Quốc hội sẽ phải làm gì ?

06/09/2012 03:00 GMT+7

Các bản báo cáo kinh tế vĩ mô mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện mấy kỳ gần đây, trong chương trình hợp tác với UNDP Việt Nam, được đánh giá cao không hẳn vì nó được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu mà bởi vì đó là nguồn thông tin độc lập hiếm hoi cho các đại biểu Quốc hội, khi thực hiện quyền giám sát tối cao các hoạt động của Chính phủ.

Bản báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012, mang tên “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” công bố hôm 4.9.2012 cũng như vậy, nó cung cấp một cái nhìn tương đối  toàn diện, thẳng thắn về những bất ổn trong điều hành vĩ mô, từ rủi ro thâm hụt tài khóa đến những thách thức của thị trường lao động, việc làm. Đây gần như là một bản báo cáo đầu tiên chỉ ra một cách rõ ràng rằng, mức thu thuế và phí ở Việt Nam hiện rất cao so với khu vực. Việt Nam cũng đang áp nhiều khoản thuế đánh vào tiêu dùng như thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu cao hơn so với các nước. Chưa hết, bản báo cáo cũng chỉ ra, ngoài các khoản thuế và phí, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải trả các chi phí không chính thức cao.

Thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh trong khi gánh nặng thuế, phí đè nặng người dân và doanh nghiệp sẽ thực sự là thách thức đối với Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, nếu không tăng áp lực chính trị đối với việc điều hành tài khóa và tiền tệ.

Quốc hội nước ta cũng giống như nghị viện các nước trực tiếp quyết định các khoản thu và phê chuẩn các khoản chi, mà ý nghĩa lịch sử của việc này là để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của nhân dân. Thực tế cho thấy, mặc dù Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân, nhưng tâm lý thích tăng thu rất phổ biến. Trong khi việc tăng thu chỉ có ý nghĩa khi các cơ quan nhà nước biết chi tiêu hiệu quả và tiết kiệm. Rất tiếc, hàng nghìn tỉ đồng thất thoát, thua lỗ ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang nói lên khả năng tiềm tàng của điều ngược lại.

Tiền không thu vào ngân sách nhà nước không phải tiền mất đi, chúng nằm trong ngân sách của người dân. Và các quyết định đầu tư của người dân đối với đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ bao giờ cũng ít rủi ro.

Quốc hội cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện sứ mệnh ngân sách của mình. Ở nhiều nước, mặc dù các luật thuế đều có giá trị lâu dài, nhưng việc thi hành chúng chỉ được cho phép hằng năm, theo quyết định của Quốc hội; còn ở ta ngay một việc cần kíp như giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế TNCN trong bối cảnh lạm phát tăng cao, sản xuất đình đốn cũng chỉ được xem xét khiêm tốn trên cơ sở báo cáo của Chính phủ.

Một chương trình tái cấu trúc phù hợp với lộ trình ổn định là giải pháp được Ủy ban Kinh tế khuyến nghị trong bản báo cáo kinh tế vĩ mô 2012. Nhưng để thực hiện được tái cấu trúc thì cần “Quốc hội lập đề án cải cách thể chế, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, luật pháp trong sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ”. Bởi vì, cũng theo bản báo cáo này thì việc thiết kế và vận hành một bộ máy quyền lực ngày càng phình to, xa dân, kém hiệu quả và kém hiệu lực, không theo nguyên tắc “quyền lực phải được giám sát” là nguồn gốc sâu xa dẫn đến tham nhũng, lạm dụng chức quyền vì tư lợi, làm thoái hóa, biến chất bộ máy.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.