Kỳ 1: “Chó chi cắn dê?”
Năm 1999, UBND huyện Hàm Thuận Nam có nhã ý cho phép tôi tham quan ngọn hải đăng Kê Gà có lịch sử 100 năm. Tôi cùng đi ới anh P.N. ở báo Bình Thuận.
Khi thấy ông chánh văn phòng UBND huyện đưa chúng tôi ra đến bãi biển Tân Thuận, anh đội trưởng phụ trách hải đăng bơi chiếc thúng chai vào đón. Tôi nhìn quanh bãi biển vắng, chỉ thấy một chiếc thuyền đánh cá lớn mang số hiệu QNa (Quảng Nam) đậu sát mé bờ. Trên thuyền có một ông già đầu bạc ngồi xem báo. Tôi biết đó là một thuyền đánh cá của dân Quảng Nam đang ghé Bình Thuận bán cá.
Cãi vì... bất bình
Ông chánh văn phòng hỏi anh đội trưởng: “Hôm nay anh em hải đăng mình có món gì đãi khách không?”. Anh đội trưởng nói: “Thưa anh, không có gì hết”. “Ủa, sao lạ vậy? Tôi nhớ hồi trước anh em mình nuôi nhiều dê lắm mà”. “Thưa anh, đàn dê nuôi trên hải đăng bị chó cắn chết hết rồi. Để em hỏi xem thuyền đánh cá này, không chừng có cá ngon mình mua nấu cháo”.
Tác phẩm Tam quốc chí của La Quán Trung kể chuyện Khổng Minh (Tây Thục) cãi nhau với quần nho nước Đông Ngô. Tác giả gọi đó là trận “thiệt chiến” (đánh nhau bằng lưỡi). Tôi có thể nói người Quảng Nam đánh... võ lưỡi rất giỏi. Họ đúng là những nhà “thiệt chiến”, không phải từ bây giờ mà đã từ trên 500 năm qua. Cãi là một cách thể hiện tính cách Quảng Nam của chính mình và tự chứng tỏ mình!
|
|||
Câu chuyện giữa hai người đến chỗ ấy thì bỗng dưng ông già đầu bạc ngồi trên thuyền phản ứng. Ông vất tờ báo và đôi mắt kính vào khoang, nói chen vào bằng ngữ thanh đặc sệt Quảng Nam với một ngữ khí rất gay gắt: “Chó chi cắn dê? Mấy ông bắt dê ăn thịt hết thì nói trớt cha là ăn thịt hết rồi, chớ đừng đổ thừa do chó cắn”. Câu nói của ông già làm anh đội trưởng hơi quê.
Anh nói: “Bác ơi, chuyện của tụi tui mà. Bác có cá gì ngon bán cho tui một con nấu cháo”. Ông già Quảng Nam vẫn gân guốc: “Mới đi biển về, cá ngon dư sức có. Đồng ý ông nói chó cắn chết dê là chuyện của ông nhưng tui nghe không thuận lỗ tai. Tui đã từng nuôi dê bầy, không có con chó mô cắn dê hết. Ông nói chó cắn dê là ông vu oan giá họa cho con chó, nói trật! Chừ có cá đó nhưng tui không muốn bán!”.
Anh đội trưởng thiếu điều muốn lạy ông già Quảng Nam, còn tôi thì khoái vì bỗng nhiên lại gặp đồng hương có... năng khiếu cãi như mình. Tôi bỏ giày, xăn quần lội ra mép nước, cũng nói bằng giọng Quảng Nam chánh cống: “Nề bác ơi, chớ bác ở huyện mô ngoài mình mà vô đây đánh cá?”.
Ông già nhìn tôi, ngữ khí đã dịu xuống: “Tui ở Điện Bàn. Còn ông?”. “Tui ở Duy Vinh, Duy Xuyên”. “Rứa hả? Ông ra đây làm chi?”. “Dạ, lên tham quan ngọn hải đăng”. Ông già cười: “Hóa ra ông là khách đó hỉ? Nề, ông đội trưởng, thôi ông lại đây tui bán cá cho”. Đội trưởng xăn quần lội xuống mép nước. Ông già gân còn ráng “vớt” thêm một câu: “Ông mà còn nói chuyện chó cắn dê thì dẫu mua 100 ký cá tui cũng không bán”.
Khi chúng tôi mua được con cá chét, ngồi lên thúng chai để ra hải đăng, ông già cười nói với tôi: “Đồng hương đi “tham quan tham vua” cho vui hỉ!”. “Dạ. Chúc bác khỏe hỉ!”. Ông chánh văn phòng ủy ban lắc đầu: “Đúng là gặp ông già Quảng Nam!”.
Cãi để... tồn tại
Ông già kia neo thuyền là để đợi người mua cá. Đáng lẽ ông bán cá càng nhiều càng tốt, nghĩa là phải dụ cho người ta mua, phải... thỏa hiệp với người mua. Với một ngư dân miền khác nghe câu chuyện đó họ có thể chỉ nhún vai cười ruồi. Nhưng ngày xui tháng rủi, anh đội trưởng nói một câu “nghe không thuận lỗ tai” trước một ông già gân Quảng Nam thứ thiệt nên bị “dính chấu”.
Người Quảng Nam thường thích đấu tranh bằng lý lẽ, mặc dù những nội dung đấu tranh ấy không liên quan gì đến họ. Họ muốn chân lý và sự công bằng được tôn trọng. Tôi nhớ đâu khoảng năm 1964 hay 1965 gì đó, một viên quận trưởng quận Duy Xuyên đã có hành vi cưỡng bức một thiếu nữ 16 tuổi. Vụ việc bị người dân biết được. Thế là người dân các xã tự động kéo đến quận đường Duy Xuyên đấu tranh. Đầu tiên họ cãi nhau với lính gác để vào được bên trong. Sau đó họ cãi nhau với viên quận trưởng. Và họ đã thi hành công lý một cách tự phát: cạo đầu viên quận trưởng để trừng phạt.
Đất Quảng, nơi mùa hè gió nam từ Trường Sơn thổi xuống mang theo cái nóng nung người, mùa đông gió mùa đông bắc lạnh đến cắt da cắt thịt. Đã thế năm nào cũng bị bão lụt tàn phá, con người Quảng Nam luôn phải đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn từ đời này qua đời khác. Đấu tranh đã trở thành thuộc tính của họ. Cãi là một hình thức thể hiện thuộc tính đấu tranh.
Từ xưa, tỉnh Quảng Nam được xem là tỉnh nghèo, đời sống kinh tế khó khăn. Cơ bản Quảng Nam năm nào cũng đói kém nên về đời sống kinh tế người Quảng Nam không thể giàu sang hơn ai. Không hơn người bằng kinh tế, người Quảng Nam chỉ còn biết phát triển trí tuệ. Dân Quảng Nam chuyên cần, học giỏi, say mê sách vở, ham hiểu biết. Cãi (hiểu theo nghĩa phản biện) là một phản ứng của con người trí tuệ. Khi người Quảng Nam cãi, họ vận dụng hết lý lẽ, câu chữ, thái độ. Họ phải cãi cho thắng cơ!
Đất Quảng Nam là đất của những lưu dân Thanh - Nghệ vào lập nghiệp từ thế kỷ 15, sau chuyến tuần du của vua Lê Thánh Tôn về phương Nam lập ra dinh trấn Quảng Nam. Những người bỏ quê nhà ra đi về phương Nam khẩn hoang là những người nghèo. Thời quân chủ, họ bị quan lại, địa chủ, cường hào bóc lột. Thực dân Pháp đã chọn Đà Nẵng của Quảng Nam làm nơi nổ súng đầu tiên, mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược năm 1858.
Đế quốc Mỹ cũng chọn Đà Nẵng của Quảng Nam làm nơi đổ quân đầu tiên thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược năm 1965. Người Quảng Nam luôn phải đi đầu trong chiến tranh, luôn chịu nhiều đau thương, áp bức, bóc lột. Chính vì vậy họ khao khát sự công bằng, yêu chân lý. Cãi là một hình thái đòi hỏi sự công bằng, hướng tới chân lý.
Sau cùng, người Quảng Nam là người cứng rắn, chịu chơi. Họ cứng rắn đến độ ngoan cố và chịu chơi đến mức có thể chung hết cuộc đời mình. Phong trào kháng thuế Trung kỳ xuất phát từ các nhân sĩ, trí thức Quảng Nam đối kháng với chế độ thực dân Pháp chứng tỏ sự cứng rắn, chịu chơi đó. Đối kháng với kẻ thù cũng là một cách cãi. Bởi người Quảng Nam luôn tự tin ở chính mình. Họ tin họ phải thắng, dù là... “thiệt chiến”.
Vũ Đức Sao Biển/ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)