Tiến trình tìm kiếm cơ chế quản lý phù hợp cho thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN) và thuốc lá điện tử (TLĐT) đã đạt được một số tín hiệu khả quan. Cụ thể, tháng 10 vừa qua, Bộ Công thương đã làm việc trực tiếp với Bộ Y tế nhằm thống nhất dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67/2013 (tạm gọi là “dự thảo Nghị định 67 sửa đổi”) về kinh doanh thuốc lá để hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý TLTHM trước khi trình Chính phủ phê duyệt, ban hành.
Đại diện Bộ Công thương, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết: “Dự kiến trong tháng 12, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67. Đây sẽ là căn cứ để việc quản lý Nhà nước về kinh doanh thuốc lá được thuận tiện và hiệu quả hơn”. Một khi dự thảo được thông qua, việc quản lý TLTHM có thể được thực thi ngay.
Ông Ngô Khải Hoàn cho biết hiện đang chờ ý kiến chính thức của Bộ Y tế để hoàn thiện khung pháp lý quản lý TLTHM |
Đã có thể quản lý ngay bằng hệ thống pháp luật hiện hành?
Trong khuôn khổ hội thảo trên, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp một lần nữa nhắc lại định nghĩa thuốc lá theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) 2012. Ông Hải cho rằng, luật đã quy định thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Theo định nghĩa này, TLLN chính là thuốc lá, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định danh, nên đã có thể đưa vào quản lý bằng các văn bản luật hiện hành.
Theo Luật đầu tư 2020, kinh doanh thuốc lá là ngành kinh doanh có điều kiện. Chiếu theo luật, có thể thấy yêu cầu quản lý TLTHM của Bộ Công thương là phù hợp về mặt quản lý Nhà nước cũng như thỏa đáng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dùng.
Cũng xét theo Luật đầu tư, TLTHM không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm. Hơn nữa, Nghị định 69/2018 quy định, thuốc lá thuộc danh mục mặt hàng nhập khẩu theo giấy phép, thỏa điều kiện của Bộ Công Thương và Bộ Y tế.
Đánh giá về quy định này, ông Đoàn Ngọc Toàn - Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Chống buôn lậu Hàng giả và Bảo vệ Quyền sở hữu Trí tuệ, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính khẳng định: “TLĐT, TLTHM dù gì cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Vì vậy chúng ta nên tạo ra một hành lang pháp lý làm sao cho thống nhất, đồng bộ, để các cơ quan thực thi pháp luật như chúng tôi có căn cứ để thực thi nhiệm vụ”.
Chia sẻ khó khăn của công tác quản lý thị trường, ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước chưa cho phép nhập khẩu TLTHM nhưng trong thị trường nội địa, TLĐT, TLLN, shisha… vẫn xuất hiện phổ biến, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận.
Trước đề xuất rằng nên cấm toàn bộ TLTHM, ông Dương nêu quan điểm: “Cách tiếp cận này là hơi “khiên cưỡng”, dường như vẫn “quản không được thì cấm”. Trong bối cảnh hiện nay, cách tiếp cận này là khó. Vì vậy chúng ta phải có cách tiếp cận cởi mở hơn, phải tìm được cách quản lý TLTHM, có khung pháp luật phù hợp để điều chỉnh, đảm bảo TLTHM phát triển theo đúng hướng chúng ta mong muốn”.
Quản lý như thế nào là hợp lý?
Trong hội thảo, các đại biểu đề nghị cần sớm thống nhất các ý kiến khác biệt để trình Chính phủ phương án quản lý TLTHM, vì đến nay đã quá muộn. Cụ thể, theo ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, từ năm 2017, thông qua Nghị định 106/2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2013 về sản xuất, quản lý kinh doanh thuốc lá. Cho đến nay, dự thảo Nghị định sửa đổi vẫn chưa được hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành.
Theo ông Lê Đại Hải, một khi TLLN đã được định danh là thuốc lá, chịu sự quản lý theo Luật đầu tư 2020, Luật PCTHTL cùng với Nghị định 67 sửa đổi, thì đã có thể được đưa vào quản lý ngay mà không cần thí điểm.
Ông Lê Đại Hải đánh giá, có thể đưa ngay thuốc lá làm nóng vào Nghị định 67 sửa đổi để quản lý ngay mà không cần thí điểm |
“Thí điểm chỉ dành cho những gì mà luật chưa có, sau một thời gian thí điểm thì tổng kết, đánh giá rằng việc thí điểm này là tốt, từ đó mới xây dựng thành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu đã thấy luật có rồi thì xem như hoàn thành thí điểm” - ông Lê Đại Hải nhìn nhận.
Cụ thể, theo dự thảo Nghị định 67 sửa đổi, Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn về quản lý kinh doanh TLTHM, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý những máy móc, thiết bị sản xuất sản phẩm thuốc lá không có nguồn gốc hợp pháp; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng quy định quản lý đối với TLTHM, trình Chính phủ phê duyệt.
Hải Toàn
Bình luận (0)