“Thiên đường”, 4 năm sau thảm họa sóng thần

28/12/2008 11:39 GMT+7

Đúng 4 năm sau thảm họa sóng thần, chúng tôi có dịp trở lại Phuket - hòn đảo được mệnh danh là thiên đường du lịch của Thái Lan - một trong những nơi bị sóng thần tàn phá nặng nề nhất

Ngày 26-12-2004 đã ghi dấu một trong những thảm họa tang thương nhất ở Thái Lan và nhiều nước khu vực Đông Nam Á. Đó là ngày xảy ra trận sóng thần khủng khiếp cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Bốn năm sau sóng thần, Phuket- thiên đường du lịch với những bãi biển đẹp mê hồn gần như đã không còn dấu tích nào của thảm họa. Nhưng ký ức về thảm họa ấy vẫn không thể phai mờ trong lòng người dân Phuket.

Khi “thiên đường” biến thành “địa ngục”

Trận động đất có cường độ lên tới 9,2 độ Richter dưới đáy biển Ấn Độ Dương vào sáng sớm 26-12-2004 đã làm cho nhân loại khi ấy giật mình trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Nó đã gây ra những chấn động từ Indonesia cho tới Somalia và những cơn sóng thần khủng khiếp chưa từng có. Khi sóng thần quét qua những bờ biển sầm uất ở phía Tây Phuket nó biến thiên đường này trở thành... địa ngục. Những bãi biển đẹp mê hồn lúc nào cũng đông nghịt khách du lịch như Surin, Kamala, Patong, Karon, Kata hay Rawai... chỉ còn lại những đống đổ nát hoang tàn và những xác người chết nằm vạ vật.

Người VN ở Phuket được phù hộ...

Cộng đồng người Việt ở Phuket không nhiều nhưng so với một tỉnh đảo nhỏ như Phuket thì vẫn được biết đến như một cộng đồng có tiếng tăm. Cô Nguyễn Thị Phòng- một người Việt đã ở Phuket gần 30 năm- cho biết: “Người Việt đang sống và làm việc ở Phuket đều là dân di cư từ những tỉnh phía Bắc Thái Lan xuống. Có một ít thanh niên VN mới sang đây làm ăn”. Khi đợt sóng thần đầu tiên ập đến Phuket, nó đã đánh đến sát khu vực tập trung đông người Việt nhất ở Phuket.

Ngay lập tức, vài chục hộ gia đình người Việt ở đây đã chạy về phía ngọn đồi sau lưng, bởi theo linh cảm của những người lớn tuổi thì chuyện chẳng lành sắp đến. Đúng như dự đoán, đợt sóng thần thứ hai khủng khiếp hơn ngay sau đó đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người đi bắt cá và xem bãi biển bị tàn phá ra sao sau đợt sóng đầu tiên. Không một người Việt nào ở Phuket bị thiệt mạng trong những đợt sóng thần ấy và họ đều bảo rằng: “Tổ tiên phù hộ nên người Việt ở Phuket vẫn còn phúc lớn”.

Đã có khoảng 2.000 người dân và khách du lịch bỏ mạng tại những bãi biển của thiên đường này. Con số thực tế có thể còn lớn hơn thế nhưng sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, người ta cũng chỉ tìm được khoảng 900 thi thể bị sóng biển đánh dạt vào bờ, còn lại hơn 1.100 người khác thì đã bị sóng thần cuốn vào lòng đại dương. “Tất cả những nhà hàng, khách sạn, cửa hiệu nằm sát bờ biển- những thứ tạo nên sự hào nhoáng cho thiên đường ở Phuket đều đã bị phá hủy hoàn toàn. Những ngọn sóng cao vài chục mét đã khiến mọi thứ trở lên hỗn loạn. Những tảng bê tông lớn bị phá hủy, những chiếc ô tô bị hất tung lên rồi nằm chắn ngang mặt đường, thậm chí vắt vẻo trên cột điện... Những làng chài bị xóa sổ hoàn toàn, những du thuyền sang trọng cũng bị nhấn chìm. Mọi thông tin liên lạc từ điện thoại di động lẫn cố định đều bị phá hủy. Sân bay Phuket thì hoãn vô thời hạn tất cả các chuyến bay”. Đó mới chỉ là những gì được miêu tả trên báo chí Phuket trong những ngày sau sóng thần mà chúng tôi đã tìm lại để hiểu rõ hơn về thảm họa này. Còn nỗi sợ hãi thực tế, những nỗi đau mà người dân Phuket đã phải chịu đựng xem ra còn kinh khủng hơn nhiều.

Sống sót sau sóng thần

“Khi sóng thần xảy ra, chúng tôi có cảm giác một tai họa khủng khiếp vừa giáng xuống đầu mình. Nhưng lúc đầu tất cả đều chưa đủ tỉnh táo để biết nó dữ dội đến đâu, thế nên con số thương vong lại càng lớn hơn vì đợt sóng thần thứ hai khủng khiếp hơn nhiều lần ập đến khi có rất nhiều người tụ tập trên bãi biển”- chị Nomint, một người may mắn sống sót sau thảm họa 4 năm trước, nhớ lại. Nomint mất chồng sau thảm họa kinh hoàng ấy. Bây giờ, chị mở một tiệm sách nho nhỏ bày bán những món quà lưu niệm và hình ảnh về trận sóng thần 4 năm trước. Trong mắt người phụ nữ này ký ức buồn vẫn chưa thể nguôi ngoai. Nhưng dù sao thì cuộc sống vẫn tiếp diễn và người phụ nữ ấy nói với chúng tôi rằng chị cảm thấy mình may mắn sống sót sau thảm họa và còn làm ăn được trên mảnh đất này. Chị được đồng cảm và chia sẻ bởi hằng năm cứ vào dịp này lại có rất nhiều người thân của những nạn nhân sóng thần từ khắp nơi trên thế giới tìm đến với chị. Họ đến để nhìn lại người thân của mình đã ra đi trong một thảm họa khủng khiếp đến thế nào. Khi Nomint chỉ cho tôi những góc phố từng bị tàn phá, tôi thấy chị vẫn rơm rớm nước mắt. Dù đã gắng gượng để sống qua thảm họa nhưng đôi khi ký ức buồn vẫn cứ ùa về trong chị.

Cảnh vật không có nhiều thay đổi, vẫn là con đường ấy, thậm chí chủ nhân của những cửa hàng bị tàn phá vẫn giữ nguyên cách trang trí cũ. Thiên đường đã và đang tìm lại sức sống mãnh liệt dù nỗi đau cũng chưa hẳn là đã một sớm một chiều xóa nhòa được trong ký ức người dân nơi đây. Những nhân chứng sống sót sau thảm họa kể lại trận sóng thần như thể nó mới xảy ra ngày hôm qua. Anh Jim, một người Anh làm ăn ở Patong, cho biết: “Những cột sóng cao ập vào những con đường chính ở Patong. Cửa hàng và mọi tài sản trong gia đình tôi cũng bị cuốn ra biển. May mà tôi và vợ còn sống sót, bởi hôm đó chúng tôi vào trong thành phố mua sắm”. Còn Paul Conner- người ít may mắn hơn- thì gần như đã mất tất cả sau trận sóng thần.

Người đàn ông có một phòng triển lãm và bán tranh ngay bên bờ biển ở Patong kể lại: “Cơn sóng đã cuốn đi tất cả đồ đạc và trang thiết bị của tôi. Tôi nhìn thấy ít nhất là 3 xác người nằm trước mắt mình khi tỉnh dậy sau khi bị sóng đánh bất tỉnh hất tung lên nóc nhà. Vợ tôi cũng vĩnh viễn ra đi vào lòng biển khơi”. Cơn sóng thần ấy đã cướp sạch 18 năm lao động của vợ chồng anh, nhưng sau thảm họa ấy một mình anh vẫn gượng dậy để làm lại từ đầu. Ở các bãi biển khắp Phuket cũng thế, nhiều công trình được xây mới đang khiến người ta quên dần những ngày tháng thiên đường bị biến thành địa ngục. Nhưng với những người được sống ở thiên đường trong những ngày tăm tối ấy, họ hiểu giá trị của sự sống và trân trọng hơn những gì mình đang có.

 
Chị Nomint bán hàng lưu niệm bên bãi biển. Chị mất chồng sau thảm họa sóng thần

Để thiên đường bớt mong manh

Bốn năm trôi qua- một độ lùi vừa đủ để người ta nhìn nhận lại thảm họa - thì Phuket vẫn là một thiên đường tuyệt vời vẫy gọi du khách bốn phương. Những ngả đường dẫn đến các bãi biển đẹp nhất ở đây 4 năm trước bị tàn phá nặng nề thì nay đã lấy lại vẻ đẹp vốn có bởi hàng loạt công trình hiện đại, các resort, khách sạn, nhà hàng vẫn mọc lên san sát.

Nhưng đó chỉ là bề nổi của một thành phố du lịch nhộn nhịp, còn phía sau bãi biển rất nhiều cơ quan vẫn đã và đang làm tất cả những công việc có thể để thiên đường bớt mong manh. Tôi có may mắn khi được ghé thăm đại bản doanh của những người làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển Phuket và biết được rằng các anh đều là những người đã xung phong ở lại Phuket. Những người tiền nhiệm của các anh đều đã vĩnh viễn ra đi sau trận sóng thần 4 năm trước, người thì không thể chịu nổi sự giày vò của ký ức kinh hoàng nên cũng đã xin nghỉ và thế là các anh đã đến đây. “Đội của chúng tôi có gần chục anh em, phụ trách khu vực Patong này. Khi chúng tôi về đây tiếp quản văn phòng thì được biết tất cả những người làm nhiệm vụ này trước mình đều đã bỏ mạng khi đợt sóng thần thứ hai ập đến, nhưng không phải vì thế mà anh em lo sợ. Tất cả vẫn tình nguyện, xung phong ở lại khi nhiệm vụ cứu hộ đã xong”. Anh Manit Maneevong- đội trưởng đội cứu hộ biển hoàng gia khu vực Patong - không trực tiếp có mặt khi sóng thần xảy ra nhưng anh đã làm việc ở Patong được 4 năm sau khi anh được điều động từ Bangkok về đây làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn nói. Những trạm cứu hộ biển đặt dọc các bãi biển Phuket là những chiếc “phao cứu sinh” của khách du lịch và người dân khi có bão tố, sóng thần ập đến.

Sau thảm họa tàn khốc ấy, người ta đã nghĩ nhiều hơn đến chuyện phải giáo dục cả về mặt nhận thức cũng như kinh nghiệm để con người sẵn sàng đối mặt với tình trạng khẩn cấp. UNEP - Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc- cũng đã đưa về Phuket những khóa huấn luyện để mọi người có thể tự bảo vệ mình khi có sóng thần. Hiện chương trình này được chuyển giao cho Trung tâm Patong Municipality ở Phuket. Chị Jutarat Puttarak - một điều phối viên của chương trình - cho biết: “Hậu sóng thần có rất nhiều vấn đề về môi trường, biển và cuộc sống cần giải quyết, bây giờ chúng tôi cùng các tổ chức quốc tế vẫn đang chung tay để đưa cuộc sống ở Phuket trở lại bình thường như trước khi có sóng thần”. Vẫn còn hàng ngàn dân thường bị mất nhà cửa và mất cả kế sinh nhai khi sóng thần ập đến, bây giờ họ trở thành những người bán rong những mặt hàng lưu niệm dọc bãi biển. Thắc mắc của tôi xung quanh chuyện ở những bãi biển đẹp và hào nhoáng quanh Phuket nhưng có rất nhiều người bán rong và đa phần trông họ đều nghèo và khắc khổ đến đây cũng đã được giải đáp. Những con người ấy muốn vươn lên từ chính nơi đã muốn giết chết họ...  

Theo Mạnh Duy / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.