Quê hương và người mẹ

25/12/2013 03:20 GMT+7

Trở lại quê hương Niêm Phò (xã Quảng Thọ, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhìn thấy những bức ảnh trưng bày trong gian nhà rường gỗ, mái tranh đơn sơ... lòng khách thăm lại dâng trào ngưỡng mộ.

>> Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Mẹ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (ở giữa choàng khăn) cùng vợ chồng Đại tướng (thứ 3 và 4, hàng thứ hai từ phải qua) và các con cháu - Ảnh: tư liệu gia đình Đại tướng cung cấp
Mẹ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (ở giữa choàng khăn) cùng vợ chồng Đại tướng (thứ 3 và 4,
hàng thứ hai từ phải qua) và các con cháu - Ảnh: tư liệu gia đình Đại tướng cung cấp

Ngôi nhà của cha mẹ Đại tướng (nay là Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, di tích lịch sử cấp quốc gia) tại Niêm Phò là một ngôi nhà rường gỗ đơn sơ nằm bên sông Bồ thơ mộng. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng vừa hoàn tất công tác tu bổ, chỉnh trang công trình nhà lưu niệm.

Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu (TP.Huế), Niêm Phò là một ngôi làng cổ của xứ Thuận Hóa được thành lập khá sớm vào năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông vào Nam xếp đặt hành chính. Niêm Phò có tên nôm là Kẻ Lừ, người dân nơi đây cần cù chịu khó, chí thú học hành và nổi tiếng với nghề dệt vải thô cùng những mẹo đánh bắt tôm cá dọc sông Bồ. Niêm Phò có rất nhiều người đỗ đạt theo đường khoa cử. Làng Niêm Phò cũng là quê hương của Tham tri Trần Thúc Nhẫn, người quyết tâm chống Pháp tới cùng.

“Mẹ nào con nấy”

Ngày 1.1.1914, tại ngay làng quê Niêm Phò, vợ chồng ông bà Nguyễn Hán - Trần Thị Thiện đã sinh hạ người con trai thứ 6 và đặt tên là Nguyễn Vịnh. Cũng theo tư liệu của nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, cụ Nguyễn Hán giỏi chữ Nho và lễ nghi truyền thống, mê thi phú và có chân trong hội Tư Văn của làng, lại từng nhiều năm giữ chức Hương bộ Niêm Phò nên người ta thường gọi là ông Bộ Hán. Tuy là gia đình trung nông nhưng vì quá đông con nên cũng không giàu có gì, mọi cố gắng chỉ tạm đủ lo cho năm người con trai có cái ăn cái mặc để theo thầy học chữ. Và nhờ tiện tặn chắt bóp nhiều năm nên gia đình cũng đã dựng được ngôi nhà rường lợp tranh làm nơi thờ tự và tậu mấy sào ruộng hương hỏa để lo việc giỗ chạp tổ tiên; những thửa ruộng ấy mãi đến cuối năm 1975 mới không cày cấy nữa.

Gia đình Nguyễn Vịnh có tất cả 10 anh chị em: 5 gái 5 trai. Ba người chị đã mất. Hai người em gái hiện còn sống; một trong hai người ấy là bà Nguyễn Thị Hát, tham gia cách mạng ở địa phương được công nhận là cán bộ cách mạng lão thành. Và 5 anh em trai: Người anh cả là Nguyễn Hào, thứ nhì Nguyễn Du, thứ ba Nguyễn Câu, thứ tư Nguyễn Vịnh, sau cùng là Nguyễn Dĩnh. Người anh cả Nguyễn Hào một đời lo phận hương khói tổ tiên. Người anh thứ nhì Nguyễn Du say mê chữ nghĩa làm trợ giáo trường làng. Người anh thứ ba Nguyễn Câu tháng ngày cày cấy ruộng nương, tính tình cương trực bị giặc Pháp bắn chết từ năm 1947. Nguyễn Vịnh và Nguyễn Dĩnh sớm giác ngộ cách mạng tham gia kháng chiến cứu nước.

Cô Hát, em gái út của Đại tướng năm nay đã ngoài 90 tuổi, hiện đang sống với người con gái ở Hà Nội. Chúng tôi tìm đến o Hát vào một sáng cuối thu Hà Nội se lạnh. O kể: “Ba tui mất khi anh Thanh (tức Nguyễn Vịnh) mới lên 14 tuổi. Cuộc sống gia đình đông con nên gặp nhiều khó khăn. Anh Thanh là người rất thương mẹ, Huế mình kêu mạ. Để giúp mạ, mới học hết năm đệ nhất (tương đương lớp 5 phổ thông bây giờ) anh đã nghỉ học sớm để đi làm thuê... Sau này, ra Hà Nội làm Đại tướng, nhưng anh Thanh khi mô đi công tác về cũng vào hỏi: Mạ đã ăn cơm chưa? Mạ ngủ chưa...”, nhắc đến anh trai, o Hát rưng rưng.

Mẹ của Đại tướng cũng là một người phụ nữ đặc biệt. Thiếu tướng Đặng Văn Duy, nguyên Chính ủy Binh chủng không quân, từng là Bí thư riêng của Đại tướng kể, bàn tay phải của mệ bị cụt mất một ngón chỉ có bốn ngón. Trong một lần Bác Hồ đến ăn cơm với gia đình Đại tướng, thấy bà bị cụt mất ngón tay, Bác hỏi: “Sao thế mệ?”. Mệ kể: “Thằng Vịnh nhà này đi hoạt động suốt, ở nhà mệ luôn bị bọn mật thám đến tra khảo, đe nẹt đủ điều. Có lần chúng lại bắt mệ đưa lên tỉnh, tra khảo đánh đập mệ tàn tệ. Thấy mệ gan góc quá, chúng chĩa nòng súng vào đầu mệ. Mệ lấy tay bịt nòng súng lại không cho chúng chỉa vào mặt. Tên mật thám nổ súng và mệ cụt mất một ngón tay”.

Bác lặng nghe, nhìn bàn tay mệ xúc động: “Thật mẹ nào con nấy”.

Chị Nguyễn Thanh Hà, con gái đầu của Đại tướng, kể: “Khi ba từ Việt Bắc về Hà Nội đã đón mệ (mẹ Đại tướng - NV) từ Thừa Thiên ra ở cùng. Có hôm, Đại tướng ngồi trò chuyện với những người bạn đồng hương, ai cũng mong muốn được vào Nam đánh giặc, giải phóng quê hương. Mệ đi ngang qua nghe vậy, nói: “Mấy thằng bây toàn đánh giặc mồm, có giỏi thì vô Nam mà đánh, ngồi đây mà nói chuyện đánh đấm làm chi rứa?”.

Chuyện kể lại rằng, có hôm Đại tướng bị mẹ la. Ông đã tìm đến nhà văn Thanh Tịnh (lúc ấy là đại úy Phó chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ quân đội) để giãi bày tâm sự: “Miềng buồn hung Thanh Tịnh ơi! Chiều nay mình bị mạ mắng”. “Mắng răng?” - Nhà văn hỏi. Đại tướng buồn bã: “Mạ nói: Thanh ơi, mi mần đến đại tướng mà răng mỗi việc đưa mạ về thăm quê mà không mần được!”.

Nỗi niềm thương nhớ quê hương vẫn dằng dặc trong lòng Đại tướng.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; bức thư tình; lãng mạn;

Vở chèo Sáng trong như ngọc một con người (NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang, tác giả kịch bản - nhà văn Nguyễn Quang Vinh) sẽ công diễn từ ngày 25.12 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Vở chèo có bốn hồi: Bình Trị Thiên khói lửa, Dọc đường chiến dịch, Gió Đại Phong, Nắm thắt lưng địch mà đánh - mỗi hồi tương ứng với một chặng đường quan trọng trong cuộc đời cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. 

Ngọc Bi

Bùi Ngọc Long

>> Hội thảo khoa học về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Xây nhà nhân ái trên quê hương đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> 165 thanh niên tham dự trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh
>> Dâng hoa tại tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.