Cách đây mươi ngày, tôi được bạn rủ đi uống sữa tươi, ăn bánh ngọt "sang mà không chảnh". Nghe lời giới thiệu có vẻ thú vị, tôi đồng ý ngay.
Xe chúng tôi vừa thắng cái "kít" thì chị chủ quán cũng kéo cửa cái "rầm". Trước sự ngơ ngác, xen lẫn hụt hẫng của chúng tôi, chị tặc lưỡi, nói: "Tạm nghỉ em ơi, phải tìm chỗ khác, hoặc bán kiểu khác. Chứ chú Hải dẹp vỉa hè ghê quá, mình không bán thì nghèo mà bán thì phạm luật chết".
Người Sài Gòn xếp hàng chờ uống sữa tươi - Thực hiện: Lưu Trân
|
Đứa bạn tôi nghe xong tiu nghỉu, nó phán: "Đúng là khách tính không bằng chủ quán tính mà"....
tin liên quan
Có gì lạ ở 'xóm' yaourt muối khiến người người mê mệtBạn không cần phải đắn đo suy nghĩ xem nên chọn quán nào trong 23 quán ở “xóm” yaourt muối này... Bởi, từ món ăn cho đến hương vị, giá cả và thậm chí là cách thức bán hàng của tất cả các quán đều giống hệt nhau.
Chị chủ quán lần trước nhìn tôi một lúc lâu rồi nháy mắt: “A, khách quen mà chưa uống sữa đây lần nào. Qua bên kia gửi xe đi em”, vừa dứt lời chị đã quay vào trong, múc sữa, cắt bánh phục vụ các “thượng đế”.
|
Gửi xe xong, tôi được “phát” kèm chiếc ghế nhựa nhỏ, cùng với lời dặn dò: “Ngồi sát vào nha em, gì thì gì chứ không được phạm luật”. Cái dáng vẻ lúc nào cũng bận rộn và biểu cảm trên gương mặt chị khi nói câu đó làm tôi không nhịn được cười.
|
Tôi hỏi chơi “Sao phải ngồi nép sát?”, chị liền phân trần: “Hồi xưa là khách ngồi tràn ra luôn, nhưng giờ chính quyền làm sạch vỉa hè mà. Mình phải tuân thủ theo chứ, tui tính bán cho khách mua đem đi thôi, mà người ta thích ngồi lại, bởi vậy phải ngồi sát thiệt sát vô trong”.
|
Chị tên Dương (36 tuổi), là người Sài Gòn gốc. Chị kể, người ở đây buổi sáng thường “khoái ăn cơm tấm sườn”, riêng chị thì “không thích ăn cơm, chị thích buổi sáng ăn cái gì nhè nhẹ, uống cũng nhè nhẹ”… Vậy là chị quyết định bán sữa bò tươi.
|
“Quán mở cũng mười mấy năm rồi. Lúc đầu bán chơi thôi, đâu có nghĩ là đông khách rồi bán riết tới giờ luôn. Sữa bò tươi là sáng sớm 3,4 giờ phải chạy lên Hóc Môn lấy đem về đây. Mình nấu sôi lại, cho thêm đường, sữa đặc nữa rồi mới bán cho khách”, chị cho biết.
|
Cũng theo lời chị, ngày trước quán chỉ bán độc một món sữa tươi thôi, sau này mới bán thêm sữa đậu nành, yaourt và cả bánh bông lan nho. Ngoại trừ sữa bò tươi lấy chỗ khác thì tất cả những món còn lại đều do hai chị em chủ quán tự làm.
|
“Một nóng với cái bông nho dài nữa nha chị”, giọng nói to và hơi chua của một vị khách ngồi cách tôi hai chiếc ghế đột ngột vang lên. Như sợ là tôi sẽ không hiểu, chị liền giải thích: “Ông này khách quen, sáng nào cũng uống một sữa đá, một sữa nóng với ăn cái bánh bông lan nho loại dài”, nói đoạn, chị quay đi làm ngay.
|
Vừa lúc đó, một ông cụ bán vé số bị cụt tay cũng ghé mua sữa. Chị Dương đi một mạch vô trong, lúc sau chị đem ra bịch sữa tươi có cắm thêm ống hút và một gói bánh nhỏ, đưa cho ông trước rồi mới bắt đầu lấy sữa và bánh cho “ông khách quen”.
|
|
“Ở đây vậy đó, người ta xếp hàng dọc để mua, xếp hàng ngang để ngồi lại uống sữa… Ai tới trước bán trước, ai tới sau bán sau, trừ trường hợp đặc biệt là người già với người khuyết tật thì bà chủ ưu tiên trước nhất”, ông Tâm (tên của “ông khách quen”) vui vẻ cho biết.
|
|
Thanh Tùng (SV năm 3, ĐH KHXH và NV TP.HCM) lại lựa chọn quán bởi lý do: “Chị chủ quán ở đây dễ thương lắm, em tới đây uống sữa từ hồi năm nhất đến giờ. Trước thích ngồi đâu ngồi, giờ thì mua đi hoặc ngồi sát thành hàng ngang phía trong, nhìn hơi “khổ” nhưng mà tụi em vẫn thích. Cầm 50.000 đồng tới đây uống được năm ly sữa cho năm người, chứ 100.000 đồng vô quán cà phê thì chưa chắc đủ cho hai người”.
tin liên quan
Xì xụp bún chả cá Nha Trang 20 năm tuổi ở chợ Xóm MớiCó lịch sử hơn 20 năm nên dù bán ở góc nhỏ giữa hàng hà sa số những tiệm ăn xung quanh thì người dân địa phương vẫn tìm tới đây để thưởng thức món bún cá danh tiếng.
|
Tôi cũng chọn một góc ngay sát quán, dưới bóng râm của dãy cây cổ thụ, gọi cho mình một ly sữa tươi và cái bánh ngọt rồi từ từ nhấm nháp vị béo ngậy của sữa, cắn thêm miếng bánh tơi xốp, thơm nức mùi bơ… Trong phút chốc, tôi thấy mình thật thanh tao, sáng Sài Gòn cũng bình yên đến lạ.
Bình luận (0)