Quê hương bóng đá và đấu trường U.20

12/08/2011 13:31 GMT+7

(TNO) Anh lại dừng chân khi thua Nigeria 0-1 tại vòng 1/8 giải U.20 thế giới, nghĩa là không vào nổi vòng tứ kết.

U.20 Anh (áo trắng) bị Nigeria loại ngay từ vòng 1/8 giải U.20 thế giới - Ảnh: AFP

(TNO) Anh lại dừng chân khi thua Nigeria 0-1 tại vòng 1/8 giải U.20 thế giới, nghĩa là không vào nổi vòng tứ kết.

Kết quả ấy không có gì lạ, đối với một đội chẳng ghi được bàn nào suốt từ đầu giải (Anh đứng thứ 3 ở vòng bảng, sau 3 trận hòa 0-0 liên tiếp, và lọt vào vòng 1/8 nhờ vé vớt). Cũng không có gì lạ đối với nền bóng đá vốn chưa bao giờ xuất hiện ở trận chung kết giải U.20 thế giới (qua 18 lần giải).

Đấu trường U.20 được xem là đấu trường quan trọng nhất trong các giải trẻ, bởi đấy chính là lứa tuổi tiếp cận với bóng đá đỉnh cao. Các cầu thủ tỏa sáng ở giải U.20 thế giới sẽ lập tức được xem là ngôi sao của bóng đá thế giới chỉ trong vài năm sau đó. Hãy nhớ lại những nhà vô địch U.20 thế giới của Argentina, từ Diego Maradona đến Lionel Messi. Hoặc hãy nhớ lại cả một thế hệ vô địch U.20 thế giới của Bồ Đào Nha, gồm những Luis Figo, Paulo Sousa, Fernando Couto, Joao Pinto…

Vấn đề đặt ra: có thể xem quê hương bóng đá chỉ là một nền bóng đá tầm thường, khi nhìn lại toàn bộ 18 lần giải U.20 thế giới đã qua và thấy rằng nước Anh có thành tích quá khiêm nhường? Chưa bao giờ lọt vào chung kết nghĩa là đứng dưới cả Qatar, Mexico hoặc Nhật Bản. Chỉ có 1 lần được hạng 3 thì chẳng hơn gì Mali, Ai Cập. Lần ấy (năm 1993), Anh được hạng 3 nhờ chỉ phải quyết đấu với Úc trong trận cuối cùng. Và họ vượt qua vòng bảng vì đứng chung bảng với Mỹ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Bóng đá Anh thật sự tầm thường trên đấu trường U.20, với bằng chứng hiển nhiên là chưa bao giờ thấy một cầu thủ Anh tỏa sáng ở đấu trường này, càng không có chuyện một tuyển thủ U.20 của Anh nhanh chóng trở thành ngôi sao thế giới, như Maradona, Figo, Messi.

Nhưng, bóng đá Anh dĩ nhiên không thể là nền bóng đá tầm thường. Có một chi tiết không phải ai cũng lưu ý: đội Anh của HLV Brian Eastick tại giải U.20 thế giới năm nay coi như mất đến… 36 hảo thủ. Giờ chót, thêm 3 người nữa chấn thương. Đấy không bao giờ là một đội U.20 thật sự.

Không phải chỉ mỗi năm nay, mà là năm nào cũng vậy. Các CLB Anh không muốn để các ngôi sao trẻ khoác áo đội U.20 quốc gia. Liên đoàn bóng đá Anh cũng không thể ép các CLB, hoặc các cầu thủ. Tỏa sáng ở giải U.20 thế giới để làm gì? Người Anh không có câu trả lời.

Bóng đá Anh không cần “chào hàng”. Ngôi sao trẻ không cần tỏa sáng tại đấu trường U.20 để ký được hợp đồng lớn. Thế nên, họ không dự giải. Thế thôi!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.