Quay cuồng với vàng

Mai Phương
Mai Phương
12/03/2022 07:09 GMT+7

Giá vàng liên tục tăng lên đỉnh đã khiến nhiều người sốt ruột chạy mua, nhưng chỉ sau một đêm đã bị lỗ ngay vài triệu đồng. Dù vậy cơn “say” vàng hình như vẫn chưa dứt.

Mua vì lo giá còn tăng nữa?

Gần trưa hôm qua 11.3, tại cửa hàng vàng Mi Hồng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), vẫn có hơn chục khách hàng đang giao dịch. Đa số khách hàng mua nữ trang nhưng cũng có một vài người mua vàng nhẫn. Một khách hàng nam đang chọn mua một cặp kiềng cổ cùng chiếc lắc tay để chuẩn bị cho đám cưới chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra, thú thật: “Thấy vàng tăng liên tục mà sốt ruột, nay quyết định ra mua luôn vì lo lỡ vài hôm nữa lại tăng cao thì tiếc”. Người phụ nữ đứng kế bên lại thử chiếc lắc tay có hình hoa hồng bằng vàng 99,99 nặng gần 2 lượng với trị giá hơn 100 triệu đồng. Khi hỏi chị vì sao đi mua nữ trang khi vàng tăng giá, chị cho hay vàng 99,99 hay vàng nhẫn cũng có tăng giá nhưng không quá cao như vàng miếng nên mua vô cũng không quá lo. “Hơn nữa, ai cũng bảo vàng sẽ còn tiếp tục tăng nên mua coi như để dành tiền”, chị quả quyết.

Nhiều người vẫn có tâm lý mua vàng khi giá tăng

Khả Hòa

Trong khi đó, tại Trung tâm vàng bạc Bến Thành (Q.1, TP.HCM) lại khá vắng vẻ. Do các quầy giao dịch ở đây chủ yếu vàng nữ trang nên lượng khách những ngày qua cũng không tăng đột biến dù giá vàng lên cao. Còn tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, hôm qua lượng khách cũng không quá đông như những ngày trước. Có thể do giá vàng ít biến động khi duy trì mức bán ra 70 triệu đồng/lượng và mua vào 68,2 triệu đồng/lượng trong suốt ngày.

Chủ một tiệm vàng trên đường Nguyễn Thiện Thuật (Q.3, TP.HCM) chia sẻ các cửa hàng nhỏ chuyên mua bán nữ trang nên lượng khách giao dịch trong tuần này vẫn không thay đổi nhiều. Đa số là khách hàng quen. Riêng những người muốn đầu tư vàng miếng thì sẽ tập trung giao dịch tại cửa hàng SJC vì các cửa hàng nhỏ không bán sản phẩm này. Chính vì vậy khi giá vàng tăng thì lượng khách hàng tại cửa hàng SJC sẽ tăng nhiều, thậm chí có hiện tượng xếp hàng, trong khi những cửa hàng khác không có cảnh này.

Lướt sóng vàng lỡ “đu đỉnh”

Hôm qua, giá vàng miếng SJC giao dịch xoay quanh mức 70 triệu đồng/lượng trong khi giá mua vào là 68,2 triệu đồng/lượng. Nếu so với 3 ngày trước đó, mỗi lượng vàng đã “bốc hơi” hơn 4 triệu đồng. Nhưng với ai đã mua vào đúng đỉnh 74 triệu đồng/lượng thì hiện đã bị lỗ gần 6 triệu đồng mỗi lượng do chênh lệch giữa giá mua và bán gần 2 triệu đồng. Không ít người đã lỡ “đu đỉnh” với giá vàng trên 70 triệu đồng/lượng trong những ngày đầu tuần này. Bà Hà (Q.11, TP.HCM), một gia đình gốc Hoa nên có truyền thống “mê” vàng, mỗi năm bà hay mua vàng như một tài sản tích trữ. Từ đầu tháng 3 khi giá vàng liên tục tăng, bà cứ phân vân mãi. Nhưng đến sáng đầu tuần (ngày 7.3), giá vàng vượt 70 triệu đồng/lượng thì bà quyết định kêu con dâu chở ra tiệm vàng. Lần đầu bà “chốt” mua vào giá 70,5 triệu đồng/lượng. Chỉ sau 1 giờ thấy vàng vẫn tiếp tục lên, bà lại “chốt” thêm giá 72,3 triệu đồng/lượng. Chạy tới chạy lui và quay cuồng với giá vàng khiến hai mẹ con không kịp ăn trưa mà theo bà là “mệt nín thở”. Đến chiều 7.3, kim loại quý vẫn tăng lên trên 73 triệu đồng rồi sáng hôm sau lên thẳng 74 triệu đồng/lượng khiến bà rất vui vì cho rằng quyết định của mình là “sáng suốt, kịp thời”. Thế nhưng, niềm vui chưa kịp kéo dài thì vàng miếng SJC bắt đầu tuột dốc không phanh và có lúc rơi khỏi ngưỡng 70 triệu đồng/lượng. Thế nhưng bà Hà vẫn hy vọng giá vàng sẽ nhanh chóng tăng trở lại nên vẫn chưa bán cắt lỗ.

Nhà nước không nên bỏ rơi thị trường vàng khi mức chênh lệch quá lớn với thế giới hiện nay sẽ kích thích hoạt động buôn lậu gia tăng, gây áp lực lên tỷ giá ngoại tệ trong nước

TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Còn bà Kim (Q.Tân Phú, TP.HCM) thì lại tiếc rẻ vì không kịp bán vàng hôm giá tăng cao. Bà đã mua gần cả chục lượng vàng miếng khi ở đỉnh cao 62 triệu đồng/lượng từ tháng 8.2020 và bắt buộc phải “ôm” vàng dài hạn từ đó đến nay vì giá sụt giảm liên tục. “Hôm rồi thấy giá vàng bắt đầu tăng, từ hòa vốn đến có lời nên tôi mừng quá. Nhưng cũng nghe nhiều người bảo đợt này vàng tăng cao lắm nên ráng chờ thêm. Nếu tôi bán ra hôm vàng có giá trên 71 triệu đồng (chiều mua vào của công ty kinh doanh vàng) thì mỗi lượng cũng lời được gần cả chục triệu. Sau hơn 2 năm mua vàng, mức lời vậy so với gửi tiết kiệm cũng không cao lắm nhưng may là tôi không bán sớm sẽ bị lỗ. Rút kinh nghiệm hồi đó rồi nên giờ giá vàng tăng tôi cũng không dám mua nữa, sợ lắm”, bà Kim cho hay.

Trên thị trường, khi giá vàng tăng cao cũng là lúc tái diễn cảnh xếp hàng mua vào tại các cửa hàng kinh doanh vàng miếng. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, đây là tâm lý đám đông vẫn diễn ra trên thị trường tài chính như chứng khoán, vàng, tiền kỹ thuật số… Nhưng người có tâm lý này thì khả năng thua lỗ là rất lớn. Thực tế đã cho thấy trong tuần này, có lúc giá vàng SJC đã đi ngược giá thế giới. Vì vậy những người đã lỡ mua với giá trên 73 - 74 triệu đồng/lượng thì hiện nay chỉ “gồng” chờ đợi nếu không muốn bị lỗ ngay. Nhưng thời gian chờ để người mua vàng đỉnh cao “về bờ” hoặc có lãi chắc sẽ còn khá lâu.

Nhu cầu tích trữ vẫn gia tăng

Giá vàng thế giới vào lúc 17 giờ hôm qua 11.3 xoay quanh mức 1.900 USD/ounce, giảm nhẹ 5 USD so với đầu ngày. Quy đổi giá vàng thế giới tương đương hơn 55,2 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới gần 15 triệu đồng.

TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định quy mô của thị trường vàng trong nước đã gia tăng đáng kể, nghĩa là nhu cầu và vốn đầu tư đổ vào vàng tăng dần sau khoảng 10 năm qua. Một trong những ví dụ ông nêu ra là dựa trên báo cáo tài chính của công ty kinh doanh vàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2012 giá trị hàng tồn kho chỉ hơn 770 tỉ đồng thì cuối năm 2021 đã lên 8.652 tỉ đồng. Nếu loại trừ cả yếu tố tăng giá của vàng thì lượng hàng tồn kho này cũng đã lên rất nhiều. Điều này đã thúc đẩy sự gia tăng trong giá vàng trong nước, làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới liên tục gia tăng. Các công ty kinh doanh vàng luôn được hưởng lợi từ chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra. Chênh lệch này phản ánh những dự phòng rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các đơn vị này và thường được mở rộng trong các giai đoạn giá vàng thế giới biến động mạnh. Chẳng hạn khi giá vàng biến động thấp thì chỉ chênh nhau 600.000 - 700.000 đồng/lượng, nhưng khi thế giới biến động mạnh thì mức chênh lệch càng gia tăng, lên 1,6 - 1,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, giả sử một người mua vàng từ đầu tháng 7.2021 đến nay thì đã lãi trên 22%. “Giá vàng tăng giảm cao trong tuần này sẽ khiến người mua gặp rủi ro trong ngày, thua lỗ trong ngắn hạn. Nhưng khi những động lực bất ổn thúc đẩy giá vàng càng tăng thì nhu cầu mua tích trữ vẫn càng cao. Bởi thực tế theo tính toán nếu tính từ năm 2012 đến nay thì hoạt động đầu tư vàng đã lãi được 66%/10 năm và điều đó cũng đủ thu hút nhiều người tích lũy tài sản này. Chênh lệch giữa giá mua - bán hay chênh lệch với thế giới cũng đã tồn tại cả gần 10 năm nay nên người mua vàng có thể sẽ không còn quá lo ngại. Chỉ có rủi ro hiện nay là liệu kim loại quý thế giới có còn tiếp tục tăng nữa hay không? Nếu giá vàng sụt giảm thì nhu cầu tự động sẽ giảm theo. Nhà nước không nên bỏ rơi thị trường vàng khi mức chênh lệch quá lớn với thế giới hiện nay sẽ kích thích hoạt động buôn lậu gia tăng, gây áp lực lên tỷ giá ngoại tệ trong nước”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.

Trong ngắn hạn, giá vàng đang dịu lại sau khi chỉ tiến sát giá lịch sử đạt được vào tháng 8.2020 và khả năng đi ngang tích lũy là chính. Giả sử kim loại quý thế giới tăng trở lại thì cũng chưa chắc vàng miếng trong nước tăng theo hay chỉ đi ngang hoặc thậm chí sụt giảm thì đây chính là rủi ro thua lỗ cho người mua vàng ở mức cao khi phải gánh các mức chênh lệch quá lớn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.