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về nội dung báo cáo này cùng báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.