Quốc hội thảo luận về thuế nhà, đất: Không nên đánh thuế người có một nhà

21/11/2009 23:46 GMT+7

* Trao thêm quyền cho hội đồng trọng tài Thảo luận tại hội trường chiều qua 21.11 về Dự luật Thuế nhà, đất, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng không nên đánh thuế đối với những trường hợp người có một nhà.

Theo dự luật, những căn nhà có giá trị xây dựng trên 500 triệu đồng thì người dân phải nộp thuế phần trên 500 triệu. Nhưng ĐB Lê Dũng (Tiền Giang) cho biết, quy định như vậy sẽ không khuyến khích người dân xây nhà to, họ sẽ “co kéo” xây dưới 500 triệu để không phải nộp thuế, và như vậy sẽ không tiết kiệm được đất ở.

ĐB Điểu Kré (Đắk Nông) lo lắng: “Quy định như dự luật có tác động rất lớn đối với xã hội, nếu phải đóng thuế nhà, tôi e rằng nhân dân không đồng thuận, tạo ra sự bất ổn trong lòng dân”. Theo ĐB Điểu Kré, nhà ở đối với nông dân không chỉ có giá trị về kinh tế mà có giá trị về tinh thần. Có gia đình, kể cả cán bộ chân chính cũng phải tích lũy 10-15 năm mới xây được căn nhà. Và để xây dựng một căn nhà, người dân đã phải đóng thuế khi mua vật liệu xây dựng. Từ những lập luận trên, ĐB Điểu Kré dứt khoát: “Tôi không đồng tình thu thuế nhà”.

Phó trưởng đoàn ĐB QH TP.HCM Trần Du Lịch lên tiếng: “Với thu nhập đầu người như hiện nay, trong 10 năm tới chưa đặt vấn đề thu thuế nhà ở. Đánh thuế nhà là động đến toàn dân”. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cùng quan điểm: “Cách đặt vấn đề của ĐB Lịch rất trúng. Phải xem xét cân nhắc kỹ khi đưa nhà ở vào diện chịu thuế, vì nhà ở là quyền cơ bản của công dân”. ĐB Hường nhấn mạnh: “Thu thuế nhà sẽ gây áp lực cho cuộc sống còn đang eo hẹp của người dân, ảnh hưởng tới đời sống của đại bộ phận đa số người dân”. Phó trưởng đoàn ĐB QH Quảng Nam Ngô Văn Minh bày tỏ: “Bất kể giai đoạn nào, ta cũng không đánh thuế những người có một nhà. Đây là loại tài sản mà nếu đánh thuế thì thuế sẽ chồng lên thuế - khi xây nhà người dân đã phải nộp thuế khi mua vật liệu”.

Chưa hạn chế được đầu cơ đất

Để hạn chế đầu cơ, dự luật quy định đánh thuế 0,03%/năm đối với diện đất trong hạn mức (hạn mức đất do UBND cấp tỉnh quy định), phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần hạn mức thì đánh thuế 0,06%/năm và phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức sẽ đánh thuế 0,09%/năm.

Nhưng với các mức thuế suất trên, các ý kiến phát biểu đều cho rằng, chưa thể thực hiện được mục tiêu chống đầu cơ đất. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, đầu cơ là bạn đồng hành của kinh tế thị trường, cũng giống như một nồi canh cần phải có mì chính mới ngon, nhưng đầu cơ thái quá thì làm méo mó thị trường, và một nồi canh mà cho cả 1 kg mì chính thì không còn là nồi canh được. Ông đề nghị: “Đánh thuế đối với người có hai nhà trở lên. Đối với đầu cơ đất, đánh thuế không phải là phần nghìn mà đánh phần trăm. Phải xác định lại mục tiêu của luật này là dùng công cụ tài chính để kéo thị trường giá bất động sản xuống để phục vụ cho xây dựng nhà xã hội và an sinh”.

ĐB Lê Dũng (Tiền Giang) hưởng ứng: “Quy định mức thuế suất còn thấp, chưa đủ sức hạn chế đầu cơ đất, đặc biệt là đất bỏ hoang”. ĐB Trương Xuân Quý (Tuyên Quang): “Phải đánh thuế cao hơn nữa mới hạn chế được đầu cơ, làm méo mó thị trường”. Cụ thể hơn, ĐB Trần Việt Hưng (Hòa Bình) đề nghị: “Thu thuế những người có hai nhà trở lên, đất để hoang phải áp thuế thật cao 1-2%”. ĐB Nguyễn Thị Quốc Khánh (Hà Nội) góp ý: “Đánh thuế theo lũy tiến người có hai nhà trở lên và thuế đất phải tùy theo vị trí, địa điểm, dự luật không tính theo kiểu này, tôi cho là không được”.        

Trao thêm quyền cho hội đồng trọng tài

Cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về Dự luật Trọng tài thương mại. Các ý kiến phát biểu đều tán đồng, cho rằng việc ban hành luật trọng tài là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Phó trưởng đoàn ĐB QH TP.HCM Trần Du Lịch bày tỏ: “Hình thức trọng tài là một xu hướng phù hợp, cần thiết, giảm gánh nặng cho tòa án”. Ủng hộ việc ban hành luật, luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) liệt kê một loạt các ưu điểm của hình thức xử bằng trọng tài so với xét xử tại tòa: “Trọng tài là xử kín chỉ có hai bên tranh chấp dự, do đó bảo vệ được uy tín của hai bên còn xử tại tòa là công khai, ai cũng có quyền đến dự. Thứ hai là đưa ra tòa thì sẽ kéo dài lê thê, có khi kéo dài tới mười năm, mười mấy năm có khi nguyên đơn chết rồi nhưng vẫn kéo nhau ra tòa, trọng tài chỉ có một lần xử còn tòa án có nhiều cấp. Tòa thì chỉ có hội thẩm, còn trọng tài viên có chuyên môn”.

Dự luật quy định Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm duy trì, khôi phục hiện trạng tranh chấp, tiến hành các biện pháp bảo quản tài sản cần thiết đảm bảo cho việc thi hành phán quyết, bảo quản chứng cứ hay bảo quản tài sản liên quan đến tranh chấp. Đặc biệt đối với một số loại tranh chấp có liên quan đến tài sản, hàng hóa mau hư hỏng, nếu chờ các thủ tục tại tòa án thì sẽ không kịp thời, có thể dẫn đến những tổn thất không đáng có cho các bên.

Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Lê Thị Thu Ba cho biết, UB này tán thành với quy định trên của dự luật, với lập luận: “Mặc dù đây là quy định mới so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, nhưng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại quốc tế cũng như luật trọng tài của nhiều nước trên thế giới quy định cho trọng tài có thẩm quyền này”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán đồng với quy định của dự luật, cho rằng chỉ có tòa án mới có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp. Ông Trần Du Lịch nêu ý kiến: “Luật nên quy định, khi cần thiết thì Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp”.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 6 năm qua mới có 280 vụ được xử bằng trọng tài nhưng đã có tới 4 vụ bị tòa tuyên hủy. Trong khi đó ở các nước có lịch sử xử bằng trọng tài hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nhưng chưa hề có trường hợp nào bị tuyên vô hiệu. “Điều này không phải do trình độ của trọng tài ta kém mà do các quy định của mình”, ông Huỳnh nói. Các quy định hiện tại không chặt chẽ nên khiến nhiều trường hợp lợi dụng để kéo dài thời gian thi hành, cứ bị xử thua là khởi kiện ra tòa án.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng và ĐB Trần Du Lịch cùng quan điểm, đề nghị dự luật phải quy định chặt chẽ hơn việc tòa án xử vô hiệu phán quyết của trọng tài để tránh bị lạm dụng. “Quy định chặt chẽ ngay cả vấn đề thụ lý chứ chưa nói đến việc xử. Quyết định của trọng tài phải được công nhận tại tòa”, ĐB Trừng nhấn mạnh.

Xuân Toàn

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.