Tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 19.10 tại Hà Nội. Trong tọa đàm, các đại biểu đã nêu lên thực trạng về hai sản phẩm thuốc lá mới là thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng… hiện chưa được phép nhập khẩu nhưng đã hiện diện nhiều năm qua qua con đường nhập lậu hoặc xách tay, được mua, bán dễ dàng và đang được sử dụng phổ biến trong xã hội, cộng đồng. Điều này mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe của người dùng khi không được tiếp cận các sản phẩm chính danh, có nguồn gốc, chất lượng được thẩm định rõ ràng, từ đó tạo gánh nặng cho ngành y tế và toàn xã hội nói chung.
Cần tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường
Đánh giá về thực trạng mua bán và sử dụng thuốc lá mới, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam xác nhận, thuốc lá mới chưa có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, 100% đều là hàng nhập lậu.
Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh, các sản phẩm thuốc lá mới hiện nay đang bị tội phạm buôn lậu lợi dụng và đang nhắm vào giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên với nhiều kiểu dáng bắt mắt. Trong khi đó, xét về khoa học và góc nhìn toàn cầu, thuốc lá mới là sản phẩm công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị hiếu người hút thuốc trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đây là xu thế khó tránh khỏi.
Hệ lụy của vấn đề này, theo ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp, tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, đó là Nhà nước thất thu thuế và người hút thuốc khi sử dụng sản phẩm không được quản lý về chất lượng dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng giải thích rõ sự khác nhau giữa các loại thuốc lá mới mà báo chí, xã hội và kể cả các cơ quan quản lý cũng đang bị nhầm lẫn hiện nay. Điều này tạo sự hiểu nhầm rằng mọi loại thuốc lá mới đều giống nhau, vì cùng sử dụng thiết bị điện tử. Các đại biểu cho rằng người làm luật trước hết cần hiểu rõ sản phẩm, nêu rõ tên gọi đâu là thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Do vậy, ông Cao Trọng Quý nhắc lại thuốc lá làm nóng là sản phẩm có nguyên liệu thuốc lá trong khi thuốc lá điện tử chỉ có chứa dung dịch. Hai sản phẩm này là hoàn toàn khác biệt. Theo đó, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định thuốc lá làm nóng là thuốc lá, theo định nghĩa của luật PCTHTL.
Đánh giá về đề xuất cấm thuốc lá mới để bảo vệ thế hệ trẻ, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra phân tích: Hướng tiếp cận cấm sản phẩm chỉ đang đi vào khía cạnh sức khỏe cộng đồng, trong khi thuốc lá là vấn đề liên quan đến mọi mặt xã hội, quy luật cung cầu của hàng hóa, sự phát triển kinh tế thị trường và cả hệ thống pháp luật hiện hành. Mặt khác, ông cũng nêu rõ vai trò và nhiệm vụ của các cơ quan ban ngành và phạm vi bao hàm của luật. Cụ thể, luật PCTHTL đã có quy định rõ vùng ảnh hưởng, phạm vi, đối tượng bị cấm tiếp xúc với mọi loại thuốc lá (giới trẻ, những người chưa đủ 18 tuổi), cũng như đã giải thích rõ định nghĩa về sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Cần có giải pháp đồng bộ thay vì cực đoan ngăn cấm
Từ lịch sử những năm 1998 - 1999 khi cả hệ thống chính trị vào cuộc trong cuộc chiến chống lại tác hại của thuốc lá điếu và sau đó là ban hành luật PCTLTH (2012), ông Kiên nhấn mạnh cần giải pháp đồng bộ như trước đây đã thực thi với thuốc lá điếu. "Phải hài hòa lợi ích Nhà nước, lợi ích cộng đồng dân cư - thế hệ trẻ, lợi ích của doanh nghiệp", ông Kiên nói.
Ông Kiên cũng chia sẻ góc nhìn, thuốc lá mới không chỉ là một mặt hàng mà là lĩnh vực rất rộng, vì liên quan nhiều bộ ngành quản lý như Bộ Tư pháp ban hành luật, Bộ Công thương đưa ra các quy định kinh doanh, nhập khẩu, Bộ Tài chính ban hành chính sách thuế và sau cùng là Bộ Y tế với vai trò phòng chống tác hại. Ngoài ra còn các bộ khác cùng tham gia như Bộ Khoa học - Công nghệ sẽ đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm.
Đại diện Bộ Công thương, ông Cao Trọng Quý nhắc lại tính phổ biến của các sản phẩm thuốc lá mới và hành lang pháp lý tại các quốc gia này. Ông Quý cho biết đã có 184/195 quốc gia đã ban hành quy định quản lý thuốc lá làm nóng, 111/195 ban hành quy định quản lý thuốc lá điện tử, trong đó có Mỹ, Anh, 28 nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khối ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines… Cơ chế quản lý 2 sản phẩm này còn khác nhau giữa các nước, nhưng điểm chung là phần lớn đều áp dụng quy định theo luật kiểm soát thuốc lá của quốc gia.
Cùng nói về xu thế và tính toàn cầu của sản phẩm, ông Vũ Công Thảo, chuyên viên cấp cao Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ cho biết: Nếu trên thế giới đã có 185 quốc gia quản lý thuốc lá mới, Việt Nam không thể đứng ngoài bối cảnh quốc tế. Đồng thời, việc kiến nghị nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm này thuộc phạm vi của Bộ Công thương.
Được biết Bộ Công thương đã có 2 lần trình Chính phủ nghị định về quản lý thuốc lá mới, song hiện vẫn chưa thống nhất được với Bộ Y tế. Hiện Bộ Công thương đang xây dựng chính sách quản lý theo hướng tiệm cận gần nhất với Bộ Y tế để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý cũng như thông lệ quốc tế.
Khép lại vấn đề, ông Lê Đại Hải kiến nghị, cần đề xuất với Quốc hội - cơ quan lập pháp về việc đưa định nghĩa về thuốc lá mới vào luật PCTHTL. Sau đó, giao Chính phủ sửa đổi ngay Nghị định 67 để nhanh chóng có câu trả lời cho vấn đề thuốc lá mới.
Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Các bên toàn cầu về kiểm soát thuốc lá lần thứ 10 (COP10). Năm nay, COP10 sẽ tiếp tục bàn luận về chính sách kiểm soát thuốc lá mới của các quốc gia. Các đại biểu cũng lưu ý, việc thống nhất tiếng nói chung của các bộ ngành có vai trò quan trọng để xây dựng quan điểm quốc gia trước thềm COP10 là rất cần thiết.
Bình luận (0)