Sự phát triển của kinh tế Quảng Trị trong vài năm gần đây, có thể chấm phá như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt trên dưới 7,5% (cao hơn mức trung bình của cả nước); dần thu hẹp được khoảng cách so với mức trung bình cả nước về GRDP/người; dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và năng lượng tái tạo; có nhiều chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi…
Hãy cùng nhìn vào các con số được Thanh Niên trình bày từ năm 2015 đến hết năm 2023 (nguồn: Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị).
Trung bình các năm tăng trưởng đều, ít nhất là hơn 3% so với năm sau, cao nhất là tăng 7,64% (năm 2019). Năm 2020 có sự chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng các năm sau đã trở lạnh mạnh mẽ, nhất là năm 2023.
Xu thế chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế Quảng Trị thấy rõ khi đóng góp của nông lâm ngư nghiệp thủy sản giảm dần theo từng năm trái với ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng dần sự đóng góp của mình.
Theo đồ họa có thể nhìn thấy sự thay đổi rất rõ rệt khi bình quân đầu người của tỉnh Quảng Trị năm 2015 chỉ đạt hơn 34 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2023 đã tăng hơn gấp đôi, đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm. Hầu hết các năm sau đều tăng cao hơn năm trước, mạnh mẽ nhất là các năm 2015, 2018, 2019, 2022, tăng đều trên 10% so với năm trước đó.
9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Trị ước tính chỉ tăng 5,17% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2023 như: tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 15.9 là 3.043 tỉ đồng (đạt trên 78% dự toán và bằng 122,3% cùng kỳ năm 2023); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 12,7%; du lịch tiếp tục phục hồi và có nhiều khởi sắc, doanh thu xã hội tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng đó là kết quả của những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh trong thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, bất lợi. Và đây cũng là động lực để cả hệ thống chính trị phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2024.
Quảng Trị vẫn còn rất nhiều thách thức do điểm xuất phát thấp hơn so với các tỉnh khác; cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu; lao động trình độ chưa cao… cộng với thời tiết khắc nghiệt. Đổi lại, địa phương này có vị trí địa lý thuận lợi, có tiềm năng phát triển lớn, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ưu đãi, có môi trường đầu tư ngày càng cải thiện…
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng "nút thắt giao thông" đang được Quảng Trị "mở khóa" với cảng hàng không Quảng Trị, kỳ vọng sẽ đem đến "làn gió mới". "Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị có ý nghĩa rất to lớn. Là rút ngắn thời gian di chuyển, thu hút thêm nhiều du khách đến với tỉnh, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa Quảng Trị với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Trị; tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao đời sống cho người dân", ông Hưng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm, sau chuyến thăm tỉnh Quảng Trị vào hồi tháng 10, đã có những chỉ đạo mạnh mẽ cho địa phương này. Theo Tổng Bí thư, Quảng Trị từ trước đến giờ xem xét như tỉnh nghèo nhưng thực tế Quảng Trị có hạ tầng giao thông rất thuận lợi với 4 tuyến đường bộ theo trục bắc nam (đường ven biển, QL1, đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh) và theo trục đông tây có QL9, đường 15D; Quảng Trị cũng đang xây dựng cảng nước sâu, cảng hàng không…
Cũng theo Tổng Bí thư, Quảng Trị có hạ tầng về năng lượng, sơ bộ mỗi năm cung cấp 10.000 MW điện sạch. "10.000 MW điện ít nhất thu được 10.000 tỉ đồng/năm. Không thể nói là nghèo được. Trong khi ở nước ta xảy ra tình trạng thiếu điện. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào nơi nào đủ điện thì họ sẽ đến bởi công nghệ mới nếu thiếu điện thì người ta không thể sản xuất", Tổng Bí thư nói.
Với những phân tích trên, Tổng Bí thư thúc giục tỉnh Quảng Trị phải phát huy cao độ tự chủ tự lực để không làm mất cơ hội phát triển và gợi mở với các nhà đầu tư ngắn gọn rằng: "Nếu tôi là nhà đầu tư, tôi sẽ đầu tư ở Quảng Trị".
Bình luận (0)