Trước mật độ phổ biến văn hóa dày đặc từ Trung Quốc, Mỹ phải thay đổi chiến lược “ngoại giao quảng bá” nếu không muốn bị nhấn chìm trong cơn lốc thông tin của đối thủ. Đó là cảnh báo từ Quốc hội Mỹ sau khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 14.2 công bố báo cáo về “ngoại giao quảng bá” của 2 nước trong những năm qua.
Báo cáo này - được thực hiện dưới sự chỉ đạo của thượng nghị sĩ Cộng hòa Richard Lugar - cho thấy Washington đang tụt lại sau Bắc Kinh với sự “xâm nhập” ồ ạt của các viện văn hóa và kênh truyền thông do chính phủ thiết lập. Báo cáo kêu gọi Mỹ gửi thêm nhiều sinh viên đến Trung Quốc, mở thêm nhiều Trung tâm văn hóa Mỹ tại nước này, nỗ lực giành quyền đăng cai Triển lãm thế giới World Expo 2020 cùng nhiều biện pháp củng cố “ngoại giao công cộng” khác.
Viện Khổng Tử và quyền lực mềm
AFP dẫn báo cáo trên nêu rõ: “Điều chắc chắn là Mỹ vẫn chưa nỗ lực hết sức để chuẩn bị đối phó viễn cảnh bị Trung Quốc cạnh tranh gắt gao về nhiều mặt”. Thử so sánh về mảng giáo dục: Trung Quốc hiện có gần 130.000 sinh viên tại Mỹ mỗi năm, gấp 10 lần số sinh viên Mỹ có mặt tại quốc gia Đông Á. Trước tình hình này, chính quyền Tổng thống Barack Obama kêu gọi tăng con số này lên 25.000 người/năm. Tuy nhiên, chương trình đưa du học sinh Mỹ sang Trung Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn tư nhân và không đủ sức tạo ra cạnh tranh, theo báo cáo. “Việc tăng số sinh viên Mỹ học tập tại Trung Quốc là lợi ích cốt lõi của chúng ta để có được các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, giáo dục và chính sách để đối phó trước những thách thức từ một Trung Quốc đang trỗi dậy không ngừng”, AFP dẫn báo cáo viết.
Trung Quốc cũng đang mở khoảng 70 viện Khổng Tử tại Mỹ để dạy tiếng Hoa và quảng bá văn hóa nước này. Ngược lại, Mỹ chỉ có 5 thư viện mở trên đất Trung Quốc. Bắc Kinh luôn khẳng định các viện trên là tổ chức phi chính phủ, nhưng báo cáo của Thượng viện Mỹ chỉ rõ chúng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Được thành lập đầu tiên tại Tashkent, Uzbekistan vào tháng 6.2004, tính đến tháng 7.2010, đã có 316 viện Khổng Tử và 337 lớp học Khổng Tử tại 94 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Tân Hoa xã. Mức độ phủ sóng toàn cầu của các viện trên đã khiến không ít quốc gia lo ngại bị Trung Quốc “thâu tóm” về văn hóa. Phong trào chống lại “quyền lực mềm” của Trung Quốc thông qua các viện Khổng Tử cũng đã diễn ra tại Nhật Bản, Thụy Điển, Úc…
Mỹ thờ ơ với chính sách văn hóa
Trong lúc một số kênh truyền thông của Mỹ bị giới hạn tại Trung Quốc, truyền thông do chính phủ Bắc Kinh tài trợ lại tiếp tục len lỏi sâu trong lòng cường quốc số 1 thế giới. Mới nhất là việc Tân Hoa xã mở văn phòng đại diện ở Quảng trường Thời đại tại New York. Trong bức thư gửi kèm theo báo cáo trên, thượng nghị sĩ Lugar nêu rõ: “Người Mỹ đã bị đánh bại trong lĩnh vực này. Người Trung Quốc tận dụng sự cởi mở của chúng ta để truyền bá thông tin theo nhiều cách, trong khi lại đóng chặt cửa của mình”.
Báo cáo của Thượng viện Mỹ cũng chỉ trích chính quyền ông Obama không chi ngân sách đúng mức cho chính sách văn hóa. Ví dụ cụ thể là chuyện Mỹ làm quá sơ sài gian trưng bày tại World Expo 2010 ở Thượng Hải hồi năm ngoái. Ngoài chuyện được gấp rút dựng lên vào phút chót nhờ vào các nguồn quỹ tư nhân, khu trưng bày của Mỹ chẳng có nội dung gì đặc biệt. Khách tham quan chỉ được xem vài thước phim ngắn về nước này. AFP dẫn số liệu từ báo cáo cho thấy có khoảng 70 triệu người (phần lớn là dân bản xứ) đến tham quan sự kiện trên và đã có 7 triệu người ghé qua gian hàng của Mỹ. Nếu so với lượng du khách Trung Quốc đến Mỹ mỗi năm khoảng hơn 1 triệu người, hội chợ tại Thượng Hải là cơ hội quá tốt để tạo được hiệu quả tối đa trong việc quảng bá hình ảnh và phần nào “giành giật” được với Trung Quốc trên “mặt trận” văn hóa. Thế nhưng Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội lớn này.
Để sửa chữa sai lầm trên, Chính phủ Mỹ được khuyên nên xem xét thay đổi luật theo hướng cho phép nhà nước hỗ trợ các nỗ lực xây dựng hình ảnh mạnh mẽ của nước này trong các sự kiện lớn, trước mắt là tại World Expo 2012 tại Hàn Quốc, đồng thời cân nhắc việc đăng cai World Expo 2020.
"Không ai nghi ngờ về việc trong 50 năm tới chúng ta sẽ chứng kiến sự cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tương tự như với Liên Xô 50 năm trước” - báo cáo nói trên viết - “Điều còn bỏ ngỏ là liệu sự cạnh tranh này có chuyển dần sang hướng quân sự hay không”. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ sẵn sàng “phản công” trong lĩnh vực “ngoại giao quảng bá” như văn hóa, thông tin, giáo dục là vô cùng cấp thiết.
Thụy Miên
Bình luận (0)