Quảng Bình quyết tháo điểm “nghẽn” phát triển

20/06/2017 06:50 GMT+7

Ngày 3.3.2016, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Quy định số 01-QĐ/TU về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tạo ra sự ủng hộ, đồng thuận cao trong nhân dân và doanh nghiệp.

Lãnh đạo ký cam kết trách nhiệm
Thực tế địa phương có tình trạng một bộ phận cán bộ làm việc yếu về năng lực, trách nhiệm, nhũng nhiễu, phiền hà, làm chậm trễ giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tôi ví đây giống như một “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển của tỉnh.
Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình
Theo quy định 01-QĐ/TU (viết tắt là Quy định 01), đối tượng được áp dụng thực hiện gồm các cán bộ trong Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên BTV, Tỉnh ủy viên và cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý (bao gồm cả cán bộ do BTV Tỉnh ủy ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy quản lý). Đối với trường hợp cán bộ không thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý (trưởng phòng, phó trưởng phòng hoặc tương đương...), nếu phát hiện có vi phạm thì người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải liên đới chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy. Hằng năm, thông qua việc kiểm điểm, đánh giá cán bộ đảng viên, nếu phát hiện người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu có vi phạm thì xem xét để xử lý trách nhiệm. Một trong những điểm đáng lưu ý là các cơ quan đơn vị sẽ tiến hành bỏ phiếu kín để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; báo cáo BTV Tỉnh ủy miễn nhiệm, điều chuyển hoặc phân công công tác khác đối với cán bộ có 1/3 số phiếu trở lên đánh giá ở mức hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ... Để cụ thể hóa quy định, BTV Tỉnh ủy đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó, đáng chú ý là cho tiến hành ký cam kết đến 402 người đứng đầu và cấp phó của cơ quan, địa phương, đơn vị thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý. Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, nói: “Thực tế địa phương có tình trạng một bộ phận cán bộ làm việc yếu về năng lực, trách nhiệm, nhũng nhiễu, phiền hà, làm chậm trễ giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tôi ví đây giống như một “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển của tỉnh”. Trước đó, nhiều nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy là kiên quyết thay thế những cán bộ yếu kém năng lực và trách nhiệm nhưng thực tế không làm được vì không có tiêu chí cụ thể. Ông Quang nhận định: “Quy định 01 thực sự là điểm nhấn trong công tác cán bộ mà trong nhiệm kỳ này chúng tôi cần phải làm. Tôi đã đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy, phải mạnh dạn tham mưu, báo cáo với BTV Tỉnh ủy và được đồng tình rất cao, nhất là Ban Tổ chức T.Ư”. Đến nay, đã có một số tỉnh, thành đến Quảng Bình để tìm hiểu nghiên cứu, như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Sơn La, Hà Giang, Hải Dương... “Quy định 01 này phù hợp với Nghị quyết T.Ư 4. Từ đó, chúng tôi siết chặt kỷ cương, xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4”, ông Quang tâm sự thêm.
“Vũ khí” lợi hại
Có thể nói, từ khi có Quy định 01, tinh thần và không khí làm việc tại Quảng Bình chuyển biến tích cực rõ rệt. Tình trạng cậy quyền, nhũng nhiễu gây khó đã giảm đáng kể. “Những ngày đầu khi Quy định 01 ra đời, 1 trưởng phòng tổng hợp ở Sở KH-ĐT bị nhiều doanh nghiệp phản ứng về cách làm việc, làm chậm trễ công việc, gây khó khăn nên chúng tôi đã chỉ đạo lãnh đạo sở phải chuyển đổi công việc của cán bộ này. Nếu lãnh đạo sở không chuyển được, thì Thường trực Tỉnh ủy sẽ “chuyển” lãnh đạo sở”, ông Hoàng Đăng Quang nói. Ông Quang còn cho hay, ông nhận được nhiều đơn thư tố cáo của người dân, như vụ tố cáo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Châu (H.Quảng Trạch) Nguyễn Minh Tuấn có nhiều sai phạm. Ban thường vụ Huyện ủy Quảng Trạch tiếp nhận ý kiến chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra ngay; khi có đầy đủ chứng cứ kết luận sai phạm đã cách chức ông Nguyễn Minh Tuấn. Vụ việc được nhân dân xã Quảng Châu rất phấn khởi. Hoặc như vụ việc ở xã Hoàn Trạch (H.Bố Trạch) có nhiều đơn thư liên quan đến vấn đề đất đai. Sau khi ông Quang chỉ đạo, chủ tịch UBND xã và 1 cán bộ địa chính xã bị kỷ luật; đã khởi tố đối với cán bộ địa chính đó. Theo Quy định 01, có 2 loại trách nhiệm là trách nhiệm bản thân và trách nhiệm tập thể. Thực tế sẽ tùy vào mức độ vụ việc, vi phạm để xử lý trách nhiệm liên đới người đứng đầu. Như trường hợp sai phạm trong điều chuyển giáo viên sai quy định của UBND H.Minh Hóa. Theo đó, đã áp dụng hình thức xử lý điểm điểm đối với cá nhân ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện. Trường hợp ông Phan Xuân Vinh, Phó ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình (phụ trách Khu kinh tế Hòn La) ứng xử nóng nảy, không phù hợp với nhà đầu tư đã bị Thường trực Tỉnh ủy quyết định chuyển sang mảng khác. Hoặc liên quan đến Chủ tịch UBND H.Quảng Trạch Phan Ngọc Duy, khi nhà đầu tư mới đến thì “phát” một công văn xin hỗ trợ kinh phí để trồng cây, cũng đã bị phê bình, phải kiểm điểm và nay ông Duy đã bị điều chuyển công tác. Theo ông Quang, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo, tập trung thực hiện theo Quy định 01; trên cơ sở đó, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số quy định để làm sao thực hiện dễ dàng hơn. Gắn việc thực hiện quy định này với Nghị quyết T.Ư 4 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; nói đi đôi với làm, giải quyết công việc nhanh nhạy, hiệu quả, không được làm phiền hà đến người dân và doanh nghiệp.
Cách làm Quảng Bình “đi vào thực chất, được người dân đồng tình ủng hộ” Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư, cho biết Ban Tổ chức T.Ư đã được nghe báo cáo về quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu của Quảng Bình. "Cần có thêm thời gian để đánh giá toàn diện mặt ưu và khuyết của quy định này, song bước đầu đồng chí Trưởng ban và các bộ phận nghiệp vụ xây dựng Đảng cho rằng đây là một cách làm sáng tạo, có tính chất đột phá và đang được Ban Tổ chức T.Ư xem xét, nghiên cứu để có thể khuyến nghị các địa phương khác thực hiện theo", ông Bình cho hay. Ông Nguyễn Thanh Bình cũng cho biết, trong bối cảnh cả nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 thì cách làm Quảng Bình là đi vào thực chất, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Thái Sơn
Hải Dương nghiên cứu mô hình của Quảng Bình Một lãnh đạo Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, trong năm 2016, đoàn công tác của tỉnh này đã vào Quảng Bình để học tập mô hình “quy trách nhiệm” người đứng đầu. Ngay sau đó, đầu tháng 12.2016, tại kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa 16, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã “truy trách nhiệm” của lãnh đạo các địa phương trong tỉnh về tình trạng các lò gạch thủ công vẫn hoạt động. Đến cuối tháng 11.2016, toàn tỉnh này vẫn còn 172 lò gạch thủ công đang hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, dù trước đó địa phương đã có chủ trương xóa lò gạch thủ công. Ông Nguyễn Mạnh Hiển đã “truy” từng lãnh đạo huyện, thị; yêu cầu quy trách nhiệm với người đứng đầu các huyện, thị không quyết liệt với việc xóa lò gạch thủ công trên địa bàn. (L.Q.P)
Qua 1 năm thực hiện, có 9 cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình quản lý bị xử lý. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 429 cán bộ, đảng viên; trong đó, có 98 trường hợp là người đứng đầu (khiển trách: 69, cảnh cáo: 10, cách chức: 8, khai trừ khỏi Đảng: 11). Các địa phương đã xử lý, chuyển đổi vị trí công tác 10 trường hợp.
T.Q.Nam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.