Ông Lê Phước Thanh - Phó chủ tịch UBND Quảng Nam, Trưởng ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 6.000 lao động trong lĩnh vực du lịch từ nay cho đến năm 2010. Bên cạnh đó, nền kinh tế công nghiệp của tỉnh còn cần lao động ở những ngành nghề khác như: cơ khí ô tô, sản xuất đồ gỗ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ... Thông tin này hướng học sinh (HS) đặt các câu hỏi liên quan đến các ngành học đào tạo những lĩnh vực trên. Một số trường đã nhanh chóng giới thiệu ngành nghề đào tạo về du lịch, cơ khí, hóa dầu...
Nét mới của chương trình Tư vấn mùa thi năm 2008 của Báo Thanh Niên tại khu vực miền Trung là ngoài sự có mặt của đại diện 40 trường ĐH, CĐ, TCCN trên cả nước, còn có một lực lượng hùng hậu là các doanh nghiệp, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp; khu du lịch; khu kinh tế mở; đại diện lãnh đạo địa phương tới dự và tư vấn cho học sinh. Vì thế, Ban tổ chức chương trình cũng đã đổi mới cách thức tư vấn sinh động hơn, nhiều thông tin hơn bằng việc trao đổi "tay ba" giữa các doanh nghiệp (thông tin nhu cầu tuyển dụng), nhà trường (thông tin tuyển sinh) và học sinh (lựa chọn ngành nghề). (Võ Ba) |
Một HS đến từ trường THPT Trần Cao Vân đặt câu hỏi: "Em thi vào trường ĐH, nhưng chọn sai ngành nghề mà mình quan tâm, yêu thích, vậy có thể thay đổi ngành nghề sau năm học thứ nhất không?". Câu hỏi được đại diện của trường ĐH Công nghệ Sài Gòn tư vấn: "Đối với chương trình học của trường, các em có thể thay đổi ngành học của mình vào năm nhất, thậm chí ngay cả sau khi hoàn tất năm 2".
Dịp này, Báo Thanh Niên đã trao 5 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (mỗi suất 1 triệu đồng) cho những HS có hoàn cảnh khó khăn. Các trường ĐH Văn Hiến, ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), CĐ Kỹ thuật Công nghệ Đồng Nai cũng trao 12 suất học bổng cho HS Quảng Nam.
Diệu Hiền
Bình luận (0)