Quan ngại về tàu lặn Giao Long

19/07/2011 23:01 GMT+7

Báo giới Nhật Bản vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc triển khai tàu lặn Giao Long xuống đáy Thái Bình Dương.

Theo tờ China Daily, ngày 17.7, Giao Long, tàu lặn đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo, đã đến địa điểm định trước ở Thái Bình Dương, tiến hành lặn xuống độ sâu 5.000m. Nếu thành công, tàu này sẽ tiếp tục lặn thử ở độ sâu 7.000m vào năm 2012. Truyền thông Trung Quốc không nói rõ vị trí lặn của tàu nhưng theo Tân Hoa xã trước đây thì khu vực thăm dò lần này là ở biển Đông.

Các hoạt động của tàu Giao Long làm dấy lên không ít quan ngại trong bối cảnh Trung Quốc đang có các hành động gây căng thẳng trong khu vực.

 
Tàu Giao Long trong một lần lặn thử nghiệm - Ảnh: CRI

Không đơn thuần nghiên cứu

Công khai căn cứ máy bay J-10

Theo Yonhap ngày 19.7, trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin đi thăm một cơ sở đồn trú của máy bay chiến đấu Thành Đô J-10. Tại căn cứ ở Thường Châu, tỉnh Giang Tô, ông Kim đã được quan sát J-10 cất cánh và hạ cánh. Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói với người đồng nhiệm rằng trước đây Trung Quốc chưa bao giờ công khai với nước ngoài về các căn cứ của máy bay J-10.

Nhận xét với giới phóng viên, Bộ trưởng Kim mô tả J-10 khá giống máy bay tác chiến F-16 của Mỹ. Theo trang tin AIN Online, Trung Quốc vừa ký hợp đồng thứ năm với Công ty Rosoboronexport của Nga mua thêm 123 động cơ cho máy bay J-10 trị giá 500 triệu USD và hàng sẽ được giao xong vào năm 2013.

Minh Trí

Chính quyền Trung Quốc xác nhận một trong những mục đích chính của tàu Giao Long là tìm vị trí tốt nhất để thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú dưới đáy đại dương. Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng là “cơn khát” tài nguyên đang cồn cào ở nước này, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng nguyên, nhiên liệu.

Tờ Japan Times (Nhật) dẫn lời một số nhà phân tích cảnh báo Trung Quốc có mục đích chiếm nguồn tài nguyên ở vùng biển nước này tự nhận là của mình và cả vùng biển quốc tế. Ông Kim Kiện Tài - Tổng thư ký Hội Nghiên cứu và khai thác tài nguyên khoáng sản đại dương (COMRA) từng xác nhận một trong những nhiệm vụ của Giao Long là tìm kiếm và chuẩn bị dữ liệu để hội này trình lên Cơ quan đáy biển quốc tế (ISA). Từ đây đến ngày 22.7, ISA sẽ xem xét đơn xin thăm dò khoáng sản biển ở vùng đáy đại dương quốc tế của Trung Quốc. Giao Long có trách nhiệm chụp ảnh, quay phim và thăm dò điều kiện địa hình, địa chất dưới đáy biển cho COMRA.

Đáng lo ngại hơn cả là có thể tàu Giao Long sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự và tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc. Japan Times dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng tàu Giao Long có thể giúp vẽ chính xác bản đồ dưới đáy biển, tăng cường năng lực hoạt động cho tàu ngầm của quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, nó còn có thể được dùng trong việc thâm nhập vào cáp thông tin ngầm của các nước khác để chặn các bí mật ngoại giao và thương mại.

Chưa hết, Bắc Kinh bị cho là tăng cường sử dụng kỹ thuật tiên tiến dưới biển sâu để nhằm tăng tác động trong các cuộc tranh chấp chủ quyền ở Thái Bình Dương, nhất là ở biển Đông. Điều này đã được minh chứng rõ nhất qua hành động cắm quốc kỳ Trung Quốc dưới đáy biển Đông trong một lần lặn của tàu Giao Long vào năm 2010.

Chân dung Giao Long

Giao Long là tàu lặn có người lái do Cục Hàng hải Trung Quốc bắt đầu chế tạo từ năm 2002 và hoàn thành sau 6 năm theo Kế hoạch phát triển nghiên cứu kỹ thuật cao quốc gia. Tàu dài 8,2m, rộng 3m, cao 3,4m, nặng 22 tấn, có thể chở nặng được 220 kg (chưa bao gồm trọng lượng của thủy thủ đoàn 3 người), thời gian lặn tối đa 12 tiếng, có lớp vỏ bọc bằng titanium. Giao Long được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống thông tin liên lạc dưới nước sâu, hệ thống kiểm soát... Về lý thuyết, tàu có thể lặn ở độ sâu nhất là 7.000m và đã thực hiện 17 lần lặn trong tháng 5 và tháng 6.2010. Giao Long từng lặn thành công ở độ sâu 3.000m tại biển Đông vào ngày 26.8.2010.

Hiện tàu Shinkai (Nhật) đứng đầu danh sách những tàu lặn sâu nhất trên thế giới, với độ sâu được chứng thực là 6.500m. Những nước khác có tàu lặn sâu hơn 3.500m là Mỹ, Pháp và Nga.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.