(TNTS) Ngày 25.5 vừa qua, ba cơ quan Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Tổng Liên đoàn LĐVN và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cùng ngồi lại với nhau, bàn về một vấn đề khá tế nhị là nạn quấy rối tình dục. Sau đó, Bộ LĐ-TB-XH đã công bố văn bản Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc. Sau 40 năm, chuyện QRTD mới được đặt ra kể cũng là chậm nhưng có được một bộ quy tắc ứng xử như vậy còn hơn không.
|
Báo chí thường đưa chuyện QRTD qua hình ảnh một bạn gái mặc váy bó ngắn (jupe serrée) ngồi trên ghế văn phòng trước chiếc máy tính, phía sau có một bàn tay (chắc là của một người đàn ông) sờ vào mông. Bức ảnh hoàn toàn mang tính chất biểu trưng bởi khuôn mặt của hai người đều bị cắt cúp. Người ta không thấy được khuôn mặt cả hai người nên cũng không đoán được ở đây có sự thuận tình hay không. Tình dục là một vấn đề tế nhị, liên hệ đến nhân thân mỗi cá nhân, mang tính tự do cao ở chỗ thuận tình hay không thuận tình. Nó thực sự diễn ra khi hai cá nhân cùng muốn. Cho nên, khái niệm QRTD chỉ hình thành khi một cá nhân không muốn ai đó có hành vi tình dục diễn ra đối với mình.
Trong QRTD, có một hay nhiều chủ thể là người muốn QRTD và có thể có một hay nhiều khách thể bị QRTD. Khi nào khách thể bị QRTD tỏ ý khó chịu, không chấp nhận hành vi không mong muốn do chủ thể thực hiện thì khái niệm QRTD mới hình thành trọn vẹn đúng ngữ nghĩa của nó. Vậy cái “tội” chính của QRTD là chủ thể thực hiện một hành vi gợi ý tình dục, thậm chí là một hành vi cưỡng bức tình dục đối với một khách thể khi khách thể ấy hoàn toàn không mong muốn.
Nội hàm của chuyện QRTD thật sự phong phú. Về hành động, QRTD bao gồm những động tác sờ sẫm, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, buông bắt, đụng chạm lên một phần hay nhiều phần của đối tượng bị QRTD, không nhất thiết là những phần nhạy cảm. Về lời nói, QRTD bao gồm những lời nói có ngụ ý tán tỉnh về mặt tình dục, những câu mời gọi rủ rê đi chơi hay đi ăn, những chuyện cười, những câu nói lái mang tính tục tĩu, những nhận xét về trang phục, về cơ thể của người bị QRTD. Trong nội dung này, người nào ăn mặc theo khuynh hướng muốn phô bày những phần nhạy cảm trên cơ thể đã là có hành vi QRTD người khác rồi. Về biểu hiện, cái nhìn khiêu khích, cái nháy mắt, những động tác của ngón tay hay của môi nhằm ngụ ý về tình dục thì cũng bị xem là QRTD. QRTD còn là những hành vi tưởng như vô tình, trung tính như phơi bày một bức ảnh lõa thể, một hình ảnh kích dục cho người khác nhìn thấy, nhắn một tin hay gửi một thư điện tử có nội dung hướng người khác quan tâm đến hoạt động tình dục.
Trước nay, người ta vẫn tin rằng nam giới là chủ thể của nạn QRTD; nữ giới chỉ là nạn nhân. Thực tế, nam giới hay nữ giới đều có thể là chủ thể của QRTD, đồng thời đều có thể là khách thể (nạn nhân) của QRTD. Vấn đề ở đây là nam giới thường cậy yếu tố nam tính của mình, ít khi biết e thẹn nên thể hiện hành vi QRTD một cách phóng túng, nhất là qua lời nói, chuyện kể, hành động suồng sã ở những nơi đông người. Có nhiều người đàn ông ăn nói trước mặt đám đông rất bỗ bã, ngôn ngữ rất bất thường mà ta thường gọi là nói trây. Họ cứ nghĩ như vậy là tấu hài giúp vui cho đám đông. Thật sự, đó đơn thuần là QRTD đối với cả hai giới nam và nữ.
Quan điểm triết học của trường phái phân tâm học (Psychanalyse) Đức - Áo ở thế kỷ 20 cắt nghĩa nạn QRTD khá hay. Phân tâm học là một khoa học nghiên cứu về đời sống tâm lý của con người, thoát hẳn quỹ đạo của tâm lý học cổ điển. Phân tâm học xuất hiện đầu thế kỷ 20 với các công trình triết lý của Sigmund Freud, Erich Fromm, Karl Gustav Jung, Alfred Adler. Ông tổ của ngành này là Sigmund Freud - một bác sĩ và nhà nghiên cứu tâm lý học người Áo.
Ở giai đoạn trước đó, tâm lý học cổ điển của phương Tây nghiên cứu đời sống tâm lý con người mà vẫn né tránh hoặc chưa dám nói rõ về tình dục. Ở chừng mực nào đó, các nhà tâm lý học chưa đụng chạm đến những quan điểm tôn giáo của tư duy Tây phương. Tâm phân học thẳng thừng hơn, cho rằng tình dục là nền tảng chi phối và tác động đến mọi mặt của đời sống tâm lý cá nhân. Tác phẩm Tình dục (La Sexualité) của Sigmund Freud in tại Vienne đã “làm cho châu Âu bừng tỉnh giấc ngủ đạo đức giả”. Vậy phân tâm học đã làm thế nào để đánh thức châu Âu và tại sao, phân tâm học nhìn tình dục một cách hết sức triết lý?
Sigmund Freud đã viết nhiều công trình nghiên cứu phân tâm học như L’ Interprétation des rêves (Giải mã các giấc mơ), Les trois Essais sur la théorie de la sexualité (Ba cắt nghĩa về lý thuyết của tình dục), Totem et tabou (Vật tổ và điều cấm kỵ). Sigmund Freud và các môn đệ của ông ứng dụng những quan điểm lý thuyết của phân tâm học vào phạm vi thực hành trong bệnh viện để chữa trị những chứng tâm thần phân liệt. Từ đó, bộ môn bệnh lý học (Psychologie clinique) hình thành.
Theo quan điểm của phân tâm học, con người có một năng lực tình dục cơ bản và bất biến được gọi là năng lực Libido. Libido của cá nhân có từ lúc cá nhân mới ra đời, là một thùng chứa sản phẩm tình dục từ suy nghĩ đến hành động của cá nhân ấy. Libido là cái kho phát sinh vốn và thu về lợi nhuận. Chính Libido tạo cho cuộc sống cá nhân luôn luôn có sự thúc đẩy phải thỏa mãn sự đòi hỏi của khuynh hướng tình dục. Khi khuynh hướng tình dục được thỏa mãn, con người thăng hoa. Khi khuynh hướng tình dục bị ngăn trở, nó tạo ra sự dồn nén, sự ẩn ức về sinh lý khiến con người mất thăng bằng. Vậy QRTD theo quan điểm tâm phân học là hoạt động nhằm giải tỏa ẩn ức, dồn nén của những người mất thăng bằng, tạo cho cá nhân sự thỏa mãn, giải phóng cá nhân ra khỏi sự căng thẳng nhất thời. QRTD là một biện pháp thỏa mãn nhanh nhất và hữu hiệu nhất của năng lực Libido. Nó có ở người này và có thể không có ở người khác - những người thăng bằng về đời sống tình dục.
Ở đây, tôi chỉ giới thiệu một quan điểm cắt nghĩa nguồn gốc của QRTD mà không bàn đến quan điểm ấy đúng hay chưa đúng. Dẫu sao những biểu hiện của QRTD cũng khá gần gũi với cách cắt nghĩa của tâm phân học. QRTD khá phổ biến đến nỗi nó trở thành một hội chứng trong xã hội loài người, trong tất cả các đám đông kể cả nơi làm việc. Phân tâm học cho rằng hội chứng QRTD thường đi kèm với một khuynh hướng tâm lý tệ hại nhất - khuynh hướng bái vật dâm. Đó là khuynh hướng sùng bái một cách mù quáng tất cả những gì hữu hình và vô hình mà đối tượng gợi ra cho chủ thể. Thí dụ hoàng đế Napoleon thích mùi... mồ hôi của hoàng hậu Joséphine. Ông ra lệnh cho anh lính đi báo tin: “Hãy nói với nàng đừng tắm rửa, đợi ta về!”. Vở đại nhạc kịch Faust cũng có câu thoại rất... đáng kinh: “Hãy mang cho ta chiếc khăn quàng che ngực nàng/Và cả chiếc áo ngực của người ta yêu dấu!”.
Bộ LĐ-TB-XH ban hành Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc là điều cần thiết; giúp lập lại trật tự, kỷ cương của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhà máy, xí nghiệp. Thực tế là có nhiều nạn nhân bị nạn QRTD thường xuyên nhưng ít dám phản đối bởi họ sợ bị đuổi việc, bị cấp trên trù dập, bị đồng nghiệp chê cười, bị gia đình bỏ rơi. Họ là những con người đáng thương, bị co kéo giữa một bên là phẩm giá làm người và bên kia là nạn QRTD do một ai đó thực hiện. Bộ quy tắc ứng xử này giúp họ có một chỗ tựa để ít ra theo đó mà ứng xử. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở quy tắc ứng xử, nếu hiểu quy tắc ứng xử như là một phần mềm, mà phải luật hóa những quy định xử lý hành vi QRTD nơi làm việc, ít nhất là bằng một văn bản pháp quy dưới luật với mong ước nạn QRTD không còn diễn ra ở nơi làm việc, nơi công cộng.
Các nước phương Tây xem vấn đề tình dục rất thoáng nhưng cách ứng xử giải quyết nạn QRTD ở đám đông thì rất chặt chẽ. Tôi lấy thí dụ trong các trận đá bóng quốc tế, nhân viên bảo vệ (hoặc cảnh sát giữ an ninh trật tự) thường mang theo vài cái... mền. Món mền coi vậy mà rất được việc. Trận đấu diễn ra căng thẳng, một vài cá nhân bị kích thích, có thể cởi truồng chạy xuống sân bóng QRTD đám đông như chơi. Trong trường hợp đó, họ rượt bắt và lấy mền quấn chặt “diễn viên” bất đắc dĩ kia lại, đưa ra khỏi sân bóng và xử phạt hành chính. Hành vi QRTD ấy phạm vào tội công xúc tu sỉ - công khai xúc phạm vào cái đáng hổ thẹn của đám đông. Còn ở trên một hòn đảo nào đó có cộng đồng khỏa thân sinh sống, ai muốn đến đó sống trần truồng thì tùy ý!
Bình luận (0)