Chiều 30.7, phiên tòa sơ thẩm xét xử Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, và các đồng phạm về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tiếp tục phần xét hỏi.
Trong đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị xét xử về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, và sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức. Các bị cáo Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn, Bùi Văn Tiệp (đại tá, Sư đoàn trưởng 367 Quân chủng Phòng không - Không quân) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Riêng bị cáo Phùng Danh Thắm, Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, bị xét xử về tội Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Mạo nhận xăng dầu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự T.Ư, cuối năm 2012, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực chất là thuê đất của Lữ đoàn 434, Quân đoàn 4, để cho Công ty TNHH Vận tải Thuỷ bộ Hải Hà thuê lại kinh doanh xăng dầu.
Cùng lúc, Hệ thành lập chi nhánh Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P ở Bình Dương và bổ nhiệm Trần Xuân Sơn (người của Công ty Hải Hà) làm giám đốc. Chi nhánh này chỉ là danh nghĩa đứng tên Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P, thực chất là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp Công ty Hải Hà, mà không liên quan tới nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng. Sau khi được cơ quan chức năng cấp phép, Công ty Hải Hà đầu tư cơ sở vật chất, mở cửa hàng xăng dầu Thái Sơn.
Tháng 6.2014, qua kiểm tra cửa hàng xăng dầu Thái Sơn, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương phát hiện hơn 20.000 lít xăng không đạt tiêu chuẩn chất lượng nên cho niêm phong cột bơm và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu giải trình.
Sau khi được báo cáo, Đinh Ngọc Hệ đã liên hệ với ông Lê Thanh Cung, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, để nhờ giúp đỡ; đồng thời, chỉ đạo Trần Văn Lâm làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng gửi tỉnh Bình Dương, đề nghị không xử phạt vi phạm trên với số tiền phạt 1,4 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Hệ cũng liên lạc với đại tá Bùi Văn Tiệp, Sư đoàn trưởng 367, Quân chủng Phòng không - Không quân, nhờ giúp đỡ, nhận số xăng trên là của Sư đoàn 367 gửi, thông qua hợp đồng giả để trốn tránh việc xử phạt 1,4 tỉ đồng do kinh doanh xăng kém chất lượng.
Do có hợp đồng gửi xăng dầu giả do ông Tiệp ký, cùng bút phê của ông Lê Thanh Cung đề nghị Sở Công thương tỉnh Bình Dương giúp đỡ, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tin tưởng đây là xăng dầu đơn vị quân đội gửi nên không truy xuất đến cùng, không xử phạt hành chính đối với số xăng kém chất lượng nêu trên.
Chi cục quản lý thị trường hướng dẫn làm giả hợp đồng?
Khai tại tòa, bị cáo Trần Văn Lâm, nguyên Tổng giám đốc điều hành Công cổ phần phát triển đầu tư Bộ Q.P, khẳng định việc bị cáo Hệ và Lâm làm hợp đồng gửi xăng giả mang đến cho Bùi Văn Tiệp ký là do cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh gợi ý và hướng dẫn tại cuộc làm việc với Lâm và Trần Xuân Sơn, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Bộ Q.P chi nhánh Bình Dương, về hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng tại cây xăng Thái Sơn.
Bị cáo Bùi Văn Tiệp cũng khẳng định lời khai của Lâm là đúng thực tế và cho biết, khi mang hợp đồng gửi xăng dầu giả do Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo soạn và giao Trần Văn Lâm mang tới, Lâm cũng cho biết là cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương hướng dẫn làm hợp đồng này.
Bên cạnh đó, bị cáo Tiệp khai trước khi ký hợp đồng giả cũng đắn đo, song trước đó, Đinh Ngọc Hệ có gọi điện nhờ giúp đỡ và nói rằng, đây là xăng dầu của quân đội do để lâu kém chất lượng chứ không phải xăng dầu nhập lậu.
"Tôi làm trong quân đội hơn 40 năm, cũng gặp nhiều tình trạng này. Đồng thời, do Hệ là người của Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, 2 công ty có quen biết nhau nên tôi muốn giúp đỡ để doanh nghiệp của quân đội không bị phạt mang tiếng", bị cáo Tiệp khai tại tòa.
Tuy nhiên, tại tòa, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương khẳng định, không có bất cứ ai trong đơn vị này gợi ý hay hướng dẫn ông Lâm và ông Sơn làm giả hồ sơ gửi xăng dầu của quân đội.
Trả lời câu hỏi của các luật sư về lý do tại sao Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương không xử phạt Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P chi nhánh Bình Dương theo quy định của pháp luật, vị này nhiều lần khẳng định, do trước nay luôn tin tưởng vào doanh nghiệp quân đội nên đã ưu ái, không truy xuất nguồn gốc, cũng như không phạt số tiền hơn 1,4 tỉ đồng vi phạm đối với Công ty cổ phần phát triển đầu tư Bộ Q.P.
Bình luận (0)