Xử lý bất cập chế độ tiền lương giáo dục, y tế
Sáng 13.11, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Theo nghị quyết, Quốc hội quyết nghị chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Tuy vậy, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Cho phép từ ngày 1.7.2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách T.Ư để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế. Cùng đó, cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do T.Ư ban hành và tinh giản biên chế.
Quốc hội cũng cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương. Điều kiện để thực hiện là địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do T.Ư ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách T.Ư hỗ trợ.
Tại nghị quyết, Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất việc xử lý các bất hợp lý phát sinh trong chế độ cho một số đối tượng, ngành nghề (viên chức ngành giáo dục, y tế,...)
Cùng đó, đề xuất việc tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong trường hợp tình hình kinh tế - xã hội năm 2025 thuận lợi hơn và cân đối được nguồn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Quốc hội quyết định chưa tăng lương trong năm 2025
Sửa đổi luật Ngân sách nhà nước, phân cấp thu chi
Tại nghị quyết, Quốc hội quyết nghị số thu ngân sách nhà nước là 1,966 triệu tỉ đồng.
Quốc hội cũng quyết nghị sử dụng 60.000 tỉ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách T.Ư và 50.619 tỉ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng (từ 1.7.2024)
Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỉ đồng, gồm: bội chi ngân sách T.Ư là 443.100 tỉ đồng, tương đương 3,6%GDP; bội chi ngân sách địa phương là 28.400 tỉ đồng, tương đương 0,2%GDP.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 835.965 tỉ đồng.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; mở rộng cơ sở thu; chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.
Quốc hội cũng nêu rõ, tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Quốc hội cũng yêu cầu, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm xây dựng phương án sửa đổi luật Ngân sách nhà nước, gắn với việc sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi một cách tổng thể, thận trọng, có đánh giá tác động đầy đủ nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách T.Ư.
Bình luận (0)