(TNO) Tỉnh Quảng Nam chọn xây bãi đáp trực thăng ở vùng sâm Ngọc Linh để gia tăng tiện nghi cho nhà đầu tư, du khách và công tác cứu hộ cứu nạn khi lập đề án phát triển sâm quốc gia.
Đường lên vùng sâm Ngọc Linh rất trắc trở với phần lớn thời gian lội bộ - Ảnh: C.T.V
|
Hôm nay 23.4, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết chủ trương xây dựng bãi đáp trực thăng tại vùng sâm Ngọc Linh đã được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thống nhất triển khai.
Bãi đáp trực thăng chọn xây dựng tại thôn 2 xã Trà Linh với mục đích chính là cứu hộ cứu nạn và thúc đẩy đề án phát triển sâm quốc gia, trong đó có ý tưởng phát triển du lịch vùng sâm mà huyện miền núi cao Nam Trà My đang theo đuổi.
Ông Hồ Quang Bửu cho biết hiện Ban chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, khảo sát lập dự toán… theo đúng quy định, sử dụng nguồn kinh phí của Nhà nước, dự kiến công trình triển khai sau khoảng 2 tháng nữa.
Trong khi đó, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam trong Công văn số 87/BCH-TM cũng giao nhiệm vụ cho Ban chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My đảm trách quản lý theo quy định về quản lý công trình quốc phòng, đồng thời đưa vào danh mục kiểm kê công trình quốc phòng, đất quốc phòng hằng năm.
“Bãi đáp trực thăng sẽ giúp các nhà đầu tư vùng sâm Ngọc Linh và các đối tượng khác thêm tiện nghi mỗi khi tiếp cận địa bàn cách trở như Nam Trà My. Tất nhiên, công trình này sẽ phục vụ đắc lực cho công tác cứu hộ cứu nạn, còn phương tiện thì đã có các dịch vụ bay”, ông Bửu nói thêm.
Hiện tại, từ trung tâm huyện Nam Trà My muốn đến xã Trà Linh trên đỉnh Ngọc Linh giáp ranh với Kon Tum phải sử dụng phương tiện ô tô (khoảng 1 giờ xe), sau đó bộ thêm hơn 3 giờ nữa mới đến được vùng sâm Măng Lùng.
Trong số các nhà đầu tư hợp tác phát triển vùng sâm Ngọc Linh, gần đây nhất có đối tác từ Hàn Quốc.
Hôm 21.4, giữa chính quyền huyện Nam Trà My và chính quyền quận Hamyang (tỉnh Gyeongsang Nam, Hàn Quốc) đã ký kết bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị.
Theo đó, ngoài các nội dung hỗ trợ trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, văn hóa… còn có kế hoạch chia sẻ kinh nghiệm về quy trình trồng và trao đổi kỹ thuật chế biến sâm núi, sâm Ngọc Linh, nhân sâm.
Hồi cuối tháng 3.2015, huyện Nam Trà My tổ chức đoàn khảo sát 4 ngày ở đỉnh Ngọc Linh để tìm hiểu địa bàn, nghiên cứu phát triển vùng sâm và du lịch sinh thái.
Bình luận (0)