Quảng Ninh: Ngư dân Vân Đồn nguy cơ mất tiền tỉ vì hải sản ế ẩm

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
08/10/2021 09:18 GMT+7

Dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu thụ bị đứt gãy, hải sản Vân Đồn (Quảng Ninh) dù giảm giá kịch sàn nhưng vẫn ế ẩm, khiến ngư dân đứng trước nguy cơ mất trắng tiền tỉ.

Giảm giá vẫn ế

Những ngày này, đến các xã ven biển của H.Vân Đồn như Đông Xá, Hạ Long, thị trấn Cái Rồng, không còn nhận ra vựa hải sản lớn nhất Quảng Ninh trước đây vốn sôi động, tấp nập tàu thuyền, xe hàng tiểu thương bốn phương tới thu mua.

Trên vịnh Bái Tử Long, nhiều khu vực nuôi hải sản nay cũng không còn cảnh đánh bắt nhộn nhịp như trước, thay vào đó, chỉ còn một vài người trông coi. Thậm chí, nhiều bè còn vắng bóng người chăm sóc, nằm phơi nắng mưa giữa biển.

Hàng trăm tấn cá song Vân Đồn ế ẩm chưa thể xuất bán

Lã Nghĩa Hiếu

Ông Hoàng Văn Dương (50 tuổi, ở thị trấn Cái Rồng, H.Vân Đồn) cho biết, vụ hải sản năm nay nhà ông đang tồn 300 lồng với khoảng 200 tấn cá song. Hồi đầu năm, gia đình đã đầu tư giống, trang thiết bị, nhân công khoảng 20 tỉ đồng, trong đó hơn một nửa vay ngân hàng, nhưng đến kỳ thu hoạch, sản lượng mới chỉ đạt 1/3 dự tính.

“Trung bình mỗi con cá song trong các ô lồng khoảng 4 - 8 kg, nhưng số lượng xuất bán chỉ được gần 1 tạ/ngày. Những năm trước, dịp này vào ngày vắng cũng có tiểu thương đến mua hàng chục tạ, năm nay vừa không bán được cá, mỗi ngày gia đình tôi còn mất thêm vài triệu đồng chi phí thức ăn, người trông coi…”, ông Dương nói.

Tương tự, gia đình ông Phạm Xuân Chiến (45 tuổi, xã Đông Xá, H.Vân Đồn) cho biết, cá song không bán được vẫn phải tiếp tục nuôi khiến trọng lượng tăng, càng khó tiêu thụ vì giá thành đẩy lên cao. Mọi năm vào tháng 10 này, gần như đã có tiểu thương đặt mua cả tấn, hàng còn không đủ để bán.

“Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, chúng tôi bán giá buôn khoảng 180.000 - 200.000/kg tùy loại cá, nhưng năm nay, đến cuối tháng 9 dù giảm giá còn 150.000/kg mong hòa vốn, mà tiêu thụ vẫn ế ẩm, nhỏ giọt. Bán cắt lỗ thì gia đình không đủ tiền trả nợ nên đành để cá trong lồng và cầu trời”, ông Chiến thở dài.

Theo các hộ nuôi cá song, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người chuyển sang bán online, tuy nhiên hình thức này không mấy hiệu quả vì khách hàng muốn tận mắt thấy cá bơi, còn tươi nguyên.

Không riêng cá song, hàng nghìn tấn hàu sữa, ngao 2 cùi Vân Đồn cũng đang nằm dưới biển do chưa thể xuất bán.

Nuôi khoảng 2 ha hàu sữa được hơn năm nay, gia đình anh Trần Quang Huy (46 tuổi, xã Ngọc Vừng, H.Vân Đồn) cho biết, gia đình anh vay ngân hàng gần 2 tỉ đồng để mua giống, làm ô lồng nuôi được 3 vạn con, ước khoảng 50 tấn. Hàu đã lớn khỏe, béo ngậy được 2 tháng nay nhưng không có ai hỏi mua vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc vận chuyển tiêu thụ giữa các tỉnh khó khăn.

“Hằng ngày, gia đình tôi đành bán online với giá cắt lỗ còn khoảng 10.000/kg, nhưng lượng tiêu thụ chẳng là bao. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua mau, nếu không thì không biết xoay sở ra sao để trả nợ, thậm chí còn mất thêm chi phí vệ sinh môi trường nếu hàu chết hàng loạt”, anh Huy rầu rĩ cho hay.

Gần 11.000 tấn hải sản cần “giải cứu”

Theo UBND H.Vân Đồn, diện tích nuôi trồng hải sản của địa phương này khoảng 3.470 ha, trong đó có đến 4.850 ô nuôi cá lồng bè. Dự kiến tháng 10 này, trên 10.600 tấn thủy sản nuôi đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu không có các biện pháp tiêu thụ kịp thời thì nguy cơ tồn đọng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các hộ nuôi.

Ông Đào Vân Vũ, Phó chủ tịch UBND H.Vân Đồn, cho biết hải sản của địa phương này vốn được du khách rất ưa chuộng, tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh ngành du lịch, dịch đóng băng, các nhà hàng đóng cửa nhiều tháng qua khiến việc tiêu thụ gặp khó.

“Các thị trường truyền thống như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương chịu tác động của dịch Covid-19, kéo theo hải sản của Vân Đồn cũng bị thiệt hại. Chúng tôi muốn kích cầu thị trường thì các vùng này đang phải giãn cách, chưa được tổ chức các sự kiện đông người. Ngoài ra, chưa kể các yêu cầu khác liên quan đến phòng dịch tiêm vắc xin 2 mũi, xét nghiệm trong vòng 48 giờ… càng khiến việc tiêu thụ thêm khó khăn”, ông Vũ lý giải.

Để giải cứu hải sản đang tồn đọng, vừa qua H.Vân Đồn đã kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh hỗ trợ tiêu thụ được 50 - 60 tấn cá song loại 2 - 3kg/con, trên 10 tấn cá song loại to từ 5 kg trở lên. Tuy nhiên, đến nay loại cá trọng lượng vừa phải đã bán hết, chỉ còn trọng lượng lớn khó bán hơn, nên chưa có thêm đơn hàng mới.

Đại diện Sở Công thương Quảng Ninh cũng cho biết, đơn vị này đang phối hợp tổ chức các cuộc “giải cứu”, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong tỉnh chung tay thu mua hải sản Vân Đồn.

“Việc vận động hỗ trợ cũng chỉ có giới hạn, không thể vận động mãi được. Hàng hóa mà cần giải cứu sẽ bị ép giá, cuối cùng ngư dân thu về cũng chẳng được bao nhiêu. Nhưng tình cảnh hiện nay cũng không có phương án nào tối ưu hơn”, đại diện Sở Công thương nói, và cho biết thêm, các sản phẩm chế biến hải sản tại Vân Đồn chưa được nhiều cũng phần nào là nguyên nhân ảnh hưởng tới tiêu thụ.

Chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm 2021, nếu tỉnh Quảng Ninh không sớm vào cuộc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, e rằng ngư dân Vân Đồn lại đón thêm một cái tết buồn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.