Sau các tác phẩm điện ảnh đình đám thì MV là mục tiêu "bị" làm parody nhái nhiều nhất hiện nay. Sản phẩm có độ dài vừa phải, không cần phải đầu tư quá nhiều và thời gian hoàn thành nhanh, không bị "nguội" so với xu hướng.
Nội dung hài hước, sáng tạo nên không ít clip parody vượt mặt bản gốc về lượt xem. Chẳng hạn như MV parody Em gái mưa của Huỳnh Lập, Anh không đòi quà phiên bản siêu nhân Gao... thu hút hàng triệu lượt xem. Lượt xem tăng thì đồng nghĩa với việc nhóm thực hiện có doanh thu từ YouTube hay các nhãn hàng quảng cáo. Nhận thấy parody "đào ra tiền" chứ không chỉ "vui là chính" nên bây giờ, các nhóm mạnh tay đầu tư cho clip parody lung linh, hoành tráng không kém bản gốc.
|
Với Quang Trung, dù chỉ là tên tuổi mới trong làng giải trí nhưng độ đầu tư cho parody của Top 4 Cười xuyên Việt không phải dạng vừa. Sau Bùa yêu, nam nghệ sĩ tung tiếp Mình yêu nhau từ kiếp nào, nhạc chủ đề của web drama Ai chết giơ tay.
Anh cho rằng dù "chuyên trị" parody nhưng các sản phẩm không phải là sự bốc đồng hay “chơi cho vui”, mà là dự án được Quang Trung tâm huyết, đặt mọi niềm tin vào nó. Anh cho biết nhiều người hỏi về việc thu lại được lợi nhuận thế nào khi đầu tư cho sản phẩm khá nhiều, nếu không muốn nói là chơi ngông, ném tiền qua cửa sổ. Bởi theo đại diện của Huỳnh Lập, MV parody Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể có chi phí đầu tư là 2,5 tỉ đồng, trong đó được nhãn hàng tài trợ một phần. Hiện tại, Huỳnh Lập vẫn chưa thu hồi được số vốn này. Đau hơn, không ít ý kiến nhận định các parody dù đầu tư tới đâu cũng không hề có tí giá trị nghệ thuật nào.
|
"Nói như vậy thì hơi phiến diện, tội nghiệp cho Trung cùng những nghệ sĩ khác lắm. Nghệ thuật rộng lớn, bao la vô cùng. Tư duy của mỗi người lại mỗi khác nên mình không thể dùng tư duy cá nhân của mình để đánh giá tư duy của người khác hay bó hẹp khả năng sáng tạo nghệ thuật của người khác. Mỗi loại hình nghệ thuật lại có những điểm rất riêng biệt mà không phải ai cũng có thể hiểu hết để nhận định một cách đúng đắn và có cơ sở. Để cho ra đời một sản phẩm thì nghệ sĩ nào cũng lao động và dồn nhiều tâm huyết cho sản phẩm của mình. Việc đánh giá một sản phẩm cũng là điều luôn tạo nên nhiều luồng dư luận khác nhau. Khi xem một sản phẩm, người hiểu được và đồng cảm được với sản phẩm đó sẽ thấy được giá trị nghệ thuật của nó. Còn đối với người chưa đồng cảm được thì không có nghĩa sản phẩm đó không có giá trị nghệ thuật", anh tâm sự.
Dù bỏ ra sồ tiền lớn, nhưng Quang Trung không nhất định sẽ phải lấy lại vốn. "Quả ngọt lớn nhất mà Quang Trung gặt hái được sau khi Bùa yêu parody ra mắt là tình yêu của khán giả dành cho và kinh nghiệm tích lũy được sau những khó khăn và bỡ ngỡ tự mình nếm trải. Trung chỉ nghĩ Trung có thể đi làm để dành dụm lại được số tiền ấy. Còn tình cảm của khán giả thì lại là thứ không thể mua được bằng tiền, dù cho có là rất nhiều tiền", anh nói thêm.
Bình luận (0)