Đáng nói, tỷ lệ chính quyền “không đối thoại”, “không dự tòa” tăng đều qua các năm, năm sau tăng hơn năm trước. Tỷ lệ này của năm 2017 là 33,27%, cao gần gấp 3 lần so với năm 2015 (12%). Có những địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, tỷ lệ này thậm chí là 100%.
tin liên quan
'Tôi còn làm bí thư thì tôi chưa chấp hành bản án này'Những con số nêu trên trong báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật của chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND), UBND các cấp trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính gợi ra nhiều vấn đề về kỷ luật, kỷ cương của nền hành chính nước ta, nhất là khi lý do vắng mặt được UBND các địa phương nêu ra đều là “bận công tác”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, bà Lê Thị Nga đã nêu một câu hỏi đầy nhức nhối: Tại sao khởi công, động thổ, hội nghị các vị đi được mà việc tham gia đối thoại về những quyết định có tác động tới người dân của chính các vị thì các vị lại không tham gia được?
Đành rằng, chủ tịch, phó chủ tịch các UBND không thể liên tục ra tòa, nhưng việc trong suốt 3 năm, lãnh đạo chính quyền nhiều tỉnh, thành phố không xuất hiện trong bất cứ cuộc đối thoại hay phiên tòa nào dù điều này đã được quy định rõ trong luật thì chỉ có thể lý giải bằng ý thức chấp hành luật pháp rất kém của những người đứng đầu chính quyền địa phương. Thậm chí có thể nói đây là thái độ coi thường, bất chấp pháp luật của chính các cơ quan hành pháp.
Tòa án hành chính là một thiết chế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, là công cụ để kiểm soát hoạt động của bộ máy hành chính. Nó làm thay đổi một thói quen cố hữu trong nhận thức: Chỉ có nhà nước phán xử hành vi của công dân, còn những quyết định, hành vi của cơ quan nhà nước thì không ai phán xử.
Do vậy, sự gia tăng của những vụ kiện hành chính trong thời gian qua là minh chứng cho thấy, người dân đang ngày càng ý thức rõ ràng hơn về quyền được khởi kiện những quyết định, hành vi hành chính của chính quyền ra tòa nếu nó làm thiệt hại đến lợi ích của mình. Thế nhưng, việc các quan chức chính quyền địa phương “từ chối” việc đối thoại, việc tham gia tố tụng cho thấy, nhận thức của những quan chức này chưa theo kịp người dân.
Chỉ khi nào những lãnh đạo các UBND sẵn sàng tham dự các phiên tòa hành chính theo giấy triệu tập của tòa án như một đương sự để đối thoại, tranh tụng với người dân một cách bình đẳng thì chúng ta mới có thể hoàn thiện nền hành chính quốc gia vốn nặng cấp phát, ban ơn.
Đối thoại với dân ở những phiên tòa hành chính, đó không phải là một sự “xúc phạm” hay “tổn thương”, đó chính là cơ sở để xây dựng một nền hành chính hiện đại, cơ sở để chính quyền trở nên vững mạnh hơn.
Bình luận (0)